Thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 và Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2023 của Chính phủ, căn cứ yêu cầu tình hình thực tiễn, để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, Bộ Tài chính đã chủ động nắm bắt diễn biến của tình hình để đẩy mạnh công tác xây dựng chính sách, pháp luật nhằm sớm đưa các giải pháp tài chính vào cuộc sống. Qua đó, công tác xây dựng thể chế, chính sách đã đạt được kết quả tích cực, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023, cụ thể như sau:

Đến cuối năm, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Giá (sửa đổi) và Nghị quyết số 107/2023/UBTVQH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; hoàn thành 44 đề án nhiệm vụ được giao, trong đó có 15 đề án, nhiệm vụ được giao bổ sung trong quá trình chỉ đạo, điều hành. Tính cả các đề án đã trình từ những năm trước chuyển sang, đến ngày 28/12/2023, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 19 nghị định và đang xem xét ban hành 15 dự thảo nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 04 quyết định và đang xem xét ban hành 02 dự thảo quyết định; đồng thời đã ban hành theo thẩm quyền 65 thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực tài chính NSNN.

W-minhhoa.png

Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện các Báo cáo nghiên cứu rà soát các luật và phối hợp với các cơ quan có liên quan để trình cấp có thẩm quyền xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh giai đoạn 2023-2025 đối với dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi).

Đồng thời, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu, rà soát đối với các Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Thuế tài nguyên; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; Luật Quản lý thuế và Luật NSNN. Trên cơ sở kết luận Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu để lập đề nghị xây dựng các luật và báo cáo cấp có thẩm quyền đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhìn chung, công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực tài chính đã góp phần thể chế hóa, quy phạm hóa chủ trương, định hướng của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới và tác động tích cực đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tạo chuyển biến căn bản trong việc nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật tài chính, đáp ứng được các tiêu chí về tính đồng bộ, thống nhất, khả thi và công khai, minh bạch, kịp thời đối phó linh hoạt với các thách thức do dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu và những tác động không thuận lợi của kinh tế thế giới, đưa hệ thống pháp luật về tài chính – ngân sách ngày càng được hoàn thiện, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm an sinh xã hội.

Qua đó, đã đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh, tạo cơ sở pháp lý cho việc chuyển đổi phương thức quản lý (từ tiền kiểm sang hậu kiểm), tạo cơ sở pháp lý cho việc hiện đại hóa quản lý tài chính, đặc biệt là đối với lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc; tiếp cận được các thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập.