Vụ việc này đang gây bão trên mạng xã hội cũng như các phương tiện báo chí. Xin một lần nữa tóm tắt lại cho những ai chưa nắm được tình hình. Phía FBI đang yêu cầu Apple mở khóa chiếc iPhone 5C của một tên khủng bố tại San Bernardino, California vào cuối năm ngoái.

Bạn có thể đặt ra câu hỏi, tại sao FBI không tự làm việc này mà phải nhờ tới Apple. Câu trả lời nằm trong chính tính năng bảo mật của iPhone. Chủ nhân của chiếc điện thoại 5C này đã kích hoạt một tính năng khiến thiết bị tự động xóa sạch vĩnh viễn toàn bộ dữ liệu trong máy nếu nhập sai passcode quá 10 lần liên tiếp. Phía FBI tin rằng Apple có thể tạo nên một bản nâng cấp firmware khiến chiếc điện thoại không bị xóa sạch mọi dữ liệu, giúp FBI dễ dàng phá passcode hơn. Đến thời điểm hiện tại, tòa án đã chính thức đưa ra yêu cầu buộc Apple thực hiện điều này.

Giả sử như yêu cầu của chính phủ là khả thi (hầu hết các chuyên gia đều cho rằng điều này là khả thi), vậy tại sao CEO Apple lại “ngoan cố” không nhượng bộ? Trong tất cả các bài phát biểu của mình, Tim Cook chưa bao giờ nói rằng yêu cầu của FBI là không thể thực hiện được. Một vài chuyên gia cho rằng chiếc iPhone 5C nhắc tới ở trên không có một thứ được gọi là Secure Element. Đó là một linh kiện phần cứng giống như một công cụ bảo vệ mà hacker không vượt qua được. Nếu chạm vào những ô nhập passcode này không đúng cách, chiếc iPhone sẽ trở thành cục gạch. Tuy nhiên, chiếc iPhone 5C có thể không có loại linh kiện này và nó cũng như dữ liệu trên nó có thể “sống sót” qua vụ hack và việc dò PIN của FBI là có thể làm được.

Một số người có thể tự an ủi rằng trò “nâng cấp firmware để mở máy” sẽ không như những gì Cook đã nhắc đến rằng đây “ngang như một chiếc chìa khóa vạn năng”, hoặc tin vào những gì FBI hứa hẹn rằng sẽ chỉ dùng nó cho một mình chiếc điện thoại của tên khủng bố này mà thôi.

Đánh giá nguy cơ

Trong lúc Apple đang “đánh vật” với FBI để bảo vệ sự riêng tư của người dùng, các cơ quan an ninh quốc gia Mỹ lại không ngừng vẽ ra thêm nhiều nguy cơ và khiến chúng ta lo sợ. Đầu tháng này, James Clapper, Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ đã trình bày với Quốc hội Mỹ bản Đánh giá nguy cơ quốc gia, trong đó từ “tấn công” được nhắc đi nhắc lại tới 46 lần.

Bài trình bày của ông Clapper nhấn mạnh vào nỗi lo lắng về khả năng tấn công khủng bố tiếp diễn tại Mỹ và cho rằng những phần tử bạo lực cực đoan lớn lên tại Mỹ sẽ tiếp tục gây ra nhưng nguy cơ khủng bố lớn nhất cho chính nước Mỹ trong năm 2016.

Nếu Apple buộc phải tuân lệnh FBI và các nhà điều tra tìm được những thông tin tình báo giá trị trên chiếc iPhone 5C này thì các nhà lập pháp liên bang sẽ coi đây như một tín hiệu để đưa ra những biện pháp cứng rắn hơn, ép buộc các công ty mở “cửa hậu” cho chính phủ.

Không khoan nhượng cho tội ác

Trong bức thư gửi đến các khách hàng, Cook viết: “Chúng tôi không cảm thông cho những kẻ khủng bố”. Cả chúng ta cũng vậy. Nhưng Cook cảm thông cho những khách hàng của mình và hiểu nguy cơ mà Apple phải đối mặt từ bất cứ hành động mang tính chất phục tùng nào của mình. Cook đã nói rõ ràng rằng Apple hợp tác và hỗ trợ tất cả những yêu cầu có thể, nhưng họ chưa bao giờ trao quyền truy cập vào những dữ liệu được mã hóa end-to-end, bởi về mặt kỹ thuật họ không thể làm như thế và họ phải chiến đấu chống lại tất cả những yêu cầu liên quan đến việc mở cửa hậu vào phần cứng và phần mềm của mình.

Cook và Apple, một phần nào đó, giống như tất cả chúng ta. Họ muốn ngăn chặn khủng bố, nhưng không phải là bằng bất cứ giá nào, kể cả việc hy sinh sự bảo mật mà người dùng iPhone đang có.

Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu Apple thua? FBI sẽ có tất cả những gì họ muốn, khả năng truy cập vào chiếc iPhone 5C, lấy bất cứ dữ liệu nào, và gì nữa?

Chẳng ai biết FBI có thể thu được điều gì từ chiếc điện thoại đó. Nó có dẫn họ thẳng từ những tên khủng bố San Bernardino tới điện thoại của những tên khủng bố IS ở Syria không? Nó có cung cấp số điện thoại, địa điểm và các chiến lược hậu cần của nhóm khủng bố không? Hiện giờ, chiếc điện thoại này giống như một quả bom thông tin sẽ tạo nên cuộc khủng hoảng đối với những người ủng hộ quyền riêng tư và an ninh.

Làm thế nào đề từ chối yêu cầu của những nhà hành pháp khi có quá nhiều thông tin tiềm năng trong chiếc điện thoại?

Nếu Apple bị ép phải viết phần mềm đó, và FBI chẳng tìm thấy gì cả hoặc nếu họ cố gắng dựng nên một bằng chứng nào đó nhằm chứng minh rằng họ đúng, mọi người sẽ biết. Chắc chắn nhiều công ty công nghệ có thể nhắc lại thời điểm này như thể một ví dụ về việc các nhà hành pháp đã “làm quá” mọi chuyện.

Nếu FBI thắng, Apple và các công ty công nghệ khác sẽ không chỉ thua trên trận này mà “mặt đất còn bắt đầu rung chuyển” dưới chân họ. Làm bất cứ thứ gì về mặt kỹ thuật để ngăn chặn khủng bố sẽ trở thành điều bắt buộc. Ý tưởng về việc mở cửa hậu sẽ không là một điều “gây tranh cãi” hay “bị khinh miệt” nữa mà sẽ trở thành một “điều ác cần làm để chống lại cái ác thực sự”.

Có thể, cuộc chiến giữa chính phủ Mỹ và Apple kéo dài hàng tháng (và có thể sẽ đẩy lên tới Tòa án tối cao). Đặt trong hoàn cảnh hiện nay, khi nước Mỹ đang trong thời gian “sao đổi ngôi”, tổng thống đương nhiệm sẽ thôi giữ chức vào cuối năm 2017 và khi vị tổng thống mới lên, chẳng hạn như Donald Trump, mọi chuyện sẽ như thế nào?

Hiện, CEO Google cũng công khai đăng trên Twitter ủng hộ quan điểm của Apple.