Phát biểu chỉ đạo Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tập huấn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành TT&TT năm 2018, Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Ngành thanh tra TT&TT mang trên vai trọng trách giúp lĩnh vực TT&TT phát triển bền vững, cũng là giúp đất nước phát triển bền vững. Chỉ với tinh thần phụng sự Tổ quốc thì chúng ta mới có thể làm tốt việc này.
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Sáng ngày 9/8/2018, tại TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Bộ TT&TT phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tập huấn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành TT&TT năm 2018.
Tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TTT kiêm Phó trưởng Ban Tuyên giáo TW.
Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S; nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng và gần 400 cán bộ, lãnh đạo Sở TT&TT phụ trách công tác thanh tra, cán bộ làm công tác thanh tra chuyên ngành TT&TT.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Lĩnh vực của Bộ TT&TT rất rộng. Nhưng gói gọn lại thì có 2 mảng. Mảng thứ nhất là công nghệ. Công nghệ bao gồm 3 nhóm: Một là Bưu chính, Viễn thông; Hai là Công nghiệp, bao gồm Công nghiệp điện tử viễn thông và Công nghệ 4.0; Ba là CNTT, bao gồm ứng dụng CNTT, an ninh mạng, công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung số. Mảng thứ hai là tuyên truyền, bao gồm Báo chí, Phát thanh - Truyền hình và Xuất bản. Mảng tuyên truyền sẽ giúp xã hội ổn định để phát triển. Mảng công nghệ sẽ giúp Việt Nam sánh vai cường quốc năm châu. Do vậy, ngành Thanh tra phải nhận thức rất rõ vai trò của Bộ, các lĩnh vực của Bộ TT&TT để làm tốt công việc của mình.
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ: Giám sát phải rộng khắp, phải liên tục. Thanh tra phải nghiêm, không có vùng cấm. Kết luận thanh tra cần phải công khai rộng rãi. Xử phạt cần ít nhưng nặng, có tính giáo dục và răn đe. Làm như vậy thì ngành Thanh tra mới góp phần cho ngành TT&TT phát triển bền vững.
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý: Cuộc sống thay đổi nhanh, lĩnh vực TT&TT còn thay đổi nhanh hơn. Theo đó, ngành Thanh tra cũng phải thay đổi, thay đổi cách đặt vấn đề, cách làm. Đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu thanh tra ngành TT&TT tập trung thực hiện 8 chuyển dịch trọng tâm sau:
Thứ nhất, xây dựng lực lượng ngành thanh tra TT&TT xuyên suốt từ TW đến địa phương, với lực lượng gần 400 người, ngành thanh tra TT&TT không hề nhỏ, đây là một gia đình lớn. Vì vậy, Thanh tra Bộ TT&TT phải nắm nhân sự toàn ngành, chăm lo xây dựng con người, tổ chức tập huấn, đào tạo tập trung, kế hoạch thanh tra thống nhất, chia sẻ kinh nghiệm thanh tra giữa các sở, các đơn vị, giám sát được toàn bộ hoạt động thanh tra của ngành.
Thứ hai, chuyển mạnh từ thanh kiểm tra sang giám sát. Và giám sát là số một. Chỉ có giám sát mới có thể nhìn thấy toàn cảnh một cách liên tục, có thể phát hiện sớm vấn đề để cảnh báo. Thanh kiểm tra chỉ có thể làm cục bộ, làm khi có vụ việc, sai phạm phát hiện thường là nặng, phải xử lý, mất cán bộ. Còn giám sát thì phải có nhiều dữ liệu, có công cụ phân tích. Cách mạng công nghiệp 4.0 cung cấp nhiều công cụ phân tích mạnh, như phân tích dữ liệu lớn. Vấn đề quan trọng ngành thanh tra TT&TT phải thu thập nhiều dữ liệu, kể cả dữ liệu trên mạng xã hội. Một trong những tài sản lớn nhất của thanh tra sẽ là dữ liệu. Thu thập dữ liệu liên quan sẽ là một nghề mới rất quan trọng của thanh tra.
Thứ ba, chuyển dịch từ thanh tra doanh nghiệp, các tổ chức bên ngoài, sang thanh tra các đơn vị trong Bộ TT&TT. Các đơn vị của Bộ phải thượng tôn pháp luật, phải lành mạnh trước thì toàn ngành mới có thể phát triển bền vững.
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Thứ tư, chuyển dịch từ thanh tra thiên về tài chính, kiểm toán sang thanh tra chuyên môn. Thanh tra tính tuân thủ, thanh tra hành chính, thực thi công vụ của cán bộ công chức thuộc ngành. Thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành, trong nội bộ đơn vị. Từ trước đến nay, ngành thanh tra TT&TT thường ngại thanh tra chuyên môn vì người làm thanh tra thiếu kiến thức chuyên môn, người làm thanh tra thường là người có chuyên môn về tài chính kế toán.
Thứ năm, chuyển dịch từ thanh tra toàn diện sang thanh tra chuyên sâu. Khi đã có giám sát tốt thì ngành thanh tra TT&TT sẽ nhìn thấy các nguy cơ và tập trung thanh tra vào đó, vừa nhanh, vừa tốn ít nguồn lực, vừa hiệu quả cao.
Thứ sáu, chuyển dịch từ thanh tra định kỳ, rải đều, sang thanh tra các vấn đề nóng, phức tạp, nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội. Như thanh tra báo chí đưa thông tin sai để vòi vĩnh tiền doanh nghiệp; thanh tra vi phạm bản quyền; thanh tra mạng xã hội có nội dung độc hại, xuyên tạc.
Thứ bảy, chuyển dịch từ tập huấn pháp luật sang tập huấn chuyên môn, kiến thức mới, như an ninh mạng, không gian mạng, báo điện tử, trang tin điện tử,... Đặc biệt, đội ngũ làm công tác thanh tra phải hiểu nghề thì mới làm được thanh tra chuyên ngành.
Thứ tám, chuyển dịch từ truyền thông nội bộ về các kết luận thanh tra sang công khai các kết luận thanh tra trên các phương tiện thông tin đại chúng để rút kinh nghiệm diện rộng. Việc công khai các kết luận thanh tra là biện pháp giáo dục tốt, cảnh báo được nhiều người. Có tính răn đe cao vì ảnh hưởng đến thương hiệu của đơn vị vi phạm, cá nhân vi phạm.
Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đặc biệt nhấn mạnh: Ngành thanh tra TT&TT mang trên vai mình trọng trách giúp lĩnh vực TT&TT phát triển bền vững, cũng là giúp đất nước phát triển bền vững. Chỉ với tinh thần phụng sự Tổ quốc thì chúng ta mới có thể làm tốt việc này. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn lực lượng thanh tra ngành TT&TT phải luôn có tinh thần phụng sự để làm việc.
Cũng tại Hội nghị, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá Sở TT&TT Lâm Đồng là mô hình rất đáng học tập. Ngành TT&TT của chúng ta đang đứng trước rất nhiều thách thức. Nếu không chứng minh được giá trị của mình, chúng ta sẽ biến mất, sẽ không còn Sở TT&TT nữa. Đảng, Chính phủ, đất nước cũng đang rất kỳ vọng vào chúng ta đổi mới, trở nên xứng đáng với tên gọi của mình. Các Sở TT&TT phải trở thành hạt nhân góp phần cho Tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Chính quyền điện tử, Chính phủ điện tử, Số hóa quốc gia, Thành phố thông minh, Nông nghiệp thông minh, Cách mạng công nghiệp 4.0, An toàn không gian mạng, báo chí cách mạng, phát thanh - truyền hình cách mạng, xuất bản cách mạng phải thể hiện dòng chảy chính của đất nước, tạo ra niềm tin của xã hội, tức là tạo nên sức mạnh của một đất nước, sức mạnh của một dân tộc. Đó là nghĩa vụ của chúng ta.
Tôi yêu cầu Hội nghị dành 1 đến 2 giờ để đồng chí Giám đốc Sở TT&TT Lâm Đồng chia sẻ kinh nghiệm với hội nghị về cách mà họ đã làm, để đạt được niềm tin của lãnh đạo Tỉnh, để trở thành một Sở chuyên ngành rất mạnh. Có rất nhiều Giám đốc Sở TT&TT đang có mặt tại đây, tôi cũng yêu cầu các đồng chí nhận lấy trọng trách, từ hôm nay, hãy thay đổi, hãy làm việc nhiều hơn, hãy làm việc thiết thực hơn, tất cả vì sự phát triển của Tỉnh mình; hãy bám sát sự chỉ đạo của Bí thư tỉnh, của Chủ tịch tỉnh, để Sở của chúng ta, để người TT&TT của chúng ta có thể tự hào, ngẩng cao đầu trong sự phát triển của Tỉnh mình, của đất nước mình. Trong cuộc đời của mỗi chúng ta, sẽ không có gì tự hào đáng sống hơn thế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S phát biểu chào mừng Hội nghị |
Phát biểu chào mừng Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đã trân trọng cảm ơn sự quan tâm, ủng hộ và tạo điều kiện của Lãnh đạo Bộ TT&TT đã giúp tỉnh Lâm Đồng, ngành TT&TT Lâm Đồng có những bước phát triển mới; góp phần quan trọng giúp địa phương phát triển toàn diện. Và tỉnh Lâm Đồng đã ký kết hợp tác với Bộ TT&TT, Tập đoàn VNPT để xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh; triển khai xây dựng chính quyền điện tử tỉnh; Ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý điều hành của tỉnh; và hợp tác đào tạo nguồn nhân lực viễn thông - CNTT và truyền thông... Các cơ quan báo chí thường trú, phóng viên thường trú trên địa bàn đã tích cực tuyên truyền về Lâm Đồng, phổ biến, nhân rộng mô hình, cách làm hay trong các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh ra toàn quốc.
Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ và tạo điều kiện của Lãnh đạo Bộ TT&TT giúp Lâm Đồng xây dựng thành công thành phố thông minh; xây dựng mô hình kinh tế tăng trưởng xanh; ứng dụng CNTT trong phát triển nông nghiệp thông minh; bảo đảm cơ sở hạ tầng mạng thông tin đồng bộ, hiện đại, kết nối liên thông đa chiều cho tất cả các cơ quan Nhà nước, từng bước hoàn thiện Chính phủ điện tử, đảm bảo an toàn bảo mật thông tin…
Ông Đặng Anh Tuấn - Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội nghị |
Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tập huấn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành TT&TT năm 2018 diễn ra từ ngày 9 đến 11/8/2018. Tại Hội nghị, các đại biểu sẽ nghe các chuyên gia báo cáo các chuyên đề: Giới thiệu một số quy định pháp luật trong hoạt động tranh tra do báo cáo viên Trần Đức Lượng, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ truyền đạt; các chuyên đề Viễn thông, CNTT; Báo chí và thông tin trên mạng; Xuất bản, In và Phát hành; tổng hợp; trao đổi những vướng mắc trong lĩnh vực Bưu chính…
Hội nghị sẽ tiếp tục làm việc đến hết ngày 10/8/2018.
Theo Xuân Lộc - Mic.gov.vn