Mới đây, Bộ Quốc phòng đã có kiến nghị Thủ tướng xin chuyển nguyên trạng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (Học viện) về Viettel. Lý do Bộ Quốc phòng đưa ra là nhu cầu về nguồn lực cho nhiệm vụ nghiên cứu của Viettel đang rất cấp bách; vì vậy, Viettel đã và đang đầu tư rất mạnh vào nghiên cứu phát triển. Phía Bộ Quốc phòng cho rằng việc này sẽ giúp các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu nhanh chóng chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, đầu tư cho cơ sở vật chất của trường, viện, học viện; có thể thay đổi cơ chế để tuyển được các giáo viên giỏi trên toàn cầu; có đầu ra cho đào tạo (vì nhu cầu nội bộ mỗi năm của Tập đoàn cần tuyển dụng 4.000 đến 5.000 kỹ sư, chưa tính đến nhu cầu của thị trường bên ngoài Viettel).

Bên cạnh đó, Viettel có thể đưa các nhân viên của Tập đoàn từ 10 nước trên thế giới về Việt Nam đào tạo, học tập, giúp thay đổi giáo trình giảng dạy cho phù hợp với thực tiễn, có thể đặt hàng nghiên cứu và đưa các nghiên cứu vào áp dụng. Trong công văn của Bộ Quốc phòng khẳng định sẽ đầu tư xây dựng Học viện trở thành một trường đại học hàng đầu trong khu vực.

Thế nhưng, sau đề nghị này, Học viện, VNPT đã lên tiếng phản đối, đồng thời có công văn gửi Thủ tướng đề nghị để Học viện ở lại Bộ TT&TT. Ngày 7/5/2015, Bộ TT&TT đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ về việc đề nghị Học viện CNBCVT tiếp tục là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ TT&TT chứ không chuyển về Viettel như đề nghị của Bộ Quốc phòng.

Trước vấn đề này, đại diện Viettel cho biết, nghiên cứu, sản xuất là chìa khoá để thoát được bẫy thu nhập trung bình của bất cứ quốc gia nào. Viettel xác định nhiệm vụ của mình phải tập trung vào nghiên cứu, sản xuất hướng tới làm chủ khoa học, công nghệ, không phải gia công, làm thuê, không bị phụ thuộc. Điều quan trọng nhất để lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất phát triển được chính là thị trường. Viettel đã xây dựng được một thị trường gần 200 triệu dân và sẽ đạt đến con số hơn nửa tỷ dân vào năm 2020. Tập đoàn cũng đã đầu tư cho lĩnh vực sản xuất từ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo phần cứng, phần mềm … Để cho lĩnh vực này phát triển bền vững thì cần chú trọng đến việc nghiên cứu và đào tạo.

Phía Viettel khẳng định, với khả năng tổ chức và thế mạnh về tài chính, Tập đoàn sẽ tập trung đầu tư để Học viện trở thành nhà trường đẳng cấp khu vực và quốc tế về đào tạo trong lĩnh vực vễn thông, công nghệ thông tin, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho Viettel, các doanh nghiệp trong ngành và xã hội.

“Viettel muốn góp sức trực tiếp xây dựng Học viện CNBCVT trở thành cơ sở nghiên cứu đào tạo ngang tầm khu vực và quốc tế, khi Học viện mạnh có thể sẽ đề nghị tách ra trở thành đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Điều này cũng nhằm mục đích góp phần hỗ trợ Bộ Thông tin và Truyền thông trong quản lý phát triển Học viện. Trong trường hợp nếu Thủ tướng không quyết định theo như đề nghị của Bộ Quốc phòng thì Tập đoàn Viettel cam kết trở thành đối tác chiến lược hợp tác với Học viện, vẫn góp phần để đầu tư cho Học viện Công nghệ BCVT”, đại diện Viettel khẳng định.