Đã gần bảy thập kỷ sau Thế chiến II nhưng Nga và Nhật vẫn chưa ký kết được hiệp định hòa bình nào. Nguyên nhân cho sự trì hoãn này chính là vấn đề tranh chấp ‘Lãnh thổ phương Bắc’ vẫn còn bế tắc và chưa tìm thấy hướng giải quyết.  

TIN BÀI LIÊN QUAN

Sau chiến tranh thế giới II năm 1945, các quần đảo nam Kuril của Nhật rơi vào kiểm soát của Liên Xô cũ và Nga hiện nay. 

{keywords}
Quần đảo nam Kuril trù phú. Ảnh: RIA

Nhật muốn đòi lại các đảo Habomai, Shikotan, Etorofu và Kunashir thuộc quần đảo nam Kuril nhưng Nga lại không có ý định từ bỏ vùng lãnh thổ giàu tài nguyên và nguồn lực ở bắc Thái Bình Dương, vì đây không chỉ là vấn đề chính trị mà còn là kinh tế.

 “Chính phủ Nhật sẽ tiếp tục theo đuổi việc giải quyết các vấn đề lãnh thổ với ý chí mạnh mẽ” – ông Abe nói. “Chúng tôi muốn hướng tới mục đích cuối cùng là giải quyết vấn đề với Nga về quần đảo tranh chấp, để rốt cuộc xác định rõ quyền làm chủ quần đảo và hiện thực hóa việc ký kết một hiệp định hòa bình”.

Cuộc họp vào cuối tháng này tại Moscow có sự tham gia của Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama và người đồng nhiệm Nga Igor Morgulov. Nghị trình của các tham vấn lần này sẽ tập trung vào các cam kết tích cực, chẳng hạn như thúc đẩy hợp tác năng lượng. Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga gợi ý hồi đầu tháng này rằng các thảo luận trước đó về hiệp ước hòa bình rất ‘khả quan’. Mặc dù lối nói này rất nước đôi thì sự thay đổi về mặt chính sách của Tokyo trong vòng sáu tháng qua là rất quan trọng.

Suốt thập kỷ qua, quan hệ Nga – Nhật rơi vào tình trạng bế tắc và xói mòn vì các chính trị hai nước tìm cách duy trì tinh thần dân tộc và vận động chính trị trong nước. Gần ba năm trước, Tổng thống Nga khi đó là Dmitri Medvedev là lãnh đạo đầu tiên của Nga kể từ thời Liên Xô đặt chân lên các đảo tranh chấp khiến Nhật phản ứng dữ dội. Quan hệ Nga – Nhật càng lạnh nhạt hơn khi Moscow thân thiết với Bắc Kinh cho dù quan hệ này không mấy rõ ràng và dường như chỉ nhất thời.

Mới đây, Nhật thậm chí còn bác bỏ các đề xuất của Nga về các dự án chung tại quần đảo Kuril vì điều này cũng đồng nghĩa với việc công nhận chủ quyền của Nga đối với quần đảo và làm suy yếu tuyên bố chủ quyền của Nhật.

Về mặt chiến lược, bản thân việc Nhật Bản và Mỹ hợp tác và thử nghiệm thành công Hệ thống tên lửa đánh chặn Standard Missile-3 Block II/IIA và có khả năng bố trí tại vùng Viễn Đông đang là một mối đe dọa nghiêm trọng với Moscow, vì hệ thống này có thể chuyển thành lá chắn tên lửa đối với các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga bố trí tại đây và Camchatka.

Tuy vậy, với các tham vấn cấp cao đang diễn ra tại Moscow, đây không phải lần đầu tiên một giải pháp cho quần đảo này được đề cập, nhưng điều đặc biệt là lần này có những điều kiện thúc đẩy đôi bên cùng nhượng bộ.

{keywords}
Quần đảo Nam Kuril

Lúc này, Nhật đang sa vào tranh chấp lãnh thổ khó chịu với Trung Quốc và Hàn Quốc tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và quần đảo Dokdo/Takeshima, nên một lối thoát cho tranh chấp với Nga về các vùng lãnh thổ phía Bắc (quần đảo Nam Kuril) nhờ đó trở nên khả dĩ.

Điều quan trọng và khác biệt lần này là Tokyo quyết tâm đạt được một thỏa thuận và bình thường hóa quan hệ với Nga. Thủ tướng Abe có động cơ để hoàn tất thỏa thuận với Nga và chính phủ của ông đã cử đi các ‘sứ giả’ để thăm dò thỏa hiệp. Shotaro Yachi là một trong những người thân tín của ông Abe và cũng là đặc phái viên của nội các gần đây đã nói về một ý tưởng mà Tổng thống Putin khơi mào vào năm ngoái, tiếng Nhật gọi là ‘hikiwake’ – hay còn gọi là một ‘thỏa hiệp’ trong vấn đề tranh cãi lãnh thổ.

Ông Yachi lưu ý rằng: “Nhật Bản cần bước vào đàm phán với một quyết tâm mạnh mẽ để giải quyết vấn đề này một cách dứt điểm khi Putin vẫn còn là Tổng thống. Nếu Putin khơi ra ý tưởng về ‘hikiwake’, chúng ta không nên thẳng thừng bác bỏ ngay. Chúng ta nên khai thác các khả năng về một ‘hikiwake’ ở một dạng thức nào đó mà Nhật có thể chấp nhận được”.

Đây là một sự thay đổi đáng kể trong tư duy của Nhật Bản và ông Yachi cũng lưu ý rằng: “chẳng có giải pháp nào sẽ giành được sự ủng hộ nhiệt liệt và đồng lòng ở Nhật lẫn ở Nga. Một sự thỏa thiệp chấp nhận được sẽ là điều mà số đông ở mỗi quốc gia có thể ủng hộ. Nhưng điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực như năng lượng và môi trường. Hy vọng rằng người dân sẽ coi đây là một thắng lợi cho cả đôi bên khi mọi yếu tố đó được tính đến. Điều then chốt là đưa ra một thỏa thuận mà bên này không thắng áp đảo bên kia”.

Giới phê bình chỉ ra rằng quan hệ Nhật – Nga có lúc thoái lui, có lúc tiến tới kể từ năm 1945 tới nay, và đây không phải lần đầu tiên hai bên tiến gần tới một giải pháp. Nhưng thời thế thay đổi mỗi lúc một nhanh, không chỉ riêng ở Tokyo hay Moscow, mà còn ở cả vùng Đông Bắc Á với các kiểu quan hệ song phương trên khắp khu vực. Putin đang tìm cách hướng về châu Á – Thái Bình Dương nhiều hơn nữa, còn ông Abe đang phải xoay xở về mặt ngoại giao khi gặp phải thách thức quá lớn với Bắc Kinh ở biển Hoa Đông.

Do vậy, Nga – Nhật không chỉ kết nối với nhau về vấn đề năng lượng, mà còn phải sóng bước với nhau trong một loạt lĩnh vực an ninh quốc tế khác, như ủng hộ của Tokyo đối với việc giải giáp các tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô cũ ở Viễn Đông, hợp tác trong lĩnh vực Triều Tiên, và ngăn dòng trung chuyển ma túy ở Trung Á...

Vì tất cả các lý do trên, nên việc các bên tiếp cận các cuộc họp trong tuần này với tinh thần khẩn trương cũng như ý chí chính trị cần thiết để đạt được một ‘hikiwake’ trong tranh chấp lãnh thổ Nga – Nhật là điều quan trọng hơn bao giờ hết.

Lê Thu (tổng hợp)