“Mệt mỏi đủ thứ, tại sao mình lại phải đối diện với cuộc sống như thế này? Có cách nào giải thoát không?”, đó là chia sẻ của thành viên P.T.H. trong nhóm Những người muốn tự tử. Ngay sau đó, H. nhận được sẻ chia của mọi người về việc điều trị, tìm bác sĩ, cách để cải thiện tinh thần…

Trong nhóm này, không ít người cùng tâm trạng như H. cũng vào bày tỏ mong muốn được giải thoát khỏi những mệt mỏi, căng thẳng. “Tìm mua xyanua ở đâu được ạ? Sống một cuộc sống như đã chết thế này em không còn cảm giác gì nữa”, một tài khoản khác đăng tải.

Bệnh nhân bị rối loạn tâm thần điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai. 

Thành viên N.V tâm sự: “Mình cảm thấy bơ vơ và cô đơn. Nhiều lúc mình có suy nghĩ tự tử và đã một lần tự tử không thành. Lúc đó, người nhà mắng mình sao ngu thế. Nghe được câu đó, mình chết lặng. Chính câu nói đó đã thêm một lần nữa dồn mình vào chỗ chết. Đến giờ mình vẫn luôn nghĩ về cái chết. Mọi người có thể cho mình xin cách tự tử không đau được không?”.

Không chỉ trên không gian ảo, theo tiến sĩ, bác sĩ Vũ Thy Cầm, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, bệnh nhân có các biểu hiện rối loạn tâm thần đến khám ngày càng tăng lên. 

Điển hình là trường hợp của anh V.V.M (30 tuổi, quê tại Nam Định) bị tâm thần phân liệt. Nam bệnh nhân tiền sử khỏe mạnh, tính tình hiền lành, nhút nhát. Trước thời điểm nhập viện, bệnh nhân thường xuyên có biểu hiện sống thu mình, không giao tiếp với ai, không đi làm. Anh thường lẩm bẩm nhiều chuyện và luôn cho rằng có người muốn hại mình. Có lúc, bệnh nhân sợ hãi, đập phá đồ đạc. Ban đêm, anh M. cũng không ngủ.

Khi đến Viện Sức khỏe Tâm thần, bác sĩ chẩn đoán anh bị tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, sau một thời gian điều trị ổn định, bệnh nhân tự ý bỏ thuốc. Gần đây, khi công việc không được như ý, nam bệnh nhân lại tái phát bệnh, vào viện điều trị tiếp.

Bác sĩ Cầm cho biết do xu hướng phát triển của xã hội hiện đại, con người chịu nhiều áp lực của cuộc sống, vì vậy các rối loạn tâm thần ngày càng gia tăng, trong đó giới trẻ bị ảnh hưởng nhiều.

Rối loạn tâm thần thường xảy ra sau khi người bệnh gặp phải vấn đề khó khăn trong cuộc sống như thất nghiệp, mất người thân, đổ vỡ quan hệ, mâu thuẫn gia đình, thất bại trong học tập, khủng hoảng tinh thần.

Ngoài ra, sự gia tăng sử dụng rượu bia và chất gây nghiện cũng khiến số lượng bệnh nhân có xu hướng ngày càng gia tăng. 

Theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, tỷ lệ người trẻ bị rối loạn tâm thần rất lớn. Tại bệnh viện, số ca bệnh dưới 30 tuổi chiếm 3/5 số bệnh nhân đi khám.

Bác sĩ Hiển cho biết rối loạn tâm thần cũng cần điều trị sớm như các bệnh khác. Nếu điều trị muộn, bệnh diễn biến nặng, việc điều trị lâu hơn và có thể tái phát. Chính vì vậy, việc nhiều người chia sẻ cho bệnh nhân cách tự điều trị thay vì khuyên họ tìm tới bác sĩ sẽ khiến cho bệnh nhân mất đi cơ hội điều trị sớm.

Phương Thúy, Thu Hằng, Vũ Lụa, Quang Ninh

Con tôi bị trầm cảmNếu con bị ốm, mắc bệnh, bạn còn lường được tình huống xấu nhưng khi con bị trầm cảm, bạn không hình dung được điều gì sẽ xảy đến với con mình.