Bài toán khó nhất đặt ra cho cơ quan quản lý hiện nay là phải cân bằng được giữa việc phát triển một ngành công nghiệp nội dung số - vốn phù hợp với đặc điểm của Việt Nam cũng như xu thế Internet hiện đại - với việc quản lý được yếu tố "nội dung".

Theo một số chuyên gia, luật CNTT đã nêu rõ quan điểm CNTT là một ngành kinh tế - kỹ thuật và Công nghiệp CNTT cần được quản lý theo xu hướng thúc đẩy phát triển. Cùng với phần cứng, phần mềm và dịch vụ, nội dung số là một trong 4 trụ hình thành nên ngành công nghiệp công nghệ thông tin. Nếu đã coi nội dung số là một ngành công nghiệp, thì chúng ta cần chấp nhận cả những ưu điểm lẫn mặt trái của nó và công tác quản lý nhà nước cần sự thông thoáng, hỗ trợ để ngành phát triển.

{keywords}
Nên coi nội dung số là một ngành kinh tế - kỹ thuật?

Tuy vậy, có một thực tế không thể phủ nhận là hành lang pháp lý của Việt Nam chưa thực sự bình đẳng giữa doanh nghiệp nội với doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp Việt Nam khi cung cấp dịch vụ nội dung trên Internet phải xin phép cơ quan chức năng, nếu không thậm chí còn có thể bị khởi tố hình sự. Trong khi đó, thông qua Internet, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cung cấp nội dung rất phổ biến ở thị trường trong nước thì lại chưa có chế tài để quản lý.

Cần sự thông thoáng

Đối tượng bị ảnh hưởng nhất ở đây, dễ nhận thấy, chính là các doanh nghiệp siêu nhỏ, các lập trình viên tự do đang viết ứng dụng di động giống như Nguyễn Hà Đông. Tại thời điểm này, công nghệ đã cho phép các lập trình viên (developer) chỉ cần viết phần mềm, ứng dụng rồi đưa lên các chợ ứng dụng như Apple Store, Google Play là đã có thể có doanh thu. Mô hình kinh doanh này lại đặc biệt phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay.

Trên thực tế, các sản phẩm nội dung số có hàm lượng kỹ thuật, đặc biệt là hàm lượng CNTT ngày càng lớn. Game, phim, ảnh, sản phẩm 3D... đòi hỏi sự những công cụ thiết kế và kỹ thuật lập trình rất phức tạp. Sự phát triển vượt bậc của công nghệ còn mang đến những sản phẩm nội dung số đậm chất công nghệ như: thực tế ảo, trợ lý ảo.... Các sản phẩm nội dung số cũng đòi hỏi nền tảng hạ tầng kỹ thuật, công nghệ phức tạp để truyền tải tới số đông người dùng cùng lúc.

Bên cạnh đó, một sản phẩm nội dung số hấp dẫn, có tính giải trí cao rất dễ dàng tiếp cận hàng triệu khách hàng trong một khoảng thời gian rất ngắn và mang lại cho tác giả nguồn thu rất lớn. Nguyễn Hà Đông được ước tính kiếm khoảng 50.000 USD mỗi ngày chỉ nhờ trò Flappy Bird. Tựa game đang gây sốt toàn cầu Pokemon Go đạt doanh thu 300 triệu USD chỉ sau vẻn vẹn 2 tháng phát hành. Tại Việt Nam, ước tính đang có từ 700.000 - 1 triệu người chơi Pokemon Go.

Nói cách khác, với đặc thù như vậy, cần phải xác định quan điểm quản lý ngành công nghiệp nội dung số như một ngành kinh tế, kỹ thuật công nghệ cao, có nguồn nhân lực chất lượng cao, tương tự như phần mềm và dịch vụ phần mềm, từ đó xây dựng các chính sách thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn? các chuyên gia này đặt vấn đề.

Tại một số nước có nền công nghiệp nội dung số phát triển như Ấn Độ, Hàn Quốc, Chính phủ không đầu tư dàn trải mà ưu tiên phát triển một số lĩnh vực mũi nhọn, có tiềm năng doanh thu cao, hoặc có chính sách hỗ trợ khép kín từ khâu sản xuất cho đến ứng dụng và tiêu thụ nội dung. Đây là những kinh nghiệm mà Việt Nam có thể học hỏi. Chẳng hạn như Việt Nam có thể phân loại các sản phẩm nội dung số theo hướng phân tách rõ những sản phẩm mang tính công nghiệp, cần sự thông thoáng để phát triển như game, giáo dục trực tuyến, thương mại điện tử... với những sản phẩm cần quản lý chặt về nội dung như sách điện tử, các ấn phẩm báo chí điện tử. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng cần phân biệt rõ các sản phẩm nội dung số mang hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao để ưu tiên phát triển, áp dụng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.

Đợi ưu đãi từ Chính phủ

Cuối tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Nghị quyết 41/NQ-CP về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT tại Việt Nam, trong đó nêu rõ trong các giải pháp về chính sách ưu đãi thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội, sẽ bổ sung thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện các dự án: sản xuất sản phẩm nội dung thông tin số, dịch vụ phần mềm, sản xuất sản phẩm CNTT trọng điểm, dịch vụ khắc phục sự cố an toàn thông tin, bảo vệ an toàn thông tin được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như mức đang áp dụng đối với dự án sản xuất sản phẩm phần mềm theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đồng thời, đúng như các đề xuất trước đó, số thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các cá nhân nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực CNTT cũng được giảm 50%. Nhân lực công nghệ cao được hiểu là đội ngũ những người có trình độ và kỹ năng đáp ứng được yêu cầu của hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực CNTT; dịch vụ công nghệ cao trong lĩnh vực CNTT, quản lý hoạt động công nghệ cao trong lĩnh vực CNTT; vận hành các thiết bị, dây chuyền sản xuất sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực CNTT; quản lý an toàn hệ thống thông tin.

Để các chính sách này được đồng bộ đi vào áp dụng cho các doanh nghiệp, cá nhân thuộc các đối tượng được hưởng ưu đãi trên, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan liên quan xây dựng và trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về các giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin & Truyền thông được Chính phủ giao xây dựng và trình Thủ tướng ban hành Quyết định quy định thí điểm quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm phần mềm, dịch vụ phần mềm và nội dung thông tin số; Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, xây dựng tiêu chí, điều kiện xác định cụ thể một số hoạt động dịch vụ phần mềm quan trọng để được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng phải phối hợp với Bộ KH&CN, Bộ Tài Chính, các Bộ ngành liên quan xây dựng tiêu chí, điều kiện xác định cụ thể đối với nhân lực công nghệ cao để xem xét hưởng ưu đãi thuế thu nhập cá nhân trình Chính phủ.

T.C


Theo Sách trắng CNTT-TT của Bộ TT&TT, doanh thu ngành công nghiệp nội dung số tăng từ 480 triệu USD đến 1.400 triệu USD trong giai đoạn 2008-2014, với mức tăng trưởng xấp xỉ 20%/năm. Hiện nay, có khoảng 4.500 doanh nghiệp tham cung cấp sản phẩm và dịch vụ nội dung số ở thị trường nội địa. Ngành này đã cung cấp cho xã hội 70.000 việc làm với năng suất lao động 20.000 usd/người/năm và mức lương trung bình 5.200 USD/người/năm cao nhất trong 3 lĩnh vực của công nghiệp CNTT.
Thời kì đầu, (những năm 2003-2008), thị trường bị thống lĩnh chủ yếu bởi các sản phẩm nội dung số trên mạng di động như: tải nhạc chuông, game, hình động, hình nền và nội dung qua SMS, MMS. Hiện nay, do sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng Internet các sản phẩm nội dung ở Việt Nam cũng phong phú và đa dạng hơn, gồm: Game PC, Game Mobile, nhạc trực tuyến, nội dung số giáo dục, sách trực tuyến.... đặc biệt là các ứng dụng di động được thiết kế và làm nội dung bởi các nhà phát triển là các cá nhân hoặc nhóm nhỏ.