Ông Lê Thanh Liêm - Phó chủ tịch UBND TPHCM phát biểu tại hội thảo. |
Phát triển ngành cơ khí nông nghiệp sẽ thúc đẩy cơ giới hóa
Xây dựng và phát triển ngành cơ khí nông nghiệp, nâng cao chất lượng máy móc, thiết bị cơ khí trong nước là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất, chế biến nông sản từ đó nâng cao năng lực cạnh của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Từ thực tế, nền nông nghiệp đồng bằng dù là lĩnh vực thế mạnh với giá trị xuất khẩu tăng cao trong những năm qua, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Đó là tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, chưa theo quy hoạch, chất lượng chưa ổn định. Các khâu thu hoạch, xử lý sau thu hoạch và bảo quản chưa tốt dẫn đến tình trạng năng suất và chất lượng sản phẩm không đồng đều, làm giảm khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Thêm vào đó, biến đổi khí hậu, hiện tượng nước biển dâng và xâm nhập mặn làm thu hẹp diện tích đất sản xuất nông nghiệp, có nguy cơ thay đổi một cách căn bản cơ cấu sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong khi, các mô hình nuôi trồng và sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều hạn chế và chưa tương xứng với tiềm năng của vùng. Điển hình là tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, chưa theo quy hoạch và bảo quản nông sản chưa tốt. Vì vậy, năng suất và chất lượng sản phẩm không đồng đều, làm giảm khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Phó giáo sư, tiến sỹ Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là giải pháp rất quan trọng để nâng cao năng suất, nhưng ngành công nghiệp cơ khí hỗ trợ cho nông nghiệp ở Việt Nam còn nhiều hạn chế về số lượng và chất lượng.
Riêng ở Đồng bằng sông Cửu Long, việc thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Lý do là các chuỗi giá trị nông sản chưa hình thành, chuỗi liên kết còn chưa chặt chẽ với các nhà phân phối, thị trường tiêu thụ quốc tế; đất sản xuất còn phân bổ manh mún, trong khi đó quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp diễn ra chậm, chưa đồng bộ về thủ tục pháp lý. Cùng với đó, Tây Nam Bộ trong thời gian dài vẫn còn là “vùng trũng” của cả nước về giáo dục, về ứng dụng khoa học, công nghệ vào đời sống.
Do đó, để đáp ứng phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp cho Đồng bằng sông Cửu Long rất cần ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mà cơ bản nhất là cơ giới hóa vào quá trình sản xuất, tăng cao giá trị sản phẩm, tạo ra sự đa dạng về chủng loại, mặt hàng sản phẩm, tận dụng và chuyển đổi tối đa nguồn phụ phẩm trong quá trình sản xuất giúp nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm.
Cần có cơ chế kết nối doanh nghiệp cơ khí
Các đại biểu cũng cho rằng thời gian qua, nhiều máy móc cơ giới hoá nông nghiệp trong nước đã cạnh tranh tốt với các sản phẩm ngoại nhập.
Đó là nhờ sự am hiểu nhu cầu của chính người nông dân. Nhiều dòng sản phẩm cơ khí ở các nước cũng nhận được sự tin tưởng của nông dân do có sự thích ứng tốt với nền sản xuất nông nghiệp nội địa.
Vì vậy, để thành phố có thể trở thành trung tâm cơ khí nông nghiệp, các diễn giả cho rằng cần có cơ chế kết nối doanh nghiệp cơ khí, những viện trường với những nhà sáng chế, thợ cơ khí nhỏ tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nếu tập hợp được lực lượng này sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề cơ khí của vùng đồng bằng này.
Theo ông Nguyễn Thế Hà, Giám đốc đầu tư Công ty trách nhiệm hữu hạn Cơ khí Bùi Văn Ngọ nếu sản xuất manh mún với quy mô vài ngàn mét vuông, vài ha đất thì rất khó để áp dụng cơ giới hóa trong gieo trồng, thu hoạch. Vì vậy, muốn đẩy mạnh ứng dụng cơ giới, công nghệ trong nông nghiệp phải thay đổi chính sách về đất đai, định hướng sản xuất quy mô lớn và đồng bộ. Một yếu tố khác không kém phần quan trọng là đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bởi lực lượng lao động vùng nông thôn dồi dào nhưng chưa được đào tạo để vận hành máy móc, thiết bị cơ giới.
Chỉ khi ngành cơ khí hỗ trợ nông nghiệp phát triển, quy hoạch sản xuất hợp lý và nguồn lao động có đủ trình độ, kỹ năng vận hành thì mới thúc đẩy được việc ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất nông nghiệp từ đó nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh cho nông sản Việt Nam.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, sắp tới sẽ thành lập một tổ công tác với sự tham gia của đại diện Sở KH&CN, ĐH Quốc gia TP.HCM, ghi nhận tất cả các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị này. Những đề xuất nào thiết thực, có thể làm ngay sẽ thực hiện. Ngay trong quý 4 sẽ công bố kế hoạch chi tiết để thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ cho vùng Tây Nam Bộ”.
Thu Nga