Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, nhiệm vụ của ngành Bưu điện ở hai miền không hoàn toàn giống nhau như trong kháng chiến chống Pháp. Miền Bắc được giải phóng, Bưu điện bước vào môi trường mới từ một ngành hoạt động trong điều kiện chiến tranh chuyển dần sang một ngành dân sự nâng nhiệm vụ phục vụ xã hội lên ngang phục vụ quốc phòng. Ở miền Nam, dưới chính quyền Sài Gòn, Bưu điện là công cụ của một chế độ đang nuôi nhiều tham vọng thống trị. Tuy nhiên, tại đây vẫn tồn tại một hệ thống giao thông liên lạc thông tin vô tuyến điện của cách mạng.

Đảm bảo cho các vùng ở Nam vĩ tuyến 17 liên lạc thông suốt, sự chỉ đạo của Đảng bộ cấp trên đến các đơn vị, tổ chức giữa lúc địch kiểm soát các trục giao thông, vùng dân cư quả không đơn giản. Gọi là Bưu điện, song phần điện báo giữ tỷ lệ rất khiêm tốn bởi một điện đài lên tiếng thì dễ bị địch phát hiện. Giao thông trong trường hợp đó vừa mang công văn, chỉ thị hoặc báo cáo, vừa tải bưu phẩm - chủ yếu là sách báo - vừa chuyển một số vật tư cần cho chiến đấu kể cả vũ khí nhẹ, chất nổ, tiền bạc, thuốc men. Song có lẽ việc quan trọng hơn cả là đưa đón cán bộ đi lại, những cán bộ ở nhiều vùng khác nhau, dáng vẻ bên ngoài khác nhau nếu đi theo đường du kích thì có thể nguy hiểm, thậm chí không phù hợp với một số người nào đó, mà đi công khai thì phải qua trước mũi địch. Trạm giao liên phải bố trí thật kỹ, nhờ đồng bào bảo vệ, soạn sẵn lý lẽ hợp pháp khi bị xét hỏi, phải có hầm bí mật, tổ chức như đội vũ trang sẵn sàng nổ súng.

{keywords}
Giao liên Quảng Trị vận chuyển công văn tài liệu năm 1973.

Nhiều sáng kiến để qua mắt địch

Sáng kiến của đội ngũ giao liên thật vô tận, tất cả để hoàn thành nhiệm vụ đưa đón cán bộ, vận chuyển công văn, tài liệu... Trong Thành ủy Sài Gòn - Gia định có hai nhân vật khá nổi với ngành giao liên là tôi vì hình ảnh bị Mỹ ngụy dán khắp nơi nên dễ nhận diện và anh Mai Chí Thọ. Thế nhưng, vì nhiệm vụ nên đôi lúc chúng tôi không thể theo đường du kích được mà phải đi công khai bằng cách hóa trang, chia làm nhiều lộ trình và di chuyển bằng các phương tiện khác nhau. Riêng tôi nhiều lần đi máy bay từ Trà Vinh về Tân Sơn Nhất, hoặc đi ô tô lên Đà Lạt, Nha Trang. Những tuyến đường mà địch ít nghi ngờ nhất đều được chúng tôi sử dụng.

Phạm vi giao thông mở rộng theo đà tiến lên của cách mạng. Một “trung tâm” đưa đón người thành lập ở Phnôm-Pênh, do đồng chí Dương Quang Đông phụ trách. Từ năm 1963, hầu hết cán bộ cao cấp từ Hà Nội vào Trung ương Cục, hoặc ngược lại đều qua ngã ba này. Tôi biết các anh Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Văn Vịnh, Trần Văn Trà, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Linh… đã sử dụng con đường độc đáo như vậy. Cuối năm 1969, khi Bác Hồ mất, Trung ương gửi tôi ra Hà Nội, cùng đi với anh Phạm Hùng. Chúng tôi được anh Dương Quang Đông đưa lên Phnôm-Pênh để đáp máy bay Pháp sang Thượng Hải rồi theo chuyên cơ về Hà Nội. Sau đó, quay về chiến trường với hành trình giống như lúc đi.

{keywords}
Nghiên cứu lắp ráp các máy thu phát vô tuyến điện tại chiến khu Tây Ninh năm 1960.

Hàng nghìn chiến sĩ giao bưu liên lạc đã hy sinh thầm lặng

Thời kỳ kháng chiến chúng ta có giao liên du kích và giao liên công khai. Giao liên du kích bố trí thành tuyến rải rác khắp địa bàn với các trạm. Khi cuộc kháng chiến ở miền Nam phát triển, một số trạm giao liên du kích trở thành các binh trạm do cơ quan quân sự quản lý. Quân bưu giữ vai trò cực kỳ quan trọng suốt tuyến dọc Trường Sơn - đôi khi tàu vận chuyển vũ khí Bắc Nam trên biển cũng đưa cán bộ vào chiến trường.

Ở các vùng đồng bằng đông dân cư, giao liên du kích do các cấp ủy Đảng trực tiếp chỉ đạo như mạch máu li ti, nối liền các khu vực, nối liền trên dưới. Trạm giao liên du kích thường đặt ở những nơi ít ai ngờ. Ví dụ, trạm giao liên nối Củ Chi với Bình Tân (nay là Bình Chánh) nằm trong một gốc dứa gai chơ vơ giữa đồng nước bưng An Hà, muốn vào trạm phải lặn qua vòng dứa gai, đến một mô đất khô đủ cho vài ba người ngồi. Có những đồng chí trưởng trạm - thực ra trạm cũng chỉ gồm mỗi đồng chí ấy, nhiều nhất thêm một giao liên nữa đã bám trạm hàng chục năm, luôn mặc quần đùi, ở trấn, ít khi được ăn cơm nóng, kề cận với sự hi sinh từng giờ.

 

{keywords}
Giao bưu Vận đi công tác trên chiến trường miền Tây Nam Bộ 

 Giao liên công khai vốn được sử dụng từ thời kỳ Đảng ta còn hoạt động bí mật. Nhưng nó trở thành một bộ phận quan trọng của giao thông liên lạc cách mạng khi phong trào các đô thị lên mạnh và chiến trường nông thôn bị chia cắt từng mảnh nhỏ. Do nhu cầu thiết thân, Khu ủy Sài Gòn rồi Thành uỷ Sài Gòn chú ý xây dựng ngành giao liên công khai như lực lượng chính bảo đảm đường dây chỉ đạo và đưa đón cán bộ. Lần hồi, các địa phương khắp miền Nam đều có giao liên công khai, ngay các ngành như quân báo, tình báo, biệt động, an ninh, binh vận, y tế, tài chính, hậu cần đều xây dựng giao liên công khai.

Giao liên công khai là cán bộ dân vận giỏi, đủ bản lĩnh qua mắt địch, có cơ sở trong vùng địch kiểm soát và ở vùng ven - nơi đặt trạm thường gọi là “bàn đạp” nối liền hai vùng, đặt trên các trục lộ tiện ra vào đô thị. Khác với giao liên du kích, giao liên công khai cần hóa trang tinh vi, bản thân nhân viên giao liên phải tạo các vỏ hợp pháp và mỗi chuyến đưa đón “khách” được giải thích như sinh hoạt bình thường. Đây là việc làm hết sức khó khăn, nhất là trước bọn do thám tại chỗ. Quy luật là luôn thay đổi địa điểm, giờ giấc. Mỗi cái hẹn đòi hỏi sự tính toán chi li bởi mỗi sơ suất nhỏ đều đưa đến hậu quả xấu khó lường. Chính qua công tác dân vận với sự hỗ trợ can đảm của đồng bào mà giao liên công khai tồn tại và hoạt động tốt.

{keywords}
Đồng chí Trần Văn Thâm (tức Ba Cao - người ngồi giữa) Trưởng Ban Giao bưu vận tải tại Hội nghị Giao bưu vận tải miền Nam. 


Những “bàn đạp” của giao liên công khai được tổ chức theo các trạm giao liên nói chung, tức có ngụy trang, có hầm bí mật. Riêng với Thành ủy Sài Gòn, giao liên công khai còn là đường vận chuyển thư từ, báo cáo từ nội thành ra và chỉ thị, thông báo từ lãnh đạo vào nội thành. Khối lượng báo chí, sách vở công khai mà giao liên phải đưa hàng ngày vào căn cứ khá lớn, rất dễ bị lộ. Giao liên công khai theo dõi những hoạt động từng giờ, từng ngày của địch và chọn phương pháp đối phó.

Cuộc chiến đấu của giao liên công khai hết sức căng thẳng. Chưa có một thống kê song ai cũng biết số giao liên công khai hy sinh, bị tù, bị tra tấn đông đến hàng nhiều nghìn, đa số là nữ. Các đồng chí giao bưu mưu trí, nhạy bén trước các tình huống.

Tôi đã nói với các đồng chí lãnh đạo Bưu điện là Nghĩa trang ngành Giao bưu và Thông tin tại Tân Biên nhắc nhở tất cả chúng ta rằng một cán bộ đã qua kháng chiến không thể sống đến ngày hôm nay nếu không có sự xả thân của nhiều chiến sĩ giao bưu thông tin. Các chiến sỹ liên lạc, giao bưu, thông tin đã cống hiến xuất sắc cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong suốt cuộc kháng chiến, ngành Giao bưu đã vẽ một vòng hải lưu ly kỳ không bao giờ dứt.

  (Trích bài viết của nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng trong cuốn Lịch sử Bưu điện Việt Nam)

 

 

Lịch sử Bưu điện Việt Nam: Hành trình từ thời Nguyễn đến thời Pháp thuộc

Lịch sử Bưu điện Việt Nam: Hành trình từ thời Nguyễn đến thời Pháp thuộc

Năm 1802, Bưu chính Việt Nam lần đầu tiên được thành lập nằm trong Bộ Lại của triều đình nhà Nguyễn.