Theo số liệu của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT, Bộ Công an), trong năm 2022, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý trên 300 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn, chiếm 11% trên tổng số các trường hợp vi phạm. Đây là con số đáng báo động về tình trạng vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện.
Thượng tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, năm qua, khi tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các hoạt động vận tải, vui chơi giải trí, du lịch đã trở lại bình thường, kéo theo việc sử dụng rượu bia và vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện gia tăng.
Điều đáng nói, có khoảng 30% số tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức “kịch khung”, tức là có khoảng 90.000 tài xế vi phạm trên mức 0,4 mg/L khí thở (mức vi phạm cao nhất được quy định tại Nghị định 100/NĐ-CP).
“Với mức nồng độ cồn trong hơi thở cao hơn 0,4 mg/L khí thở thì tinh thần, hành vi của người điều khiển phương tiện sẽ không còn tỉnh táo để nhận biết và xử lý chính xác các tình huống giao thông. Nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông liên hoàn, nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng là rất cao” Thượng tá Phạm Quang Huy đánh giá.
Phó Cục trưởng Cục CSGT cũng cho biết, việc người điều khiển phương tiện trong trạng thái say rượu, bia sẽ dẫn đến không kiểm soát được hành vi, kéo theo nhiều vi phạm khác là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông như vi phạm tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường…
Việc không kiểm soát được hành vi cũng là nguyên nhân dẫn đến một số trường hợp người vi phạm có hành vi cản trở, chống đối, không chịu đo nồng độ cồn khi CSGT yêu cầu kiểm tra, gây khó khăn cho lực lượng chức năng.
Để giảm thiểu tối đa tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia, lực lượng CSGT rất cần sự đồng lòng, ủng hộ từ người dân, nhất là sự thể hiện trách nhiệm từ các chủ nhà hàng, quán nhậu, điểm kinh doanh có bán rượu, bia để giảm tối đa tai nạn giao thông do bia, rượu gây ra.
“Mỗi nhà hàng, quán nhậu, ngoài việc kinh doanh thu lợi nhuận, cũng cần vận động, nhắc nhở khách hàng không điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu, bia mà nên sử dụng các phương tiện công cộng. Đó cũng là trách nhiệm của nhà hàng, quán nhậu với cộng đồng và cũng là một cách phòng ngừa tai nạn khi đã uống rượu, bia có hiệu quả”, Thượng tá Huy nhận định.
Cũng theo Thượng tá Phạm Quang Huy, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và các lễ hội đầu xuân 2023, lực lượng CSGT toàn quốc sẽ huy động tối đa lực lượng, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông, nhất là tập trung cao độ xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma túy…
Phó Cục trưởng Cục CSGT cũng cho biết, ngoài việc tăng cường xử lý vi phạm của lực lượng chức năng, cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chú trọng đổi mới hình thức, nội dung phong phú hơn, sử dụng công nghệ số, đẩy mạnh truyền thông qua mạng xã hội để các quy định của pháp luật, thông tin về an toàn giao thông đến được với đông đảo người dân, qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành giao thông.
“Lực lượng CSGT cần đổi mới tư duy, nhận thức về phương pháp tiếp cận trong công tác, lấy người dân làm chủ thể, trung tâm, mục tiêu, nguồn lực. Lấy sự an toàn toàn của nhân dân làm mục tiêu hàng đầu” Thượng tá Phạm Quang Huy nhấn mạnh.
Theo thống kê của Cục CSGT, từ 15/12/2021 đến nay, cả nước xảy ra 350 vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân do rượu bia, làm chết 214 người, bị thương 268 người. Tại Hà Nội, trong năm 2022, đã xảy ra 42 vụ tai nạn giao thông liên quan đến bia rượu, làm chết 22 người, bị thương 32 người. Đặc biệt, xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông liên hoàn với thiệt hại lớn về người và tài sản. Đặc biệt, vụ tai nạn tại Đà Nẵng ngày 16/12/2022, tài xế ô tô gây tai nạn làm 3 người thiệt mạng đã vi phạm nồng độ cồn đến 1,288 mg/L khí thở. Tức là cao gấp 3,22 lần mức vi phạm tối đa. Trước đó, ngày 2/6/2022 tại Bắc Giang, tài xế ô tô Audi gây tai nạn làm 3 người trong một gia đình thiệt mạng, vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,604 mg/L khí thở. |