Trước mối đe dọa lan rộng của nạn dịch bệnh do virus Zika, phương pháp chiếu xạ SIT (một trong những phương pháp an toàn và thân thiện nhất với môi trường) bắt đầu được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế triển khai.
Kỹ thuật côn trùng vô sinh bằng bức xạ
Ông Aldo MALAVASI, Phó Tổng Giám đốc kiêm Trưởng phòng Khoa học và ứng dụng hạt nhân của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết: Các quốc gia từ khắp nơi trên thế giới đang ngày càng quan tâm đến việc sử dụng Kỹ thuật côn trùng vô sinh (SIT) để ngăn chặn quần thể muỗi lây truyền virus Zika ngăn chặn sự lây lan cơn bệnh nguy hiểm - bệnh teo não ở các bé sơ sinh. Công nghệ này có thể trở thành một phần của các chương trình kiểm soát muỗi tích hợp trong các nước thành viên IAEA.
Một em bé bị mắc chứng đầu nhỏ tại thủ đô Quito, Ecuador, ngày 27/2/2016. Ảnh: TTX. |
Kỹ thuật côn trùng vô sinh (SIT) là một hình thức kiểm soát vật gây hại bằng cách sử dụng bức xạ ion hóa hay bức xạ hạt nhân để triệt sản (tức làm vô sinh) hàng loạt các con côn trùng đực gây hại thường sống dày đặc tại các cơ sở chăn nuôi đặc biệt. Kỹ thuật này đã được sử dụng thành công trên toàn thế giới trong hơn 50 năm qua đối với các loài côn trùng gây hại cây trồng khác nhau, chẳng hạn như các loại muỗi và bướm đêm.
Gần đây, SIT được sử dụng nhằm chống các loài muỗi truyền bệnh, chẳng hạn muỗi mang mầm bệnh virus Zika, Chikungunya và sốt xuất huyết trong một số dự án thí điểm và mang lại kết quả tốt đầy hứa hẹn. SIT quả là phương pháp “cứu cánh” thay thế cho phương pháp dùng thuốc trừ sâu đang bị hạn chế bởi xu hướng kháng thuốc gia tăng.
Trong SIT, các con đực sau khi chuyển thành vô sinh được thả một cách dồn dập và có hệ thống từ mặt đất hoặc trong không trung ở các khu vực mục tiêu. Ở đây, chúng giao phối với những con cái trong tự nhiên và gây vô sinh. Kết quả là, khi được áp dụng kết hợp với các phương pháp kiểm soát khác, kỹ thuật SIT này có thể ngăn chặn sự phát triển của các quần thể côn trùng gây bệnh.
Khác hẳn với phương pháp dùng thuốc trừ sâu, phương pháp chiếu xạ SIT là một trong những phương pháp an toàn và thân thiện nhất với môi trường, do đó IAEA đã và đang hợp tác với Tổ chức Lương Nông của Liên hợp quốc (FAO) hướng dẫn toàn cầu nghiên cứu phát triển và ứng dụng phương pháp tiên tiến này.
Trong chuyến thăm của Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano đến Trung Mỹ vừa qua, một số nước đã bày tỏ sự quan tâm đối với những hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực này.
Dự án 2.3 triệu Euro chống Zika
Phó Tổng Giám đốc IAEA - Aldo MALAVASI giải thích các kỹ thuật côn trùng vô trùng tại một cuộc họp báo của IAEA về virus Zika. Ảnh: IAEA. |
Trước nhu cầu của các quốc gia Trung Mỹ, nơi dịch virus Zika phát sinh và phát triển, Hội đồng Thống đốc IAEA, ngày 8/3/2016, đưa ra quyết định huy động một khoản tiền 2.300.000 Euro để triển khai một dự án nhằm giúp các nước ở châu Mỹ Latinh và vùng Caribê chống virus Zika bằng kỹ thuật hạt nhân SIT.
Số tiền này được chi phí cho hai khâu chính. Trước hết sử dụng cho mua sắm các thiết bị đặc biệt liên quan đến triển khai kỹ thuật khử côn trùng SIT. Và khoản chi phí chủ yếu khác là chi phí đào tạo cán bộ địa phương để nắm vững và sử dụng kỹ thuật mới.
Với dự án này, IAEA sẽ chuyển giao kỹ thuật khử côn trùng (SIT) cho các nước trong khu vực đang bùng nổ dịch Zika nhằm giúp họ nhanh chóng phát hiện virus và tìm mọi cách ngăn chặn sự lây lan cơn bệnh nguy hiểm này. Cụ thể, trước hết muỗi đực được vô sinh hóa (bằng chiếu xạ), tiếp đến chúng được phát tán trên các vùng bị ảnh hưởng dịch bệnh, ở đây chúng sẽ giao phối với các con cái hoang dã và kết quả là chấm dứt sự sản sinh thêm thế hệ muỗi mới. Điều này có nghĩa là giảm đáng kể số lượng muỗi và sự lây truyền bệnh.
Tình hình hiện nay đã trở nên cấp bách. Zika đã lan rộng đến 31 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Mỹ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự đoán rằng Zika có thể lây nhiễm 3-4.000.000 người ở châu Mỹ trong năm nay, nếu không tích cực ngăn chặn.
Vì vậy, IAEA đang khẩn trương tìm kiếm nguồn tài trợ từ các nước thành viên cho dự án bốn năm, dự kiến bắt đầu vào tháng Tư năm nay. Và dự án sẽ được thực hiện với sự phối hợp của WHO, Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) và các cơ quan y tế quốc gia, đồng thời sẽ tích hợp tất cả các phương pháp quản lý côn trùng có liên quan.
Cộng đồng dân cư trên toàn cầu đang đặt niềm tin vào triển vọng ứng dụng công nghệ hạt nhân nguyên tử SIT nhằm hạn chế sự lây lan “dịch bệnh Zika” và tiến đến loại trừ căn bệnh kỳ lạ và nguy hiểm này ra khỏi đời sống của mọi dân tộc, không chỉ ở các nước châu Mỹ mà cả trên toàn thế giới.
Minh Trần