“Phần mềm ở Việt Nam phát triển không chân - thiếu hạ tầng, nền tảng, thiếu tự chủ và sáng tạo. Chỉ gia công phần mềm thậm chí làm phần mềm ứng dụng không thể biến Việt Nam thành rồng”, tổng GĐ Công ty Lạc Việt chia sẻ.

LTS: Sáng tạo là một trong những yếu tố dẫn đến thành công trong bất cứ lĩnh vực nào. Việt Nam có thể sáng tạo ra những sản phẩm công nghệ thông tin (CNTT) mang tầm quốc tế hay không?! Đây là trăn trở của nhiều doanh nghiệp bởi họ gặp nhiều trắc trở và khó khăn trong quá trình sáng tạo, phát triển sản phẩm riêng trong thị trường nội địa cũng như để vươn ra thế giới. Tuần Việt Nam giới thiệu ý  kiến của doanh nghiệp cũng như các nhà quản lý về vấn đề này.

Bài viết đầu tiên phân tích những rào cản mà DN đang gặp phải trong quá trình phát triển các sản phẩm CNTT.

Thị trường nhỏ, manh mún?

Cách đây gần nửa năm thôi, cái tên Flappy Bird gây sốt trên nhiều tờ báo, hãng truyền thông lớn trên thế giới như Forbes, CNN, Cnet, Bloomberg, The Verge… Niềm vui thương hiệu Việt Nam ở nước ngoài mới dấy lên chưa được bao lâu thì sản phẩm đã dừng lại (dù vì nhiều lý do khác nhau) khiến cộng đồng quan tâm đến CNTT không khỏi bâng khuâng.

“Chú chim” của Nguyễn Hà Đông đã trở thành câu chuyện dĩ vãng. Giấc mơ đưa sản phẩm công nghệ thông tin của Việt Nam ra thế giới không biết đến khi nào mới thành hiện thực?

{keywords}
Cái tên Flappy Bird từng gây sốt trong giới truyền thông nửa năm về trước.

Chuyện dừng bước của một sản phẩm công nghệ đã gợi lên nhiều suy nghĩ. Ít nhất là cũng đặt ra câu hỏi, bao giờ Việt Nam mới có được những sản phẩm riêng vuơn ra quốc tế, tạo dựng được thương hiệu ở các nước có nền văn minh tiên tiến, có sức mua lớn. Bởi ra nhìn ra thế giới, các sản phẩm công nghệ được nhiều nước sử dụng như Nokia, Samsung… đến từ các quốc gia bé nhỏ.

TS Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch công ty TMA,  một trong những công ty phần mềm và dịch vụ CNTT hàng đầu Việt Nam với đội ngũ hơn 1.200 nhân viên, chia sẻ rằng hiện nay sản phẩm CNTT Việt Nam phần lớn là học hỏi theo các sản phẩm phổ biến của nước ngoài.

“Đây cũng là một hướng đi hợp lý. Nhưng nếu chỉ rập khuôn, thiếu các cải tiến cho phù hợp với thị trường Việt Nam và bổ sung các tính năng mới có tính sáng tạo thì khả năng cạnh tranh sẽ không cao vì khách hàng sẽ ưu tiên chọn lựa các sản phẩm đã có thương hiệu”, ông Lệ nói.

Theo ông Nguyễn Hữu Lệ, cho đến nay, Việt Nam cũng đã có một số sản phẩm thể hiện tính sáng tạo cao nhưng chưa nhiều sản phẩm phổ biến, thành công về mặt thương mại.  Chính vì vậy, các doanh nghiệp cũng ít có khả năng tài chính để tiếp tục duy trì và phát triển các sản phẩm đó.

Ông Lệ cho hay, trong quá trình phát triển sản phẩm riêng ở thị trường nội địa và vươn ra thế giới, các DN cũng gặp nhiều khó khăn khác nhau. Vướng mắc lớn nhất  khi xây dựng thương hiệu trong thị trường nội địa là khả năng thương mại hóa. Lý  do là ở chỗ thị trường trong nước còn nhỏ và manh mún. Thị trường nước ngoài có quy mô lớn hơn nhưng đồng thời cũng đòi hỏi cao hơn, khắt khe hơn. Do đó, doanh nghiệp VN sẽ phải đối mặt với những khó khăn như tìm hiểu nhu cầu thị trường nước ngoài, xây dựng thương hiệu và đặc biệt là thương mại hóa sản phẩm.

Là một người gắn bó lâu năm trong lĩnh vực phần mềm, Ông Hà Thân – Tổng Giám đốc công ty Lạc Việt, một trong những công ty có nhiều sản phẩm phần mềm nổi tiếng “Made in VietNam” hiện nay chia sẻ mặc dù Lạc Việt vẫn nắm được mọi công nghệ điện toán hiện đại nhất để liên tục đổi mới sản phẩm của Lạc Việt nhưng khó khăn lớn là định hướng phát triển công nghệ, công nghiệp ở Việt Nam chưa thực sự nhất quán.

Ngoài ra, vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam cũng là câu chuyện luôn khiến ông nhức nhối trong nhiều năm nay khi phát triển sản phẩm riêng. Doanh nghiệp của ông ước tính thiệt hại khoảng 50 triệu đô la Mỹ vì nạn ăn cắp bản quyền đối với phần mềm từ điển Lạc Việt kể từ năm 1995 tới nay, thời điểm mà phần mềm này được phát hành.

Ông Hà Thân chia sẻ: “Phần mềm ở Việt Nam phát triển không chân (thiếu hạ tầng, nền tảng), thiếu tự chủ và sáng tạo. Chỉ gia công phần mềm thậm chí làm phần mềm ứng dụng không thể biến Việt Nam thành rồng. Nhận thức về bản quyền ở Việt Nam nên đi theo hướng khác”.

Muốn xây thương hiệu ở thị trường nào?

Giám đốc chiến lược của tập đoàn FPT, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa cũng đã có lần chia sẻ về suy nghĩ về doanh nghiệp của mình tại một diễn đàn, rằng chúng ta đang bị đóng khung trong chiếc áo gia công, chúng ta đang ở đâu, chúng ta muốn xây dựng thương hiệu vào thị trường nào?!

Bên cạnh đó, nhân tố con người và môi trường kinh doanh cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình sáng tạo sản phẩm riêng.

Ông Nguyễn Hữu Lệ phân tích, tại Việt Nam vấn đề liên kết nguồn lực trong nước với nguồn lực ở các trung tâm trí tuệ lớn trên thế giới còn rời rạc. Cụ thể là, với tiềm năng nhân lực hiện tại, VN hoàn toàn có thể tạo dựng các sản phẩm CNTT tốt nếu các doanh nghiệp biết kết hợp yếu tố kĩ thuật với khâu tiếp thị - tài chính để gây dựng tên tuổi cho sản phẩm. Khi vươn ra thị trường nước ngoài các doanh nghiệp Việt Nam còn “non” kinh nghiệm nên cần liên kết với các đối tác trong và ngoài nước, đặc  biệt là với các trung tâm trí tuệ sáng tạo của thế giới như Silicon Valley, Boston…để nắm được nhu cầu của thị trường, để tạo ra sự đột phá sáng tạo, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường.

Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC – ông Nguyễn Trung Chính cho rằng muốn trở thành một doanh nghiệp sáng tạo thì tập đoàn của ông phải xây dựng được môi trường làm việc chuyên nghiệp, lành mạnh, làm cho mỗi thành viên nhận thức rõ, tôn trọng giá trị, ý nghĩa của sáng tạo, khao khát phấn đấu vươn lên, biết tôn trọng kỷ luật và trung thực.

Đặc biệt, cần có cơ chế khuyến khích và môi trường thuận lợi để tạo điều kiện cho mọi sáng kiến, sáng tạo được phát hiện, ươm mầm và áp dụng.  Xây dựng hệ thống đo đếm, đánh giá về sáng tạo để có thể đo lường chính xác về doanh số sáng tạo, về những đóng góp của sáng tạo trong phát triển công ty.

Có khắc phục được các hạn chế nói trên mới mong xây dựng được sản phẩm CNTT Việt thương hiệu quốc tế.

Nói như TS Nguyễn Hữu Lệ rằng, cho dù có sản phẩm tốt thì thương hiệu “Made in Vietnam” cũng còn quá lạ lẫm đối với khách hàng nước ngoài và chúng ta cần nhiều câu chuyện thành công để các sản phẩm CNTT từ Việt Nam trở nên quen thuộc hơn ở sân chơi quốc tế.

Bài 2: Để thoát khỏi bóng của người khổng lồ?

Lan Anh