Theo South China Morning Post, suốt nửa năm qua, cô Karen Kong không có một đêm nào yên giấc. Mẹ của cô đã đầu tư toàn bộ số tiền tiết kiệm của gia đình - hơn 1 triệu NDT (153.000 USD) - vào một nền tảng cho vay ngang hàng (P2P) không tên tuổi.

Nỗi lo lắng chuyển thành tức giận và tuyệt vọng khi nền tảng Jieyue United (có trụ sở tại Bắc Kinh) bị chính quyền Trung Quốc đưa vào danh sách phải đóng cửa. Cơ hội lấy lại tiền của gia đình cô Kong ngày càng ít đi.

"Chẳng có ai cho chúng tôi lịch hẹn cụ thể để giải quyết, thậm chí là một câu trả lời", cô Kong tuyệt vọng. Bên cạnh cô là chồng đơn có chữ ký của các nhà đầu tư, thư kháng cáo và bản sao bằng chứng. Tuy nhiên, tất cả đều bị chính quyền địa phương ở Bắc Kinh từ chối.

"Nhiều khoản đầu tư là tiền tiết kiệm cả đời hoặc lương hưu của người cao tuổi. Họ có thể sống bằng cách nào?", cô Kong, sống tại tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc), chia sẻ. "Họ phải cho chúng tôi một lời giải thích và giải pháp", cô kiên quyết.

{keywords}
Hàng chục triệu công dân Trung Quốc mất tiền khi các nền tảng P2P nước này sụp đổ. Ảnh: Reuters.

Vay ngang hàng sụp đổ

Tháng trước, cơ quan quản lý ngân hàng của Trung Quốc tuyên bố toàn bộ ngành công nghiệp P2P đã bị xóa sổ. Tuy nhiên, quả bom tài chính vẫn còn đó khi hàng triệu gia đình đầu tư hàng tỷ NDT vào các nền tảng này. Nhiều người lo ngại rằng những biện pháp xử lý sai sẽ dẫn đến bất ổn xã hội.

Vô số nhà đầu tư đang thấp thỏm chờ được trả tiền tiết kiệm. Họ trình báo cảnh sát, khiếu nại và khởi kiện, thậm chí xuống đường biểu tình. Hồi tháng 8, cơ quan quản lý Trung Quốc cho biết khoảng 800 tỷ NDT (tương đương 122,7 tỷ USD) tiền đầu tư vẫn chưa được hoàn trả.

Các nền tảng P2P đầu tiên tại Trung Quốc ra đời cách đây 14 năm. Ngành công nghiệp bùng nổ sau khi chính quyền Trung Quốc thực hiện chủ trương hỗ trợ các hoạt động tài chính qua mạng từ năm 2014. Qua đó, Bắc Kinh hy vọng tài chính online sẽ giúp giải quyết vấn đề các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng.

P2P được quảng bá là mô hình mới, đủ khả năng tái định hình ngành tài chính Trung Quốc. Theo thống kê của chính quyền, hơn 10.000 nền tảng P2P trực tuyến đã mọc lên ở Trung Quốc. Trong thời kỳ hoàng kim, các công ty này mở những văn phòng sang trọng tại các vị trí đắc địa.

Một số còn mở rộng hoạt động sang những khu vực hẻo lánh. Tổng giao dịch hàng năm trị giá tới 3.000 tỷ NDT (460 tỷ USD). Bước ngoặt đối với ngành công nghiệp này đến vào cuối năm 2017. Các quan chức Trung Quốc nhận thấy rủi ro lớn từ những nền tảng P2P hoạt động mờ ám. Họ thề sẽ loại bỏ các nền tảng này khỏi hệ thống tài chính.

{keywords}
Các nhà đầu tư biểu tình bên ngoài văn phòng của nền tảng cho vay ngang hàng trực tuyến PPMiao ở Thượng Hải hồi ngày 20/8/2018. Ảnh: Reuters.

Phát biểu tại Diễn đàn Lujiazui hồi tháng 6/2018, ông Guo Shuqing - Chủ tịch Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc - nhấn mạnh về rủi ro lớn liên quan đến các sản phẩm mang lại lợi nhuận cao do những nền tảng P2P cung cấp.

Ông Guo khẳng định rằng nhiều nền tảng cho vay ngang hàng đang huy động vốn bất hợp pháp hoặc sử dụng mô hình lừa đảo Ponzi, tức là thu tiền của nhà đầu tư mới để trả nợ cho nhà đầu tư cũ.

"Các vị cần đặt câu hỏi về một sản phẩm khi lợi nhuận của nó vượt quá 6%. Nếu lợi nhuận cao hơn 8%, sản phẩm này rất nguy hiểm. Còn nếu trên 10%, hãy chuẩn bị cho việc mất trắng toàn bộ tiền đầu tư", ông Guo cảnh báo.

Nhà đầu tư mất trắng

Theo Wdzj.com, công ty tổng hợp dữ liệu về các nền tảng P2P, khoảng 56% nhà đầu tư ở Trung Quốc là những người làm công ăn lương, có thu nhập hàng tháng từ 5.000 NDT (767 USD) đến 10.000 NDT (1.531 USD).

Cô Kong cho biết ngoài cô, khoảng 80.000 nhà đầu tư đang cố đòi lại 14,1 tỷ NDT (2,2 tỷ USD) từ hai nền tảng của Jieyue United. Nhiều người trong số họ giữ vị trí nhân viên cấp thấp trong lĩnh vực công nghệ và tài chính, đang vật lộn với cú sốc từ dịch Covid-19.

Nhóm đầu tư bắt đầu hoảng loạn sau khi nhận được thông báo cho biết họ chỉ có thể lấy lại 20-30% khoản đầu tư ban đầu. Nỗi thất vọng ngày một lớn hơn ngay cả khi chính quyền đã vào cuộc.

"Chúng tôi đề nghị một cuộc đối thoại cởi mở và công bằng với nhóm xử lý của chính quyền", một nhóm gồm 200 nhà đầu tư, bao gồm các bà nội trợ, nông dân trồng táo và người bán hàng, viết trong một bức thư kêu gọi. "Cần điều tra việc lừa đảo, trong khi dữ liệu về các khoản nợ được thu hồi và trả lại (nhà đầu tư) phải được công bố thường xuyên", họ kêu gọi.

Các cuộc biểu tình cũng xuất hiện ở nhiều khu tài chính tại Bắc Kinh trong hai năm qua. "Chúng ta phải đoàn kết và thể hiện quyết tâm", một nhà đầu tư vào công ty dịch vụ tài chính 9F Group (niêm yết trên sàn Nasdaq) viết trên Weibo. Trụ sở tại Bắc Kinh của công ty bị bao quanh bởi hàng trăm người biểu tình.

{keywords}
Sau khi các nền tảng P2P ở Trung Quốc sụp đổ, hơn 122,7 tỷ USD vẫn chưa được trả lại cho các nhà đầu tư. Ảnh: Bloomberg.

Theo cuộc khảo sát của Wdzj.com, hầu hết nhà đầu tư muốn biết rõ hơn về quá trình trả nợ, chẳng hạn như thời gian và người giám sát.

Mẹ của cô Ivy Meng, sống ở tỉnh Thiểm Tây, đã đầu tư toàn bộ số tiền tiết kiệm cả đời vào một nền tảng có tên Jucaimao. Cảnh sát Thượng Hại điều tra công ty này từ năm 2018. Cô Meng cho biết đến nay, các nhà đầu tư vẫn chưa nhận lại một đồng nào.

"Đó là một thực tế phũ phàng. Phần lớn chúng tôi đã bỏ cuộc", cô tuyệt vọng. "Rồi bạn nhận ra bản thân thấp kém đến nhường nào. Cuối cùng, chính chúng tôi, những người tầm thường nhất, sẽ phải trả giá", cô Meng than thở.

(Theo Zing)