Trong khi tại Việt Nam đang xôn xao vì chuyện cậu thanh niên ở TP.HCM được ngân hàng chuyển nhầm 5 tỷ đồng, và đã lấy để đặt cọc mua nhà, mua xe, thì 3 năm trước, một nữ sinh 19 tuổi khác người Malaysia cũng từng vướng vụ tiêu tiền chùa ngân hàng.
Christine Jiaxin Lee, 24 tuổi người Malaysia, đã bị bắt tại sân bay Sydney vào ngày 4/5/2016 khi đang cố gắng rời khỏi Australia với cáo buộc sử dụng “tiền chùa” của ngân hàng Westpac lên đến 3,3 triệu USD (hơn 76 tỷ đồng), theo Strait Times.
Vào năm 2012, ngân hàng Westpac đã vô tình trao cho Christine một tài khoản chi tiêu không giới hạn. Tuy nhiên, thay vì báo với ngân hàng về sự cố này, cô sinh viên 19 tuổi đã vung tiền mua sắm vào các mặt hàng xa xỉ như giày dép và túi xách của Christian Dior, Hermes, Bvlgar… hay vòng tay của Cartier trong suốt nhiều năm. Cô cũng làm ngơ các email, cuộc điện thoại từ Westpac và cảnh sát địa phương.
Christine đã tiêu chùa hàng triệu đô cho những chiếc túi xách, đôi giày xa xỉ. Ảnh: Daily Telegraph |
Theo báo cáo của ngân hàng Wespact, có khi Christine Jiaxin Lee chi đến hơn 210.000 USD trong một ngày, tương đương với khoảng 4,86 tỷ đồng.
Số tiền 3,3 triệu USD được Christine sử dụng từ tài khoản Wespact của mình trong khoảng thời gian 11 tháng, từ năm 2014 đến 2015. Ngân hàng chỉ nhận ra sự bất thường khi cô chuyển hơn 800.000 USD vào tài khoản PayPal của mình với hơn 14 giao dịch trong một ngày.
Cô bị buộc tội cố ý sử dụng các mánh khoé lừa đảo và vi phạm pháp luật để đạt được lợi ích tài chính.
Thế nhưng thẩm phán Lisa Stapleton khi đó đã đặt ra câu hỏi liệu cáo buộc về việc sử dụng tiền trái phép của cô sinh viên này có phải là hành vi phạm tội hay không nếu do ngân hàng vô tình trao cho cô cơ hội đó.
“Đó không phải tiền có được từ hành vi phạm pháp” - bà Stapleton nói.
Bà cũng lưu ý rằng nếu Christine dùng tiền không phải của mình, cô phải trả lại cho Westpac, nhưng điều đó không có nghĩa là cô phạm pháp.
Cuối cùng, các cáo buộc dành cho Christine đã được rút về. Cô chỉ bị buộc phải trả lại số tiền mà mình đã “dùng chùa” trong suốt nhiều năm bằng cách giao nộp các tài sản như túi xách, vòng đeo tay… xa xỉ của mình.
Cũng xảy ra ở Australia, vào năm 2017, nữ luật sư Clare Wainwright đã trở thành triệu phú chỉ sau một buổi sáng do được Ngân hàng Quốc gia Australia chuyển nhầm 25 triệu USD vào tài khoản.
Tuy nhiên, ngay sau đó, cô liên lạc lại với ngân hàng NAB về sự số bất ngờ này. Theo luật pháp nước này, nếu cô Wainwright chỉ tiêu quá 1 xu so với số tiền cô ấy thực sự có trong tài khoản NAB, cô có thể bị buộc tội trộm cắp.
Theo Dịch vụ Thanh tra Tài chính Australia, việc thanh toán nhầm vào tài khoản của bạn qua giao dịch trực tuyến có thể dấn đến những rủi ro pháp lý đáng kể.
"Nếu tiền được chuyển nhầm vào tài khoản của mình, bạn nên thông báo cho ngân hàng. Ngân hàng sau đó sẽ cố gắng trả lại tiền cho người gửi” - Cơ quan này khuyến nghị trên trang web chính thức của mình. ”Bạn không nên tiêu hoặc rút số tiền được chuyển nhầm vào tài khoản của mình này vì bạn không sở hữu nó một cách hợp pháp mà phải trả lại".