-"Ngày cuối cùng của một tử tù", tiểu thuyết đầy xúc động của nhà văn Victor Hugo nói về niềm khát khao sống của một tử tù trước lúc lên đoạn đầu đài.

Nằm trong khuôn khổ Ngày sách Việt Nam 2016, ngày 22/4 tại Hà Nội, NXB Văn học đã tổ chức lễ ra mắt tiểu thuyết “Ngày cuối cùng của tử tù” của nhà văn Victor Hugo (Nguyễn Mạnh Hùng dịch, Trần Hinh hiệu đính).

"Ngày cuối cùng của một tử tù" được kể trong ba mạch truyện chính. Mạch thứ nhất từ đầu đến chương 21, được viết ở nhà ngục Bicêtre vào đêm trước gần rạng sáng ngày bị kết án (tức khoảng 6 giờ 15 phút sáng đến trước 8 giờ 30). Mạch giữa từ chương 22 đến chương 47 viết ở nhà ngục Conciergerie (kéo dài 7 giờ, từ khoảng 8 giờ rưỡi sáng đến 3 giờ chiều). Mạch thứ ba từ chương 48 đến kết thúc tác phẩm bao gồm các sự kiện cuối cùng “trang phục để lên đoạn đầu đài” của kẻ tử tù - người kể chuyện (từ khoảng 3 giờ chiều cho đến khi gần sáng ngày hôm sau, 4 giờ sáng, ngay sát trước thời điểm nhân vật bị đưa lên đoạn đầu đài). 

{keywords}

Xen vào giữa các mạch kể chuyện đó, có rất nhiều câu chuyện, một kiểu cấu trúc “truyện trong truyện” hết sức hiện đại và đa dạng trong bút pháp của V.Hugo. Những câu chuyện được đưa vào xen kẽ trong mạch truyện chính, có cả những chi tiết liên quan đến các tác phẩm quan trọng khác của Hugo, như chi tiết liên quan đến các nhân vật Jean Valjean và Gaveroche trong Những người khốn khổ; câu chuyện về bé Marie liên quan đến đứa con nhỏ bé, tội nghiệp trong Nhà thờ Đức Bà Paris.

Ở chương 22 là câu chuyện tên cướp bị kết án tử hình, vốn đã là tóm tắt của toàn bộ tác phẩm Claude Gheux. Câu chuyện ám ảnh về cái chết ở chương 16, liên quan đến vấn đề tương phản vực thẳm - bóng tối trong bài thơ Cái chết của Satan trong tập Truyền kỳ các thế kỷ. Thậm chí ở mạch kể cuối, câu chuyện về đoạn đầu đài còn gợi nhắc tới tác phẩm Vụ án của nhà văn Sec Franz Kafka và Người xa lạ của Albert Camus. 

TS. Trần Hinh, giảng viên khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, người hiệu đính cuốn sách đánh giá: “Nhìn bề ngoài, Ngày cuối cùng của một tử tù được viết giống như một cuốn tự truyện, đặc biệt hơn nữa như một loại tự truyện nhật ký. Tuy nhiên, khác với hình thức tự truyện thông thường (được viết ở thì quá khứ đơn), tác phẩm của Hugo lại được viết ở thì hiện tại, thức trình bày”. 

TS. Trần Hinh cho biết: "Những tác phẩm lớn của Hugo về cơ bản đã được dịch sang tiếng Việt. Cuốn sách này tuy khiêm nhường nhưng nó lại chứa đựng gần như đầy đủ motif về đề tài, nhân vật cũng như phong cách viết của Victor Hugo. Motif về Công lý và Tội phạm. Đây là cuốn được in từ năm 1828 (tại Pháp), còn "Những người khốn khổ" thì đến năm 1845, nhà văn mới khởi thảo. Cuốn Ngày cuối cùng của một tử tù có ý tưởng để viết những cuốn sách về những người dưới đáy xã hội mà Hugo vô cùng yêu mến".

T.Lê