“Cán bộ y tế vào ngành y là đại bộ phận không bao giờ suy nghĩ đến việc làm giàu, ai mà nghĩ đến việc đó là thất đức, nhưng người ta cũng phải đủ sống. Khi mức thu nhập đủ, họ sẽ yên tâm, cộng với trách nhiệm và yêu nghề thì họ sẽ chăm sóc người bệnh với tấm lòng của mình”, TS Tác chia sẻ.


VietNamNet giới thiệu phần cuối bàn tròn với Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, Bộ Y tế, TS Phạm Văn Tác; GĐ bệnh viện E TW, GS.TS Lê Ngọc Thành và TS. Khuất Thu Hồng về chủ đề: Ngành Y đổi mới hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

{keywords}
TS Khuất Thu Hồng và GS.TS Lê Ngọc Thành

Cần tính đúng tính đủ cho cán bộ ngành y

Nhà báo Ánh Tuyết: Nhân nói đến kế hoạch giám sát, kiểm tra thái độ, phong cách phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh, chúng tôi xin trích đọc tâm sự của một bác sĩ ở một vùng cao (xin giấu tên) vừa gửi về bàn tròn như sau: “Tôi làm việc ở một bệnh viện tỉnh nghèo được 14 năm, mỗi tháng tôi trực 10 ngày gần như không được ngủ, lương tôi hiện là 4,9 triệu đồng/tháng, tháng nào bệnh nhân đông, phẫu thuật nhiều thì tổng thu nhập của tôi là khoảng 9 triệu đồng/tháng. Tôi nhận thức rõ sự cần thiết chia sẻ và đồng cảm với nỗi đau bệnh tật của người dân. Chúng tôi rất băn khoăn rằng liệu chúng tôi có thể nhất tâm hướng tới sự hài lòng của người bệnh hay không, trong khi bản thân mình không hài lòng với đãi ngộ và công việc”.

Thưa GS. TS Lê Ngọc Thành, nếu đây là tâm sự của bác sỹ của Bệnh việc E TW, thì ông nhắn nhủ với anh ấy như thế nào?

GS. TS Lê Ngọc Thành: Trước hết phải nói thế này, thu nhập và mong muốn của mỗi người khác nhau. Chẳng hạn bạn đó ở một tỉnh xa, miền núi mà 9 triệu/tháng thì tôi cho rằng là quá hài lòng rồi. Quan điểm của tôi thế này, từ xưa tới nay, chúng ta nói rằng ngành y là một ngành đặc biệt nhưng chưa hề có đãi ngộ đặc biệt.

Bây giờ trong cơ chế thị trường, chúng ta không thể hô khẩu hiệu người làm công được, phải có cái gì đó chính đáng. Chúng tôi không đòi hỏi quá nhiều, nhưng nó phải đúng. Phàm những người trong ngành y cũng không nghĩ tới chuyện tiền, làm đêm làm ngày nhưng Nhà nước trả như thế nào thì hưởng thế thôi.

Chính vì cơ chế thị trường hiện tại làm cho người ta phải suy nghĩ, có nhiều các ngành nghề khác không phải thức đêm thức hôm gì nhưng lương vẫn cao hơn chúng tôi. Cứ nghĩ nếu phải trực 10 ngày không ngủ, làm đêm làm hôm mà lương chỉ 9 triệu thì đối với các đồng chí ngoài ngành sẽ cảm thấy là quá bèo bọt. Tôi nghĩ rằng phải làm sao tính đúng tính đủ để bù đắp lại, tái sản xuất lại sức lao động của ngành y.

Việc đó không phải là người bệnh phải chi trả, mà phải cả xã hội cùng góp sức và đãi ngộ của Nhà nước. Chúng tôi rất mong một ngày chúng ta có thể bỏ khái niệm “ban ơn” đi, hãy trả lại đúng cho chúng tôi là một “nghề” và đối tượng là con người. Khẳng định quan điểm của Bộ trưởng lấy người bệnh là trung tâm trong cơ chế thị trường này là hết sức đúng đắn.

{keywords}
GS.TS Lê Ngọc Thành

Nhà báo Ánh Tuyết: Với một đội ngũ cống hiến như vậy, thì liệu có giải pháp toàn diện nào cho cán bộ nhân viên y tế hài lòng, từ trái tim mà hưởng ứng cuộc vận động đổi mới? Câu hỏi này dành cho Lãnh đạo ngành y tế ạ, thưa Vụ trưởng?

TS. Phạm Văn Tác: Câu hỏi này cũng là đồng bộ với toàn bộ các giải pháp mà GS. Lê Ngọc Thành và TS. Khuất Thu Hồng đã có ý kiến. Để cho toàn diện, thì ngoài việc thực hiện đổi mới phong cách, thái độ hướng tới sự hài lòng của người bệnh, thì chế độ chính sách cho cán bộ nhân viên y tế cũng hết sức quan trọng.

Thứ nhất, việc mức lương khởi điểm của bác sỹ, khi tốt nghiệp trường Y 6 năm với tốt ngiệp các trường khác 4 năm thì mức lương khởi điểm đều như nhau, đều đó là không hợp lý. Chúng tôi đang đề xuất Nhà nước quan tâm tăng lương khởi điểm cho bác sĩ.

Thứ hai là vấn đề thâm niên nghề, Nghị quyết 18 của Quốc Hội có nói rằng: cho phép cán bộ ngành y tế, chính sách được tương đồng với cán bộ ngành giáo dục. Ngành giáo dục có Nghị Định 54 quy định về thâm niên nghề nhưng ngành y tế thì chưa được phép. Chúng tôi cũng đề nghị với Nhà nước về việc này trong tổng kết 10 năm thực hiện Nghị Quyết 46 Bộ Chính trị ngày 23/2/2005, đây là kênh thông tin hoàn toàn độc lập, giám sát 64 tỉnh thành và tất cả các Bộ ngành cũng thấy rằng là bất hợp lý.

Điều quan trọng nhất, chúng ta phải quyết tâm đổi mới cơ chế hoạt động, tài chính trong lĩnh vực y tế, đơn vị sự nghiệp công, tính tới tính đúng tính đủ, thu đúng thu đủ, gắn với y tế toàn dân. Nếu tất cả người dân đều đóng bảo hiểm, thì số đông người dân giúp cho số ít người bệnh tật, người có điều kiện hơn giúp cho những người nghèo, cận nghèo. Tóm lại, nếu như thực hiện được lộ trình y tế toàn dân thì tôi cho rằng đó là đổi mới toàn diện.

Khi mức thu nhập được nâng cao tới mức đủ, thì cán bộ y tế không phải suy nghĩ nữa và sẽ tận tâm đến cùng. Với trách nhiệm là người tổ chức cán bộ tham mưu cho Bộ trưởng, Ban cán sự Đảng bộ Y tế, như anh Thành đã nói, người cán bộ y tế vào ngành Y là đại bộ phận không bao giờ suy nghĩ đến việc làm giàu từ ngành y, ai mà nghĩ đến việc đó là thất đức, nhưng người ta cũng phải đủ sống. Khi mức thu nhập đủ, họ sẽ yên tâm, cộng với trách nhiệm và yêu nghề thì họ sẽ chăm sóc người bệnh với tấm lòng của mình. Đó mới là thành công nhất. Tôi sợ nhất rằng, nếu họ bị sức ép dẫn đến họ phải đối phó thì đó là câu chuyện thất bại, cần phải suy nghĩ.

{keywords}
TS. Khuất Thu Hồng

Người bệnh - gương soi đổi mới

Nhà báo Ánh Tuyết: Công cuộc đổi mới này chỉ có hiệu quả một cách thực sự đạt được sự hài lòng của người bệnh thì cần có người bệnh tham gia. Thưa TS. Khuất Thu Hồng, Bà nghĩ thế nào về vai trò của người bệnh và gia đình.

TS. Khuất Thu Hồng: Tôi rất tán thành ý kiến của hai vị đây rằng ngành Y là một ngành rất đặc biệt, là một ngành rất cao quý. Rõ ràng những đãi ngộ hiện nay ở nước ta chưa phù hợp với tất cả những công lao, thậm chí là những hy sinh của cán bộ nhân viên y tế. Gần đây, đang có chủ chương tăng phí dịch vụ, từ 2-5 lần và bảo hiểm y tế sẽ phải chịu trách nhiệm về những chi phí như vậy. Tôi trông đợi những thay đổi về mặt chi phí như vậy thì cũng sẽ góp phần nào hỗ trợ cho nhân viên y tế bớt những khó khăn trong cuộc sống và khoảng cách bất công bằng giữa người làm ngành y vất vả và các ngành khác dần sẽ được thu hẹp lại.

Tôi cho rằng vai trò của người dân, ngươi tiêu dùng dịch vụ là vô cùng quan trọng. Họ sẽ là người cho ngành y biết rằng công cuộc đổi mới này tiến hành đến đâu và hiệu quả đến mức độ nào, chúng tôi đã hài lòng hay chưa. Phản ảnh của người dân sẽ rất trực tiếp, thường xuyên. Tôi cũng mong được như ông Tác đã nói, rằng làm sao các Hòm thư góp ý, Đường dây nóng luôn được cập nhật để ngành y tế có những thay đổi, điều chỉnh kịp thời.

Mặt khác, bên cạnh việc tham gia thúc đẩy trực tiếp của người dân, cũng nên có giám sát độc lập, từ các cơ quan, đơn vị có khả năng đánh giá độc lập, giúp cho người dân và cả cho ngành y tế nhận ra được cần phải đổi mới thêm nữa như thế nào, điều chỉnh và thêm nhiều giải pháp kịp thời hơn nữa để mà đáp ứng được mong mỏi của người dân, đáp ứng được những cố gắng, tích cực của ngành y tế.

{keywords}
TS Phạm Văn Tác

TS. Phạm Văn Tác: Ý kiến của chị Hồng rất hay và tôi cho rằng đúng là cần có một tổ chức đánh giá độc lập. Vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị Quyết 30c về cải cách hành chính, trong giai đoạn tiếp theo, trong hai ngành là ngành y tế và ngành giáo dục cần xây dựng đề án về phương pháp đánh giá sự hài lòng của người dân với dịch vụ công. Hiện nay, Bộ Y tế cũng đang thí điểm việc này, sau đó, bộ công cụ ấy sẽ do một tổ chức hoặc người dân đánh giá độc lập chứ không phải do cán bộ y tế đánh giá.

Nhà báo Ánh Tuyết: Xin cảm ơn các vị khách mời!

VietNamNet