Học văn đơn giản là để làm người, văn là một môn học để giáo dục ngôn ngữ và phẩm chất đạo đức con người cho mọi lứa tuổi, cho mọi thành phần trong xã hội.
Lỗi ở đâu
Theo triết học phương Đông, môn văn nói riêng hay các môn học khoa học xã hội nói chung và các môn khoa học tự nhiên như là một cặp thái cực âm dương cần phải được cân bằng. Giỏi tự nhiên mà “dốt” văn thì cá thể người đó dễ đi vào trạng thái khô khan, lạnh lùng, thực dụng, vô cảm. Nhưng ngược lại, nếu “văn chương” quá mà “kém” toán, lý, hóa, sinh… thì nhận thức sẽ thiên nhiều cảm tính, chủ quan, thiếu biện chứng, thiếu lý trí. Tự nhiên và xã hội, “dốt” vấn đề nào cũng đem lại sự tiêu cực cho chính bản thân và xã hội.
Một cuộc tranh luận của các trường đại học y, dược bàn về phương án tuyển sinh mới diễn ra vừa qua về để xuất sử dụng môn văn trong xét tuyển, được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tâm huyết ủng hộ với lời khẳng định “môn văn rất cần cho cán bộ ngành y, giúp việc nói năng lưu loát, diễn đạt văn bản rõ ràng, đúng ngữ pháp”.
Hoan hô bộ trưởng Tiến, không những người viết đồng tình mà con tin rằng đa số dư luận đều “vỗ tay” nhất trí với ý tưởng đưa môn văn vào trong việc xét tuyển đại học của các ngành y, dược. Và nếu có thể, đưa môn văn vào xét tuyển trong tất cả các ngành học, ngành nghề, nhiều chừng nào tốt chừng đó.
Vì sao?
Nhân loại đã đúc kết “văn là người”, một người có kiến thức và cảm nhận tinh tế khi nghe, đọc “văn” của bất cứ ai một thời gian có thể khái quát, nhận ra nhân cách, cá tính người đó một cách gần như đầy đủ và chính xác.
Học về văn, hiểu về văn, con người sẽ đối xử với nhau chừng mực, khoan dung, vị tha hơn. Học về văn, hiểu về văn, các nhà lãnh đạo sẽ tinh tế trong cách chọn người và sử dụng người, đưa ra những quyết sách quản lý có tầm nhìn xa và “vì dân” hơn. Và khi cần họ cũng biết cúi đầu nhận lỗi, từ chức để nhường chỗ cho những người có tâm, có tài hơn họ.
Nhưng học văn không chỉ để là “giúp việc nói năng lưu loát, diễn đạt văn bản rõ ràng, đúng ngữ pháp”, cái đó không phải là mục đích tối thượng của việc học văn, nếu ai muốn “nói năng lưu loát” hay viết “văn bản rõ ràng, đúng ngữ pháp” họ có thể xin học những ngành nghề chuyên sâu về những kỹ năng ấy.
Việc y đức đáng báo động trong ngành y nói riêng hay thói thực dụng, vô cảm trong toàn xã hội hiện nay nói chung không phải lỗi của môn văn mà là lỗi của cách thức giáo dục, cụ thể là cách dạy và học môn văn. Văn là phát triển khả năng tìm tòi riêng của mỗi cá nhân, sự quan sát tinh tế , khả năng phản biện. Nếu chừng nào chưa thay đổi được cách học “thuộc lòng, nghe và chép” thì có đưa môn văn vào bất cứ ngành đại học nào… thì “y đức” cũng thế mà thôi.
Học văn để khỏi… đau đầu
Trên blog nổi tiếng của mình, nhà văn Nguyễn Quang Lập nhận định “…tất cả nhà văn hàng đầu nước ta đều nói năng không hề lưu loát chút nào… ngậm hột thị hãy còn khá, có nhà văn không hề biết nói, điển hình là nhà thơ Tế Hanh. Rời cây bút ra là ông không sao diễn đạt được điều ông nghĩ cho mọi người hiểu”. Rồi ông nhận định tiếp “ …hơn 90% phần trăm nhà văn nước ta viết sai chính tả, trong đó có tui. Nhà thơ Đỗ Trung Quân chẳng những viết sai chính tả mà sai luôn cả lỗi đánh máy, đọc bài ông viết lắm khi muốn nổi khùng. Thế nhưng ông là nhà thơ được yêu mến hàng đầu Tổ quốc… ”
Với tựa đề bài viết “Học văn để làm gì hè?” của mình, blogger Nguyễn Quang Lập đã lấy bản thân mình cũng như các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng trong nước để dẫn giải, so sánh cho cái việc “học văn để làm gì” là một cách phản biện… cũng “trật lấc” luôn.
Phạm trù nhà văn, nhà thơ (loại chỉ có thẻ) và những tác giả có tác phẩm để đời, được công chúng biết đến, tìm đọc và tôn vinh… đối với việc “học văn” chỉ mới là điều kiện cần chứ không nhất thiết, nhiều lúc cũng chẳng có… điều kiện đủ. Mà cần và đủ trong việc “học văn” thì mới thành người được.
Nhà văn, nhà thơ giỏi là do yêu văn thơ, có tố chất thiên bẩm, quá trình từ học hỏi và trải nghiệm cuộc sống. Công chúng nhiều khi chỉ yêu, chỉ quý tác phẩm chứ chắc gì đã chịu nổi, đã tôn trọng cái chất “người” thực tế, đời thường của những tác giả nổi tiếng ấy.
Thiếu gì những nhà văn, nhà thơ có tác phẩm xuất chúng, có những kiệt tác để đời nhưng cuộc sống thường nhật thì vô tổ chức, vô kỷ luật, gia trưởng, bạo lực gia đình, rượu chè be bét… Những hành động “vô văn hóa” ấy thì chẳng có “văn” nào dạy cả, và chẳng ai đã “học văn” rồi như thế cả!
Hãy cứ để các nhà văn, nhà thơ bay bổng với các ý tưởng của mình, nhưng đừng lấy nhà thơ, nhà văn làm chuẩn mực so sánh với việc học văn. Học văn chưa hẳn làm văn hay, làm thơ giỏi nhưng sẽ khiến cho nhân cách mỗi người tiến bộ hơn, xã hội càng ngày càng văn minh, khoan dung hơn.
Học văn đơn giản lắm, tức là biết mình là ai, biết tự đánh giá mình, biết tôn trọng người khác, biết nhận xét đúng sai, biết nhận lỗi và tu chỉnh sửa đổi bản thân.
Nếu đã “học văn” một cách nghiêm túc, nhà sư “thích ai phôn” sẽ biết giữ mình, không làm những việc lỗi đạo, vô pháp như vậy. Và các nhà xuất bản sẽ không phải đau đầu đi tìm câu hỏi… nhà tự điển học Vũ Chất là ai?
Minh Phước