PGS.TS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội |
Tại tọa đàm Giáo dục trong bối cảnh công nghệ số do Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội phối hợp với Trường ĐH Sài Gòn tổ chức chiều 2/5, PGS.TS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục - Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội đã nêu ra vấn đề: Theo Báo cáo kinh tế xã hội của Bộ Kế hoạch Đầu tư gửi Uỷ ban kinh tế Quốc hội thì với việc đổi mới, giáo dục Việt Nam được ghi nhận là1 trong 10 hệ thống giáo dục hàng đầu.
Vấn đề ông Bình nêu ra được các đại biểu nhìn nhận là "khó hiểu". Sau khi nêu các dẫn chứng từ việc làm sách giáo khoa, tới chế độ chính sách cho giáo viên, cách thức dạy học khuôn mẫu...các đại biểu cho rằng cần phải cải tiến, nếu không sẽ tiếp tục tụt hậu.
GS Trần Ngọc Thêm thì nói ở Việt Nam luôn có văn hóa đối phó và trong giáo dục cũng vậy.
"Chúng ta có kết quả như vậy là do đối phó và gà chọi ngày từ đầu nên mới có kết quả cao. Ngay cả việc kiểm định chất lượng giáo dục đại học cũng mang tính đối phó". Bởi vậy, để khắc phục được điều này thì phải giáo dục giá trị trung thực, có sao nói vậy. Nếu cố gắng để "chạy theo" thì chỉ dễ làm cho các giá trị bị lẫn lộn.
Ông Thêm nói thêm rằng, trong thời đại 4.0 cái cần là trang bị cho học trò bản lĩnh phản biện chứ không chỉ truyền thụ kiến thức một chiều.
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban cho hay, nhắc đến chiến lược thường được hiểu là giai đoạn là 5 -10 năm, tuy nhiên với giáo dục thì phải nhìn xa hơn, không phải ngày hôm trước có chiến lược, ngày hôm sau ra kết quả, phải có quá trình tích luỹ mới tạo ra hiệu ứng.
Lê Huyền