- Tới đây, khi đất công phải lên sàn giao dịch điện tử, mọi cuộc mua bán phải qua đấu giá, con người không thể can thiệp được thì sẽ tránh được những câu chuyện như Vũ Nhôm.
Đó là nhận định của các chuyên gia kinh tế và lãnh đạo Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính ở Phần 2 của Bàn tròn trực tuyến, báo VietNamNet. Bàn tròn có chủ đề: "Nhìn lại lỗ hổng trong quản lý đất công, làm sao tránh thất thoát" với 3 khách mời::
Ông NGUYỄN TÂN THỊNH - Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản - Bộ Tài Chính.
PGS. TS NGÔ TRÍ LONG - Chuyên gia Kinh tế
Ông LÊ HOÀNG CHÂU - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh
XEM VIDEO TALKSHOW TẠI CÁC LINK SAU:
PHẦN II:
Đất công bắt buộc phải lên sàn giao dịch điện tử
Đất công sẽ lên sàn giao dịch điện tử - đây là một trong nhiều giải pháp nhằm trong sạch và lành mạnh tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất công hiện nay.
XEM LẠI PHẦN I:
Thất thoát lớn nhất ở tài sản quốc gia là đất đai
Thất thoát lớn nhất đối với tài sản quốc gia chính là tài sản về đất đai. Đây có thể nói là một tệ nạn quốc gia, sờ đâu sai đó.
DƯỚI ĐÂY LÀ BẢN TEXT PHẦN II CỦA TALKSHOW BÀN TRÒN TRỰC TUYẾN
Nhà báo Phạm Huyền: Đầu năm nay, tại Hội nghị tổng kết ngành Tài chính, nhân vụ việc của Vũ Nhôm, Thủ tướng đã đánh giá, việc quản lý tài sản công, đất công hiện nay vẫn còn đang lãng phí và vẫn có lợi ích nhóm làm phép, thu lợi khổng lồ trên tài sản công.
Vấn đề này liên quan mật thiết tới câu chuyện quan hệ của các doanh nghiệp bất động sản với chính quyền địa phương. Là người trong cuộc, ông Lê Hoàng Châu nghĩ như thế nào về những ý kiến, đánh giá như vậy của Thủ tướng?
Ông Lê Hoàng Châu: Thực tế ta thấy những vụ án, những phát hiện của công luận thời gian vừa qua là có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản. Nhưng số doanh nghiệp đó hoàn toàn là số rất ít.
Chúng tôi phải khẳng định, đa phần các doanh nghiệp đều làm ăn ngay thẳng, tự mình thỏa thuận, bồi thường giải phóng mặt bằng với người có đất để tạo lập quỹ đất phát triển bất động sản.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (ảnh Lê Anh Dũng) |
Có một nhóm những người chủ của một số doanh nghiệp mà vừa rồi dính tới các vụ án hình sự thì chỉ là thiểu số trong doanh nghiệp bất động sản. Điều đó thể hiện chủ nghĩa tư bản thân hữu liên quan đến những nhóm lợi ích nên họ đã biến báo. Phải nói rằng, họ có sự giúp sức của một số vị trí cán bộ nhà nước nên mới làm được và từ đó biến tài sản công thành tài sản tư để thu lợi rất lớn. Điều này đang được các cơ quan chức năng xử lý.
Chúng tôi thấy rằng không phải tất cả các doanh nghiệp bất động sản đều là những người thuộc các nhóm lợi ích hoăc là trong nhóm chủ nghĩa tư bản thân hữu mà phần lớn các doanh nghiệp vẫn làm ăn chân chính.
Hiện nay, nỗ lực của Đảng, Nhà nước đang đấu tranh để phòng chống tham nhũng cũng như chủ nghĩa tư bản thân hữu, và đang bóc tách các vấn đề. Tôi tin rằng tình hình sẽ được lành mạnh và điều này sẽ khiến thị trường bất động sản minh bạch hơn, cạnh tranh và bình đẳng hơn.
Bởi, nếu quyền tiếp cận nguồn lực đất đai được công khai, minh bạch và thực hiện qua phương thức đấu giá đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất, minh bạch, đúng theo thông lệ quốc tế thì cũng sẽ thành công điển hình như trường hợp dự án 23 Lê Duẩn (Tp Hồ Chí Minh).
Sắp tới, TP. Hồ Chí Minh sẽ đấu giá 9 lô đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm. 9 Lô đất này sẽ đấu giá một gói nên chắc chắc sẽ phải lựa chọn những nhà đầu tư hùng mạnh tham gia.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông Ngô Trí Long, vừa rồi ông có phân tích những bất cập trong chuyện định giá đất, song ngoài định giá đất, lĩnh vực đất công, nhà công sản còn có tình trạng sử dụng sai mục đích, bán ra ngoài với giá rất rẻ. Ông có bình luận thế nào về trách nhiệm của các bên liên quan đối với tình trạng này?
PGS.TS Ngô Trí Long: Vừa qua thất thoát lớn nhất đối với tài sản quốc gia đó là tài sản về đất đai. Đây có thể nói là một tệ nạn quốc gia. Nói như ông Lê Hoàng Châu, đây không phải là hiện tượng phổ biến tràn lan nhưng có một số những nhóm thân hữu, có chức có quyền lợi dụng quan hệ thân hữu vì lợi ích nhóm của bản thân mà bất chấp. Cho nên trong quá trình thực thi thực hiện không đúng quy trình, thủ tục nên giao đất và cho thuê giá rẻ.
Qua kết luận của Thanh tra Chính phủ, trong 15 dự án BT của Hà Nội, chỉ có 1 dự ánđấu thầu.
Vừa qua ở Đà Nẵng chúng ta thấy một hiện tượng phổ biến là đổi đất lấy hạ tầng. Bí thư Trương Quang Nghĩa cũng phải sửng sốt khi nghe báo cáo có dự án hàng trăm ha mà đền phải bù 800 tỷ đồng, thực chất mới thu trên 600 tỷ đồng, âm 170 tỷ đồng.
Người ta nghĩ đổi đất lấy hạ tầng trên cơ sở xây dựng một hạ tầng nào đó như đường xá, cầu cống..thì nhà nước đổi lại bằng một mảnh đất tương đương chi phí xây dựng hạ tầng bỏ ra. Nhưng giá trị của mảnh đất đó thường được xác định không đấu giá. Ví dụ, quy định hạ tầng xây dựng mất 1000 tỷ đồng thì doanh nghiệp được giao cho mảnh đất, khu đất tương đương với cơ chế chỉ định giá chứ không thông qua đấu thầu. Cách đó thiệt hại lớn.
TS. Ngô Trí Long - Chuyên gia Kinh tế (ảnh Lê Anh Dũng) |
Theo quan điểm cá nhân của tôi, khi đổi đất lấy hạ tầng, có nghĩa là Nhà nước phải giao đất cho doanh nghiệp để đổi lại, doanh nghiệp xây dựng một công trình hạ tầng thì mảnh đất đó phải mang ra đấu thầu. Tiền bán được sẽ dùng trả lại cho doannh nghiệp. Còn cách thức đất lấy hạ tầng như hiện nay, đang là một khiếm khuyết, một lỗ hổng rất lớn mà chúng ta cần sửa đổi.
Những hiện tượng xảy ra trong lĩnh vực đất công cũng cần xem xét nguyên nhân rõ. Ví dụ như hiện tượng Vũ Nhôm thì nguyên nhân là quản lý lỏng lẻo, hay quản lý chồng chéo.
Thứ hai, còn có nguyên nhân lợi dụng hình thức kêu gọi đầu tư, liên kết liên doanh đầu tư. Ta thấy trong vấn đề trong cổ phần hóa, đất đai không được tính trong phần giá trị mà nhà nước cho thuê lại
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông Thịnh , PGS Ngô Trí Long vừa nhắc đến câu chuyện trách nhiệm của ai, vậy ông nghĩ như thế nào khi luật pháp yêu cầu và bản thân doanh nghiêp bất động sản đều mong muốn có cơ chế minh bạch?
Luật pháp có quy định rõ, nhưng tại sao chúng ta vẫn để xảy ra tình trạng hàng chục mảnh đất vàng, đất công được bán mà không qua quy trình như vậy.
Ông Nguyễn Tân Thịnh: Trong việc quản lý nhà đất công sản, luật pháp đều có quy định rõ.
Trước hết về phân cấp, năm 1998, lần đầu tiên chúng ta có Nghị định về quản lý tài sản công; đến sau này có Nghị định số 137/2006/NĐ-CP, Luật Tài sản nhà nước năm 2008, Luật Tài sản công năm 2017.
Với những tài sản là nhà đất của các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, các văn bản quy phạm pháp luật đã chia rất rõ nhà đất của Trung ương, nhà đất của địa phương. Tài sản của cấp nào thì cấp đó chịu trách nhiệm quản lý và quyết định các vấn đề liên quan đến nhà đất thuộc phạm vi quản lý của mình.
Việc bán, chuyển nhượng đối với nhà đất công, từ trước đến nay, đều quy định là phải thực hiện đấu giá công khai. Việc bán chỉ định chỉ diễn ra trong một số trường hợp nhất định hoặc trường hợp đặc biệt.
Về cơ bản những trường hợp đó khi muốn bán, phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thì mới làm được. Do vậy ở đây, tôi rất đồng tình ý kiến của hai vị khách mời là khâu tổ chức công tác quản lý tài sản là khâu quan trọng nhất.
Quy định pháp luật có thể chưa hoàn thiện, nhưng trong công tác triển khai, nếu làm việc công tâm, đúng chức trách, nhiệm vụ của người cán bộ, công chức thì khó xảy ra những việc như thế.
Về phía Bộ Tài chính cũng thấy rằng, chúng ta tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách trong quản lý, sử dụng tài sản công là hết sức quan trọng. Đây là cơ sở pháp lý để triển khai trong thực tế và rất mừng là khi triển khai Luật Quản lý tài sản công, các bộ ngành địa phương rất quan tâm, đặc biệt là sau khi một số vụ việc được xử lý.
Tôi phải thừa nhận, trong quản lý sử dụng tài sản công, rất khó ở điểm là không giống như chi tiêu ngân sách hàng ngày. Việc quản lý tài sản công, bán, thanh lý, chuyển nhượng hay mua tài sản công có khi 1 năm chỉ diễn ra một vài lần hoặc thậm chí có những việc cả một nhiệm kỳ của người lãnh đạo đơn vị chỉ làm một lần.
Việc cập nhật chính sách để áp dụng vào từng trường hợp cụ thể thường có vấn đề. Cho nên, Luật Tài sản công đợt này có một bước chuyển là từng bước giao cho một đơn vị chuyên nghiệp để làm xử lý tài sản. Họ sẽ nắm chắc luật pháp và cập nhật thường xuyên nên việc xử lý sẽ hiệu quả hơn.
Trong luật có quy định rất mới, là nước ta sẽ xây dựng một hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công, để các giao dịch về tài sản công sẽ được thực hiện trên hệ thống đó mà con người không thể can thiệp vào.
Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và xử lý vi phạm là công cụ rất hiệu quả. Trong Luật mới quy định rõ hơn theo hướng sẽ kiểm tra thường xuyên và ngay từ đầu để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm, đặc biệt là bổ sung thêm giám sát của cộng đồng đối với tài sản công.
Bộ Tài chính hiện nay đang đánh giá, sửa lại Nghị định 192 về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng rõ hơn về hành vi và tăng mức xử phạt. Trách nhiệm của các cơ quan xử phạt (như cơ quan thanh tra) là hàng năm sẽ rà soát để nếu có sẽ cảnh báo sớm.
Ông Nguyễn Tân Thinh chia sẻ: "Đến nay chúng ta sẽ xây dựng một hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công" (ảnh: Lê Anh Dũng) |
Nhà báo Phạm Huyền: Phải nói rằng tinh thần của bộ luật mới ban hành theo hơi hướng hiện đại của thời kỳ 4.0. Rút kinh nghiệm từ những bài học trong quản lý đất công, tài sản công trước đây, bản thân ông có cảm thấy có những khó khăn trong quá khứ sẽ được giải quyết bởi luật mới không, giúp công tác giám sát của Cục Quản lý công sản tốt hơn?
Ông Nguyễn Tân Thịnh: Quá trình xây dựng Luật Tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành đã phát hiện những vấn đề, những lỗ hổng trong hệ thống pháp luật hiện hành. Những vấn đề gì có thể xảy ra, trong luật và các văn bản quy định chi tiết đã được giải quyết căn bản.
Đối với việc bán tài sản công là nhà, đất, xe ô tô của các cơ quan đợn vị hành chính sự nghiệp, những tài sản mà thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính và Cục Quản lý công sản hiện nay bắt buộc phải thông qua đấu giá.
Với những tài sản khác, cứ cái gì từ 50 triệu đồng trở lên thì phải đấu giá, còn lại mức thấp thì áp dụng các hình thức niêm yết giá hoặc bán chỉ định, bán chỉ định chỉ áp dụng với những tài sản có giá trị dưới 10 triệu đồng.
Nhà báo Phạm Huyền: Ông có thể chia sẻ thêm về lộ trình, thời gian thực hiện khi nào chúng ta sẽ chính thức đưa sàn giao dịch điện tử về việc mua bán đất công?
Ông Nguyễn Tân Thịnh: Thủ tướng đã chỉ đạo tại Chỉ thị số 31 cuối năm 2016, giao cho Bộ Tài chính nghiên cứu, đưa vào thành quy định pháp luật và tổ chức triển khai xây dựng hệ thống giao dịch điện tử này.
Ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản |
Hiện nay trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định 151 của Chính phủ, Thông tư 144 của Bộ Tài chính đã quy định cụ thể việc xây dựng một hệ thống này để thực hiện các giao dịch chủ yếu liên quan đến đầu ra của tài sản như cho thuê, chuyển nhượng, bán, còn phần mua đã có Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định lộ trình áp dụng hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công. Hiện Bộ Tài chính đang xây dựng bài toán để lựa chọn các nhà đầu tư, các doanh nghiệp phần mềm xây dựng hệ thống.
Phần mềm này hiện nay nhiều nước đã áp dụng để thực hiện bán tài sản. Nhà nước là người quản lý, vận hành hệ thống này.
PGS. TS Ngô Trí Long: Với góc độ chuyên gia kinh tế, tôi thấy luật mới này có nhiều tiến bộ, nó sẽ tạo ra cách quản lý chặt chẽ hơn. Đăc biệt, để hướng dẫn luật thi hành đó thì vừa qua, có Nghị định 151, 167 về quản lý tài sản công. Tôi tin rằng, với các nghị định này sẽ tạo ra cách quản lý hiệu quả hơn với tài sản công và đặc biệt là nhà đất.
Nhà báo Phạm Huyền: Trở lại chuyện trước đây có nhiều câu chuyện bán rẻ đất công bị phanh phui trước dư luận. Ông có băn khoăn gì về việc liệu chúng ta có khả năng xử lý mạnh tay hơn? Vì chỉ có những người quyền cao chức trọng mới có thể thực hiện việc bán rẻ đất công và xử lý mạnh tay thì chúng ta mới thu hồi được những khoản tiền thất thoát cho ngân sách nhà nước.
PGS. TS Ngô Trí Long: Việt Nam thông qua hoạt động kinh doanh bất động sản nhưng nhờ quan hệ thân hữu có thể giàu có. Với giá đất có thể đền bù 2 triệu đồng nhưng thực tế bán trên giá thị trường sau khi đầu tư cơ sở hạ tầng có thể tăng lên nhiều lần. Với điều kiện đó có thể coi đây là tệ nạn, một vấn đề bức xúc, nhức nhối của toàn xã hội.
Trong quá trình xử lý, xem xét, quy trách nhiệm không có vùng cấm thì tôi tin rằng những điều này sẽ có lộ trình, bước đi cụ thể.
Với trào lưu, đấu tranh quyết liệt, kiên quyết của người đứng đầu Đảng tôi tin nó sẽ đi vào khuôn phép và cuối cùng sẽ lấy được lòng tin của nhân dân và sự thất thoát phần nào cũng ngăn chặn được.
VietNamNet
Thực hiện: Lương Bằng - Phạm Huyền
Video: Huy Phúc, Xuân Quý, Đức Yên, Bạt Tuấn
Email: bantrontructuyen@vietnamnet.vn
Đồ họa: Trung Hiếu, ảnh: Lê Anh Dũng
Đất công bán rẻ: Cấp nào quản lý, cấp ấy phải chịu trách nhiệm
Thất thoát lớn nhất đối với tài sản quốc gia chính là tài sản về đất đai. Theo cơ chế phân cấp hiện nay trong luật định, tài sản do cấp nào quản lý, cấp đó quyết định và phải chịu trách nhiệm về các vấn đề có liên quan.
Nhà đất công dôi dư sẽ được xử lý như thế nào?
Nghị định 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ mới ban hành quy định việc sắp xếp lại xử lý tài sản công
Thành ủy TP.HCM lên tiếng về việc bán đất công cho Quốc Cường Gia Lai
Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM vừa yêu cầu hủy hợp đồng, không đồng ý bán chỉ định diện tích đất tại khu dân cư Phước Kiển.
Nhà Cường đô-la mua hàng chục ha đất công giá 'bèo' trong... 7 ngày
Tự ý bán đất công sản không thông qua ban Thường vụ Thành ủy, công ty Tân Thuận có dấu hiệu làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.