Trong nhiều năm, kinh tế chia sẻ được ca ngợi là mô hình “tử tế hơn” của chủ nghĩa tư bản, là giải pháp đối phó với nạn tiêu dùng vô độ. Tại sao bạn phải sở hữu một chiếc xe hơi khi mà nó nằm lì trong gara cả tuần lễ? Kinh tế chia sẻ sẽ giúp những người xa lạ trên khắp thế giới sử dụng tài sản của mọi người vì lợi ích chung.
Năm 2009, New York Times dẫn lời tác giả Rachel Botsman khẳng định: “Chia sẻ tác động tới sở hữu giống như cách iPod tác động tới máy cassette hay điện mặt trời tới các mỏ than”. Năm 2013, cũng trên New York Times, chuyên gia Thomas Friedman - tác giả cuốn Thế giới phẳng - mô tả đột phá đích thực của Airbnb không phải là nền tảng hay mô hình phân phối, mà là “niềm tin”.
Tại một cuộc hội thảo năm 2014, nhà đầu tư Shervin Pishevar - từng đổ tiền vào Uber và Airbnb - tuyên bố hùng hồn rằng kinh tế chia sẻ sẽ đưa loài người trở lại với thời kỳ sinh sống mang tính cộng đồng cao, ảnh hưởng môi trường thấp.
Biếm họa về kinh tế chia sẻ của Dave Arcade. Ảnh: Medium. |
Một số nghiên cứu cho rằng nền kinh tế chia sẻ sẽ đạt quy mô 335 tỷ USD tại Mỹ vào năm 2025. Năm 2016, chính phủ Trung Quốc thống kê kinh tế chia sẻ nước này đạt quy mô tới 500 tỷ USD.
Theo Medium, hơn 10 năm kể từ khi “bình minh” kinh tế chia sẻ, những gì xảy ra với Uber, WeWork, Lyft, Airbnb và hàng loạt startup khác ở Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước khác cho thấy các dự đoán đầy lạc quan trước đây đều chỉ là lời hứa hão.
Thế giới mộng tưởng huy hoàng
Trên thực tế, mô hình kinh tế chia sẻ đã tồn tại nhiều năm trước khi khái niệm này trở nên phổ biến. Năm 1995, Craigslist khởi đầu làn sóng quyên góp trực tiếp, thuê địa điểm và bán mọi thứ, từ thú cưng, đồ nội thất cho đến căn hộ. Năm 2000, Zipcar cho phép các thành viên thuê xe hơi để thực hiện các chuyến đi ngắn.
Và từ năm 2004, CouchSurfing biến mọi căn phòng khách thành phòng khách sạn. Làn sóng chia sẻ đầu tiên khá hấp dẫn và một số công ty có lãi. Nhưng ở thời smartphone chưa phổ biến rộng rãi, mô hình này không thu hút sự chú ý của giới đầu tư.
Nhiều người cho rằng cụm từ “kinh tế chia sẻ” được giáo sư luật Lawrence Lessig giới thiệu với giới công nghệ trong cuốn Remix: Making Art and Commerce Thrive in the Hybrid Economy (2008). Khi đó, suy thoái toàn cầu vừa bùng lên, kinh tế chia sẻ được quảng bá là một mô hình kinh doanh mới.
Năm 2009, tạp chí online Shareable được thành lập để theo dõi phong trào kinh tế chia sẻ. Mô hình này được kỳ vọng sẽ giúp hạn chế tình trạng tiêu thụ quá mức và ảnh hưởng của nó lên môi trường. Nhà đầu tư Mary Meeker mô tả người Mỹ đang chuyển dần từ “lối sống phụ thuộc vào tài sản” sang “sự tồn tại ít phụ thuộc vào tài sản”.
Nhà nghiên cứu Harald Heinrichs cho rằng kinh tế chia sẻ “là con đường mới dẫn tới sự bền vững”. Chuyên gia Annie Leonard của Greenpeace tô vẽ kinh tế chia sẻ là sự đối lập của tiêu thụ. “Kinh tế chia sẻ sẽ giúp bảo tồn tài nguyên, tạo cơ hội cho mọi người tiếp cận những tài sản họ không thể sở hữu, và xây dựng cộng đồng”, bà quả quyết.
Giá cổ phiếu Uber sụt giảm 30% kể từ khi phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu tiên hồi tháng 5. Ảnh: Getty. |
Kinh tế chia sẻ còn hứa hẹn kết nối mọi người trong thời đại kỹ thuật số. Chuyên gia kinh tế chia sẻ April Rinne nói rằng chia sẻ sẽ tái tạo lại nền tảng xã hội của các cộng đồng gắn kết. “Việc tham gia vào hoạt động tiêu dùng chung sẽ làm tăng niềm tin”, bà viết trên Shareable.
Cơ hội kiếm thêm thu nhập bằng công việc bán thời gian như tài xế taxi hay thợ sửa chữa sẽ giúp giảm khoảng cách giàu nghèo toàn cầu. Năm 2013, nhà báo Van Jones của CNN nói rằng chia sẻ “sẽ đưa chúng ta tới tương lai bền vững và thịnh vượng hơn”.
Doanh nhân Adam Werbach thành lập nền tảng chia sẻ hàng hóa đã qua sử dụng Yerdle vào năm 2012. Khẩu hiệu của ông là: “Hãy ngừng mua sắm và bắt đầu chia sẻ”. “Hàng loạt công ty nhỏ cùng lao vào lĩnh vực này. Các nhà sáng lập đều chơi với nhau. Đó là một cộng đồng. Tôi từng hi vọng mô hình này sẽ chinh phục chủ nghĩa tư bản”, ông Werbach kể về thời kỳ đó.
Biểu tượng Lyft
Một biểu tượng của nền kinh tế chia sẻ và sự phát triển thần tốc của nó là ứng dụng gọi xe Lyft. Người đồng sáng lập Logan Green kể rằng ông quá ngán ngẩm tình trạng tắc nghẽn giao thông ở Los Angeles, khi trên đường đầy xe ôtô chỉ có một người bên trong. Green cho rằng khi có thêm nhiều người ngồi trong mỗi chiếc xe, đường sá sẽ trở nên thông thoáng hơn.
Năm 2012, Lyft bắt đầu cung cấp dịch vụ chở khách qua những quãng đường ngắn trong các thành phố. Lyft quảng bá mô hình “chuyến xe thân thiện”, khuyến khích hành khách ngồi ghế trước để tương tác với tài xế và trả tiền boa “tùy tâm”. Lyft lập luận rằng nền tảng này chỉ kết nối tài xế với hành khách, trả tiền là chuyện không bắt buộc, do đó không phải là dịch vụ taxi.
Nhưng chỉ sau một năm, Lyft đã đặt mức tiền cước cụ thể và huy động được 83 triệu USD tiền đầu tư. Năm 2015, Lyft nhận giải kinh tế Circulars ở Davos vì “giúp giảm tắc nghẽn giao thông trên đường phố”.
Trong nửa đầu thập niên 2010, kinh tế chia sẻ bắt đầu bùng nổ thành một mô hình kinh tế trị giá hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD. Và khái niệm “chia sẻ” cũng bắt đầu có sự thay đổi. “Chia sẻ” vẫn mang nghĩa dùng chung các tài sản ít được sử dụng. Nhưng càng ngày, nó càng mang tính chất của hình thức cho thuê truyền thống.
Cũng giống như Uber, Lyft thua lỗ hàng tỷ USD. Ảnh: Getty. |
Dường như tất cả mọi thứ đều bị cơn bão chia sẻ cuốn theo. Các ngân hàng đa quốc gia đổ tiền vào hàng loạt startup chia sẻ xe đạp, ứng dụng cho phép người dùng thuê vị trí đỗ xe mọc lên như nấm, các nền tảng mua bán quần áo đã qua sử dụng xuất hiện ồ ạt… Nhiều startup lên đời “kỳ lân” như Uber hay WeWork.
Năm 2013, nhà đầu tư Steve Case tuyên bố trên Washington Post: “Hãy thắt dây an toàn. Nền kinh tế chia sẻ mới chỉ bắt đầu”. Năm 2014, lãnh đạo Airbnb Douglas Atkin khẳng định: “Kinh tế chia sẻ xứng đáng thành công vì đó là sự phi tập trung hóa tài sản, quyền lực và kiểm soát”.
Chỉ là bình mới rượu cũ
Đến giữa thập niên 2010, câu thần chú “kinh tế chia sẻ” bắt đầu đánh mất sự nhiệm màu. Các nền tảng “tiêu dùng chung” dần biến thành những công ty được định giá hàng tỷ USD.
“Sự thay đổi về nhận thức bắt đầu từ năm 2016. Mọi người nhận ra rằng mô hình này thực ra chẳng có gì là mới mẻ. Nó chỉ rẻ hơn và không được quản lý chặt mà thôi”, Medium dẫn lời luật sư Veena Dubal ở San Francisco nhận định.
Trong bài viết đăng trên Medium năm 2016, doanh nhân Adam Werbach cho rằng các tập đoàn toàn cầu đã “đánh cướp” kinh tế chia sẻ. “Các nền tảng cho thuê đạt giá trị khổng lồ nhưng không phản ánh tinh thần chia sẻ”, ông viết. “Thực tế là hàng triệu người đang chia sẻ để một số ít trở thành tỷ phú”. Ông khẳng định các nền tảng này là “cho thuê” chứ không phải “chia sẻ”.
Trong một số trường hợp, kinh tế chia sẻ làm trầm trọng thêm những vấn đề nó được kỳ vọng sẽ giải quyết. Việc tận dụng các nguồn lực dư thừa dẫn tới tình trạng tiêu thụ nguồn lực quá mức. Một số nghiên cứu cho thấy dịch vụ giá rẻ của Uber và Lyft khiến tắc nghẽn giao thông ở nhiều thành phố Mỹ trở nên trầm trọng hơn.
Đáng lo ngại hơn, chúng lôi kéo hành khách rời khỏi hình thức chia sẻ thực sự: phương tiện giao thông công cộng. Các dịch vụ gọi xe như Uber và Lyft lôi kéo nhiều người vay tiền ngân hàng mua xe trong khi không đủ khả năng trả nợ, hoặc thuê xe từ chính các công ty này.
Từng có khách chết trong căn hộ thuê của Airbnb, nhưng nền tảng này không chịu trách nhiệm. Ảnh: Financial Times. |
Trong khi đó, các ứng dụng cho thuê phòng khách sạn như Airbnb thổi bùng cơn lũ đầu cơ bất động sản ở nhiều thành phố. Hàng loạt căn nhà, tòa chung cư trở thành khách sạn, khiến nguồn cung nhà đất tại nhiều thành phố đắt đỏ càng trở nên khan hiếm. Theo Medium, điều đó có nghĩa là tài sản, quyền lực và sự kiểm soát không hề được phi tập trung hóa, mà ngày càng tập trung vào các nền tảng lớn.
Hơn nữa, kinh tế chia sẻ không hề tạo ra được sự tin cậy. Thông thường, chính phủ đóng vai trò trung gian quản lý mối quan hệ giữa các công ty với người tiêu dùng. Trong khi đó, các nền tảng thường né tránh trách nhiệm khi có vấn đề xảy ra. Ví dụ, từng có trường hợp khách chết hay bị tấn công khi sử dụng dịch vụ thuê phòng Airbnb, nhưng công ty này không chịu trách nhiệm.
Các công cụ quản lý trên mạng xã hội không thể ngăn chặn được những vấn đề chắc chắn sẽ xảy ra (như khi một người xa lạ vào nhà một người khác nhờ ứng dụng Airbnb, còn khách sạn thì có những quy chuẩn an ninh nhất định). Và các công ty chia sẻ không kiểm tra chặt chẽ lực lượng freelance, nhà hay xe cho thuê.
Kinh tế chia sẻ cũng không đem lại sự ổn định tài chính. Người lao động làm việc trong các ngành kinh tế chia sẻ như tài xế Uber hay Grab đều có thu nhập thấp, không có bảo hiểm xã hội hay y tế.
Kinh tế chia sẻ đang chết
Kể từ năm 2016, các doanh nhân công nghệ và giới đầu tư phương Tây đã hạn chế dùng từ “chia sẻ”. Thay vào đó, họ sử dụng những từ như “nền tảng”, “dịch vụ theo yêu cầu” và gần đây nhất là “kinh tế gig” (nền kinh tế của những công việc tạm thời, ngắn hạn). Một số tổ chức và cá nhân từng nhiệt liệt ủng hộ kinh tế chia sẻ cũng không còn nói nhiều về nó nữa, ví dụ như tổ chức phi lợi nhuận Peers.
Năm 2018, chuyên gia kinh tế chia sẻ April Rinne - thành viên Ủy ban Kinh tế Chia sẻ Trung Quốc - thừa nhận “mặt tối” của mô hình này. Chuyên gia Rachel Botsman - người từng khẳng định chia sẻ sẽ giúp con người tin cậy nhau hơn - giờ chỉ trích công nghệ và sự tích tụ quyền lực của các nền tảng lớn “làm xói mòn lòng tin”.
Biếm họa kinh tế chia sẻ bắt đầu chết từ năm 2016. Ảnh: Medium. |
Các nền tảng “chia sẻ cộng đồng” từng được chuyên gia Botsman kỳ vọng như Crowd Rent, ThingLoop, SnapGoods hay Josephine đều đã chết. CouchSurfing biến thành dịch vụ trả tiền. Theo Medium, các tập đoàn và chuyên gia không còn dùng từ “chia sẻ” nữa bởi người tiêu dùng không còn tin tưởng vào mô hình này nữa.
Doanh nhân Adam Werbach phân tích trên thực tế người tiêu dùng có chia sẻ, nhưng mô hình kinh tế này đem lại quá ít lợi nhuận. Để kiếm ra tiền, đặc biệt là lượng tiền mà giới đầu tư công nghệ mong muốn, các startup không thể chỉ tận dụng các tài sản ít được sử dụng. Họ phải có thêm nguồn lực.
Kinh doanh vì lợi nhuận đòi hỏi tăng trưởng và các nền tảng đòi hỏi quy mô. Hóa ra là chủ nghĩa tư bản không hề bị chinh phục mà nó càng bùng nổ. “Giờ tất cả chỉ là những giao dịch. Chẳng cần phải dùng những từ ngữ mĩ miều như ‘chia sẻ’ hay ‘thay đổi thế giới’ để nói về chúng”, doanh nhân Werbach cay đắng nói.
Và giờ khi kinh tế chia sẻ đã lỗi mốt, các nhà đầu tư và chuyên gia bắt đầu nói về những mô hình mới. “Hot” nhất hiện nay chính là công nghệ blockchain. “Giờ hầu như không ai biết blockchain là gì, nhưng 10 năm tới nó sẽ quen thuộc giống như Internet. Cả xã hội sẽ không thể thiếu nó”, chuyên gia Rachel Botsman viết trên Wired.
Vẫn là những tuyên bố hùng hồn, vẫn là những lời có cánh. Và rất quen thuộc.