Ngành Ngân hàng đã tham mưu trình Chính phủ ban hành chính sách tín dụng dành riêng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư tín dụng đối với tam nông… tiếp sức cho thành công của Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.

{keywords}
Ngành Ngân hàng đã tham mưu trình Chính phủ ban hành chính sách tín dụng dành riêng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư tín dụng đối với tam nông… tiếp sức cho thành công của Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020, sau 9 năm thực hiện đến nay cả nước đã có 4.475 xã (chiếm 50,26% số xã) đạt chuẩn NTM, 84 đơn vị cấp huyện thuộc 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (chiếm khoảng 12,65% tổng số huyện, thị xã, thành phố của cả nước) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; bình quân toàn quốc đạt 15,26 tiêu chí/xã và cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí. Trong đó, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã trở thành nguồn lực quan trọng của Chương trình MTQG xây dựng NTM góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững. Cụ thể:

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động tham mưu trình Chính phủ ban hành chính sách tín dụng dành riêng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Để tổ chức triển khai có hiệu quả chính sách của Chính phủ, NHNN cũng đã ban hành các thông tư hướng dẫn triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đồng thời ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Bên cạnh đó NHNN còn có nhiều giải pháp nhằm khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) mở rộng mạng lưới chi nhánh, điểm giao dịch tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; phát huy tốt vai trò của quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính quy mô nhỏ trong công cuộc hiện thực chủ trương của Đảng và Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách nêu trên, nguồn vốn tín dụng trên địa bàn các xã trong những năm vừa qua đã đạt kết quả đáng khích lệ. Dư nợ cho vay xây dựng NTM tăng trưởng đều qua các năm, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010-2018 khoảng 24% (cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn quốc).

Tính đến ngày 30/6/2019, dư nợ cho vay trên địa bàn các xã trên toàn quốc đạt 1.147.304 tỷ đồng với gần 10 triệu doanh nghiệp, hộ gia đình, hợp tác xã; gấp 5,82 lần so với dư nợ cuối năm 2010. Nguồn vốn tín dụng ngân hàng chiếm tỷ trọng 48,6% giai đoạn 2010-2015 và ước đạt tỷ trọng trên 50% giai đoạn 2016- 2020 trong tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình, cao hơn so với tỷ lệ đặt ra là 30% tại Quyết định 800/QĐ-TTg và 40% tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg.

Bài: Phùng Thu Thủy - nhóm PV
Ảnh: Nguyễn Anh Duy - nhóm PV