Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 có thể sẽ tạo điều kiện để các nhà sản xuất ứng dụng phổ biến các phần mềm thông minh, trí tuệ nhân tạo phục vụ cho việc giám sát và điều khiển hệ thống sản xuất trực tuyến. Nhiều chuyên gia cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ khiến các ngành cơ khí có sự thay đổi to lớn về công nghệ, thiết bị máy móc, tổ chức và quản trị sản xuất.

Điều kiện cần để sản xuất công nghiệp ứng dụng các thành tựu cuộc cách mạng 4.0 là phải có trình độ tự động hóa ở mức cao, đạt trình độ sản xuất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3.

Trong khi đó, trình độ công nghệ của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nói chung và các doanh nghiệp cơ khí nói riêng của Việt Nam hiện chỉ ở mức (<2,5), trong khoảng giữa thế hệ 2 và thế hệ 3.

Tỷ lệ sử dụng máy tính để điều khiển quá trình gia công chế tạo thấp, chỉ khoảng 20% (máy CNC). Vì vậy mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp công nghiệp cơ khí Việt Nam để tận dụng cách mạng công nghiệp 4.0 tương đối hạn chế.

{keywords}
Ngành cơ khí Việt Nam chỉ đáp ứng gần 1/3 nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước

Đó là một trong những nguyên nhân khiến ngành cơ khí Việt Nam hiện nay mới chỉ đáp ứng khoảng gần 1/3 nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước.

Theo dự báo sơ bộ, tổng nhu cầu thị trường cơ khí của Việt Nam giai đoạn 2019 – 2030 có thể đạt 310 tỷ USD, trong đó nhu cầu thị trường từ công trình công nghiệp là 120 tỷ USD; xây dựng, nông nghiệp, chế biến là 15 tỷ USD; thiết bị tiêu chuẩn là 10 tỷ USD; giao thông đường sắt là 35 tỷ USD; tàu điện ngầm là 10 tỷ USD và ô tô là 120 tỷ USD.

Trong khi nhu cầu của thị trường ngày càng tăng, năng lực cung cấp các sản phẩm cơ khí nội địa vẫn chưa có nhiều cải thiện.

 Khánh Vy