“Nếu không gian xã hội được phép nảy nở sẽ giúp cho văn hoá tinh thần của người VN đa dạng hơn, nhân văn hơn. Còn nếu cứ dùng dằng mãi thì không gian này sẽ còi cọc như nền kinh tế của chúng ta cách đây 20-30 năm vậy” – Ts Nguyễn Đức Thành.

VietNamNet giới thiệu phần cuối bàn tròn với TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính sách, ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội và Luật sư Lã Khánh Tùng, thành viên Đoàn Luật sư Hà Nội.

>> Quyền lập hội, sao phải e dè?


Thủ tục vẫn nhiêu khê


Nhà báo Việt Lâm: Như chúng ta đã đề cập, chính nhu cầu nội tại trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của VN cũng như những cam kết hội nhập quốc tế đòi hỏi chúng ta đã đến lúc thực thi quyền tự do lập hội. Vậy dự luật về hội lần thứ 14 này đã thực sự tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng cho sự phát triển lành mạnh của các hội và hiệp hội ở VN hay chưa?

LS Lã Khánh Tùng: Trước khi đi vào dự thảo luật hội này, tôi muốn nhấn mạnh rằng: Bên cạnh những lợi ích về kinh tế của việc thực thi quyền tự do lập hội như vậy, thì việc thực thi nó còn liên quan đến phẩm giá con người nữa. Có thể người ta lập hội chỉ để vui chơi, giải trí thôi. Người ngoài nhìn vào không thấy lợi ích gì cả. Thế nhưng nó rất thiết yếu để thực thi quyền con người, liên quan đến phẩm giá con người. Chúng ta phải tôn trọng tự do đó của họ nếu tự do đó không làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Rõ ràng, các cơ quan nhà nước phải nắm rõ triết lý đó, tôn trọng tự do người khác như vậy thì khi triển khai các chính sách pháp luật cụ thể mới tốt được chứ không thể hạn chế tự do đó một cách thiếu căn cứ.

Trở lại với dự thảo luật về hội lần này, phải nói rằng việc Bộ Nội vụ đưa ra được dự thảo luật vào tháng 6 cũng như đưa vào chương trình lập pháp của Quốc hội để thực thi Hiến pháp mới là một bước tiến bộ đáng kể.

Tuy nhiên, dự thảo này dường như chỉ là sự nâng cấp của nghị định hiện hành –Nghị định 45 năm 2010, thay đổi tên và có một số điểm bổ sung.

Trong Dự thảo công bố hồi tháng 6 có một điểm sáng là bên cạnh những hội phải đăng kí với nhà nước thì dự thảo cũng thừa nhận có những hội không phải đăng kí với cơ quan nhà nước. Nhưng điều đáng tiếc là sau khi lấy ý kiến công chúng và trình lên Chính phủ thì dự thảo gần nhất tôi nhận được hồi tháng 8 không còn thấy quy định tiến bộ này nữa.

Nếu chúng ta không thừa nhận những hội không cần đăng ký thì bản thân cơ quan nhà nước sẽ rất khó thực thi bởi các hội đoàn trong xã hội rất đa dạng. Các cơ quan hội đoàn không phải hội nào cũng đăng ký. Ví dụ hội đồng hương, đồng học, hay những hội thuần túy là hội cá cảnh thì đâu nhất thiết phải đăng ký với cơ quan nhà nước.

Cũng vì kế thừa nghị định hiện hành nên dự thảo luật chưa tạo ra được sự bình đẳng giữa các hội đoàn. Rõ nét nhất là dự luật này sẽ không điều chỉnh hệ thống Mặt trận Tổ quốc và năm tổ chức hạt nhân của nó như công đoàn, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên,… Như chúng ta đã thảo luận, xét từ khía cạnh kinh tế, các hội phải có sự bình đẳng với nhau; thậm chí còn cần phải quan tâm đến sự bình đẳng giữa các cá nhân trong việc lập hội.

Ngoài ra, thủ tục lập hội vẫn duy trì như cũ nên rất nhiêu khê, rườm rà. Chẳng hạn, luật quy định câu chữ là muốn thành lập hội chỉ phải đăng kí với cơ quan nhà nước. Nhưng trên thực tế, phải xin phép đến ba lần. Ví dụ ba người chúng ta đây muốn lập một hội thì trước tiên là lập ban vận động. Tuy nhiên, ban vận động này phải có giấy phép công nhận của cơ quan nhà nước. Sau khi được công nhận rồi, mình bắt đầu lập hội và tập hợp được một số thành viên nhất định. Được một số thành viên nhất định rồi thì mình phải đăng ký để được công nhận thành lập. Được thành lập rồi thì mình tổ chức đại hội đầu tiên, thông qua điều lệ, bầu người lãnh đạo –chủ tịch hội. Điều lệ và ban lãnh đạo này phải được cơ quan nhà nước phê duyệt, tức là lần thứ ba.

Dự luật cũng vẫn duy trì cơ chế song quản khá rườm rà. Một hội ngoài Bộ Nội vụ quản lý, còn chịu sự điều chỉnh của bộ chuyên ngành nữa. Chẳng hạn, người ta muốn lập hội trồng rừng thì việc thành lập ban vận động phải do Bộ Nông nghiệp phê duyệt. Sau này, hội đó khi đi vào hoạt động phải báo cáo đồng thời Bộ Nội vụ và Bộ Nông nghiệp. Rõ ràng, chúng ta có thể cắt gọn đi, tập hợp lại một đầu mối quản lý thôi sẽ hiệu quả hơn.

{keywords}

Nhà báo Việt Lâm: Những ví dụ mà ông Tùng vừa nói một lần nữa cho thấy thực tế ở VN, có thể nhận thức rất tiến bộ nhưng khi đưa thành văn bản chính sách, tức là phải trải qua quá trình cọ xát rất nhiều quan điểm khác nhau, kết quả đầu ra cuối cùng là văn bản chính sách lại không như mong muốn ban đầu nữa. Nếu vậy thì liệu thời điểm này đã thực sự chín muồi để thực thi quyền tự do lập hội như đã khẳng định tại Hiến pháp 2013, văn bản pháp luật tối cao của VN hay chưa?

LS Lã Khánh Tùng: Một câu hỏi rất hay là đã đến thời điểm ban hành luật hay chưa.

Về mặt hình thức thì rõ ràng dự luật này rất cần thiết bởi môi trường hiện hành đang có nhiều vướng mắc cho hoạt động của hội như vậy. Hơn nữa, Hiến pháp mới ban hành cách đây hai năm đã quy định về quyền tự do lập hội rồi, nên cần phải ban hành luật để cụ thể hoá nó.

Nhưng cũng có quan điểm cho rằng bây giờ chưa phải lúc ban hành luật. Họ nhấn mạnh, luật pháp chỉ là tấm gương phản ánh quan hệ quyền lực chính trị. Trong một nền dân chủ thì phải có nhiều trung tâm quyền lực. Nhiều lực lượng, nhiều nhóm, nhiều tiếng nói trong xã hội đều phải được lắng nghe, quan tâm, thậm chí có sự cạnh tranh giữa các tiếng nói khác nhau.

Trong khi đó, nhiều người cho rằng ở VN chưa có thay đổi đáng kể về quan hệ quyền lực và tiếng nói người dân dường như chưa được lắng nghe một cách thấu đáo cho nên nói chung thông qua các luật về quyền tự do dân chủ ở thời điểm này chưa dễ có ngay những dự thảo luật tốt.

Sẽ phát triển còi cọc nếu cứ dùng dằng mãi

Nhà báo Việt Lâm: Điều này làm tôi nhớ đến quan sát vừa rồi của TS Nguyễn Đức Thành rằng sự e dè của chúng ta đối với các hội bây giờ không khác gì sự e dè khi xưa đối với doanh nghiệp tư nhân. Nhưng ngay cả thời kì ngăn sông cấm chợ thì tinh thần của kinh tế tư nhân vẫn cứ tồn tại âm ỉ trong xã hội và chờ đến khi được cởi trói, nó đã thực sự bùng nổ. Cho dù chưa có luật về hội nhưng từ thời đổi mới đến giờ đã có hàng nghìn hội lớn nhỏ ở TƯ và địa phương ra đời và phát triển. Chỉ tính riêng các tổ chức phi chính phủ đã gần 2000. Liệu chúng ta có nên chờ cho thời gian chín muồi hơn để có một dự thảo luật thực sự tốt?

LS Lã Khánh Tùng: Tôi không nghĩ như vậy. Nếu cứ để môi trường pháp lý như hiện nay sẽ gây ra nhiều hậu quả bất lợi về mặt kinh tế, xã hội. Luật pháp phải rõ ràng nhưng hiện nay nhiều hội đoàn, tổ chức, câu lạc bộ ví dụ nhóm đọc sách thôi rất lo ngại là địa vị pháp lý của họ lơ lửng, không biết là bất hợp pháp hay không, có nguy cơ bị giải tán hay không.

{keywords}

TS Nguyễn Đức Thành: Đúng vậy. Trong tình trạng luật pháp không rõ ràng thì những người thực thi sẽ lạm dụng quyền lực. Bản thân những người được giả định thuộc diện điều chỉnh cũng không biết thế nào mà làm. Thành ra, họ sẽ làm những việc lẽ ra phải làm với thái độ e sợ. Khi họ không dám làm thì khu vực ấy sẽ teo tóp hoặc không phát triển như nó đáng có.

Giống như doanh nghiệp tư nhân làm ăn kinh doanh là vì cuộc sống của họ. Nếu khi xưa họ được phép phát triển như hôm nay thì có lẽ đất nước ta đã giàu có từ lâu rồi. Tương tự như vậy, nếu không gian xã hội được phép nảy nở đều đặn, cân đối sẽ giúp cho đời sống tinh thần, phẩm giá con người, văn hoá tinh thần của người VN đa dạng hơn, nhân văn hơn. Còn nếu cứ dùng dằng mãi thì không gian này sẽ còi cọc như nền kinh tế của chúng ta cách đây 20-30 năm vậy.

LS Lã Khánh Tùng:
Về mặt lý tưởng thì nếu các cơ quan nhà nước tiếp tục xây dựng các đạo luật để thực thi quyền tự do con người, đồng thời lắng nghe, tiếp thu những ý kiến xác đáng từ các tổ chức xã hội, từ các chuyên gia thì sẽ có khuôn khổ pháp lý tốt.

Xin cảm ơn các vị khách mời!

  • VietNamNet