Sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, Mỹ cấm người dân của mình làm ăn với các ngân hàng, công ty dầu mỏ, khí đốt và doanh nghiệp khác của Nga. Các chuyên gia kinh tế học ước tính lệnh trừng phạt của các nước phương Tây khiến Nga thiệt hại 50 tỷ USD/năm.

Kể từ đó, thị trường tiền số và tài sản kỹ thuật số toàn cầu cũng bùng nổ. Đây là tin xấu với các nước áp lệnh cấm vận và tin tốt với Nga.

Ngày 22/2/2022, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo áp đặt đợt trừng phạt mới lên Nga vì xung đột tại Ukraine với mục tiêu chặn đứng khả năng tiếp cận vốn nước ngoài của Nga. Tuy nhiên, chuyên gia dự đoán các pháp nhân tại Nga đã chuẩn bị cho điều này. Họ có thể sử dụng tiền số để qua mặt các điểm kiểm soát mà chính phủ thường dựa vào - chủ yếu là chuyển tiền qua ngân hàng - nhằm ngăn chặn giao dịch xảy ra.

{keywords}
Trung tâm dữ liệu của BitRiver, công ty cung cấp dịch vụ cho hoạt động đào tiền ảo tại Nga. (Ảnh: Reuters)

Michael Parker, cựu công tố viên liên bang Mỹ, người đang phụ trách hoạt động chống rửa tiền tại hãng luật Ferrari & Associates, nhận xét: “Nga đã có nhiều thời gian để nghĩ về hậu quả cụ thể. Thật ngây thơ khi cho rằng họ không loại trừ chính xác kịch bản này”.

Ngân hàng, mắt xích quan trọng để cấm vận hiệu quả

Cấm vận là một trong số những công cụ quyền lực nhất mà Mỹ và châu Âu phải có để gây ảnh hưởng lên các nước họ không xem là đồng minh. Đặc biệt, Mỹ còn dùng nó như công cụ ngoại giao do USD là đồng tiền dự trữ của thế giới và được dùng trong thanh toán toàn cầu. Dù vậy, quan chức Mỹ ngày càng để mắt đến tác động của tiền ảo đến lệnh cấm vận và tăng cường giám sát tài sản kỹ thuật số.

Để áp lệnh cấm vận, chính phủ sẽ lên danh sách cá nhân, tổ chức mà công dân họ bị cấm giao dịch. Bất kỳ ai chống đối sẽ đối mặt với án phạt nặng nề. Hệ thống tài chính là mấu chốt của bất kỳ chương trình cấm vận hiệu quả nào. Ngân hàng đóng vai trò lớn trong việc thực thi: Họ theo dõi tiền đến và đi, luật rửa tiền buộc họ chặn các giao dịch với những cá nhân/tổ chức trong danh sách cấm vận và báo cáo với nhà chức trách. Song nếu ngân hàng là “tai mắt” của chính phủ, tiền số lại đang che mất tầm nhìn của họ.

Ngân hàng phải tuân thủ quy định “Know your customer”, bao gồm xác minh danh tính khách hàng. Nhưng các sàn và nền tảng giao dịch tiền số, tài sản kỹ thuật số lại không giỏi trong việc truy vết như ngân hàng, ngay cả khi họ lẽ ra phải như vậy. Vào tháng 10/2021, Bộ Ngân khố Mỹ cảnh báo tiền ảo đe dọa và là nguy cơ ngày một lớn với chương trình cấm vận của Mỹ và nhà chức trách Mỹ cần tự tìm hiểu về tiền số.

Để “lách” lệnh cấm vận, Nga có nhiều công cụ liên quan tới tiền số. Tất cả những gì họ cần là giao dịch mà không dùng tới USD.

Lách lệnh cấm vận bằng tiền số

Chính phủ Nga đang phát triển tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương phát hành (CBDC) hay còn gọi là đồng rúp kỹ thuật số. Họ hi vọng có thể dùng nó để giao dịch trực tiếp với các nước sẵn sàng chấp nhận mà không cần đổi sang USD. Ngoài ra, dù giao dịch tiền số được ghi vào blockchain nhằm tăng tính minh bạch, những công cụ ra đời tại Nga có thể che đậy nguồn gốc của những giao dịch như vậy, giúp doanh nghiệp làm ăn với doanh nghiệp của Nga mà không bị phát hiện.

Đã có tiền lệ cho việc này. Iran và Triều Tiên nằm trong số những nước dùng tiền số giảm thiểu tác động các lệnh cấm vận phương Tây. Hãng tin Reuters dẫn một báo cáo không được công bố của Liên Hợp Quốc cho thấy, Triều Tiên đã dùng mã độc tống tiền (ransomware) đánh cắp tiền số để tài trợ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của mình. Tháng 5/2021, hãng tư vấn Elliptic nêu chi tiết cách thức Iran dùng doanh thu từ đào Bitcoin bù đắp thiệt hại từ các lệnh cấm vận bán dầu.

Tháng 10/2020, đại diện của Ngân hàng Trung ương Nga trả lời một tờ báo trong nước rằng đồng rúp điện tử sẽ giúp Nga giảm lệ thuộc vào Mỹ và đối phó tốt hơn các lệnh cấm vận. Nó giúp các pháp nhân tại Nga tiến hành giao dịch bên ngoài hệ thống ngân hàng quốc tế với bất kỳ nước nào sẵn sàng.

Theo New York Times, Nga có thể tìm thấy đối tác tại các nước cũng đang bị Mỹ cấm vận, bao gồm Iran. Trung Quốc - đối tác xuất nhập khẩu lớn nhất của Nga theo World Banks – đã phát hành CBDC riêng. Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây mô tả quan hệ Nga - Trung là “không có giới hạn”.

Vẫn theo New York Times, các pháp nhân bị cấm vận có thể triển khai chiến lược lách luật riêng bằng cách tấn công mạng đòi tiền chuộc. Theo đó, một tin tặc đột nhập mạng máy tính và khóa tất cả thông tin cho tới khi nạn nhân trả tiền, thường bằng tiền số.

Nga đang nằm ở trung tâm ngành công nghiệp ransomware. Theo báo cáo ngày 14/2 của hãng theo dõi blockchain Chainalysis, năm 2021, khoảng 74% doanh thu ransomware toàn cầu - hay 400 triệu USD tiền số - rơi vào túi các pháp nhân có thể liên quan đến Nga. Các quỹ bất hợp pháp cũng vào Nga thông qua chợ dark web Hydra và xử lý hơn 1 tỷ USD giao dịch năm 2020, theo Chainalysis. Quy định chặt chẽ của Hydra khiến các nhà nghiên cứu rất khó theo dõi dòng tiền. Dù vậy, chuyên gia chắc chắn giao dịch xuyên biên giới đang diễn ra.

Tất cả tiền số đều dùng công nghệ blockchain. Cuốn sổ cái này lưu giữ dấu vết của mọi giao dịch tiền số, do vậy, về mặt lý thuyết, nhà chức trách có thể theo dõi giao dịch và ngăn chặn các cá nhân, tổ chức bị cấm vận hoàn tất giao dịch. Tuy nhiên, công nghệ đứng sau Hydra đã che giấu điều đó, cung cấp một công cụ tiềm năng để người dùng Nga chuyển tiền ra nước ngoài.

Có những dấu hiệu cho thấy Mỹ đang tăng cường giám sát hoạt động tiền số. Ngày 17/2, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo thành lập một nhóm chuyên trách về tiền số như một lời ngầm cảnh báo rằng công tố viên liên bang đang chú ý hơn đến hành vi của người dùng. Theo ông Parker, vụ bắt giữ cặp đôi sống tại Manhattan vào ngày 8/2 do đánh cắp 3,6 tỷ USD Bitcoin từ sàn giao dịch Bitfinex (Hong Kong) là ví dụ sống động cho thấy chính phủ đang làm rất tốt và rất nhanh để truy vết.

Nhà chức trách cũng thúc giục ngành công nghiệp tiền số thi hành kiểm soát nội bộ, ngăn chặn thế lực xấu sử dụng dịch vụ của họ. Vào tháng 10/2021, Bộ Ngân khố Mỹ công bố hướng dẫn tuân thủ lệnh cấm vận dài 30 trang, khuyến nghị các công ty tiền số dùng công cụ định vị loại bỏ những khách hàng trong khu vực cấm vận.

Thông thường, doanh nghiệp tiền số sẽ mất vài tháng, thậm chí vài năm để thi hành quy trình tuân thủ. Dù vậy, điều này có thể thay đổi khi ngành công nghiệp phát triển hơn. Chainalysis giới thiệu công cụ “know your transaction”, cảnh báo các công ty khi cá nhân/tổ chức trong danh sách đen sử dụng dịch vụ của họ. Năm 2021, lượng khách hàng tư nhân của Chainalysis tăng gấp đôi.

Tất nhiên, xác định vị trí một ví tiền số không phải không có lỗ hổng. Cá nhân/tổ chức hoàn toàn có thể mở một ví mới ở nơi nào đó không nằm trong khu vực cấm vận một cách dễ dàng.

Du Lam (Theo NYT)

Nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng bán dẫn từ khủng hoảng Nga - Ukraine

Nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng bán dẫn từ khủng hoảng Nga - Ukraine

Các tập đoàn công nghệ sản xuất chip đã dự đoán những gì về tình trạng cung ứng chip bán dẫn trước tình hình chiến sự căng thẳng giữa Nga và Ukraine.