Hàng năm, Ngày Động, thực vật hoang dã thế giới được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về thế giới động vật, thực vật hoang dã, từ đó góp phần bảo tồn nền tảng đa dạng sinh học.

Ngày Động, thực vật hoang dã thế giới năm nay lựa chọn chủ đề: "Rừng và Sinh kế: Duy trì con người và hành tinh", như một cách để nêu bật vai trò trung tâm của rừng, các loài rừng và các dịch vụ của hệ sinh thái trong việc duy trì sinh kế của hàng trăm triệu người trên toàn cầu, và đặc biệt của các cộng đồng bản địa và địa phương có mối quan hệ lịch sử với rừng và các khu vực giáp ranh với rừng.

Điều này phù hợp với các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc và các cam kết trên phạm vi rộng của các quốc gia về xóa đói giảm nghèo, bảo đảm sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên và bảo tồn sự sống trên mặt đất.

{keywords}
Lồng ghép bảo vệ và phát triển rừng với giảm nghèo bền vững

Theo báo cáo của Wildlifeday.org, khoảng 200 đến 350 triệu người sống trong hoặc gần các khu vực có rừng ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới, những người phụ thuộc vào các dịch vụ hệ sinh thái khác nhau do rừng cung cấp.

Tàn phá thiên nhiên và tận diệt động vật hoang dã đang đe dọa tới hành tinh và cuộc sống của chúng ta. Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cho thấy mối liên hệ giữa việc buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã với nhiều bệnh dịch nguy hiểm. Theo đó, khoảng 70% các bệnh truyền nhiễm trong 30 năm qua có nguồn gốc lây lan từ động vật sang người, bao gồm HIV/AIDS, cúm gia cầm, cúm lợn, SARS, Ebola, MERS và hiện nay nhiều khả năng là cả đại dịch Covid-19.

Nhân Ngày Động, thực vật hoang dã Thế giới hôm nay, UNESCO kêu gọi thể hiện tầm quan trọng của sinh kế dựa vào rừng và tìm cách thúc đẩy các mô hình và thực hành quản lý rừng và động vật hoang dã rừng phù hợp với cả con người và bảo tồn lâu dài rừng, các loài động, thực vật hoang dã sống trong rừng và các hệ sinh thái mà chúng duy trì, đồng thời phát huy giá trị của các thực hành và kiến ​​thức truyền thống góp phần thiết lập mối quan hệ bền vững hơn với các hệ thống tự nhiên quan trọng này.

Đề án trồng 1 tỷ cây xanh ở Việt Nam

Trồng rừng cùng với bảo vệ rừng cũng như nâng tỉ lệ che phủ rừng là một trong các chỉ tiêu để đánh giá phát triển bền vững ở các quốc gia trong bộ chỉ tiêu về tài nguyên và môi trường và chỉ tiêu phát triển bền vững.

Hiện nay, độ che phủ của rừng nước ta giảm sút đến mức báo động. Những tổn thất về rừng là không thể bù đắp được và gây ra nhiều tổn thất lớn về kinh tế, về công ăn việc làm và phát triển đất nước bền vững.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), chỉ hơn 5 năm (2012-2017), diện tích rừng tự nhiên bị mất do chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án được duyệt chiếm 89% tổng diện tích rừng giảm; còn lại là do phá rừng trái pháp luật làm mất 11%.

Với những nỗ lực của Chính phủ và các địa phương trong cả nước về việc trồng cây gây rừng, diện tích rừng tuy có tăng, song về chất lượng rừng tự nhiên vẫn còn hạn chế.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, hiện nay tỉ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị lớn của Việt Nam chỉ ở mức từ 2-3 m2/người, trong khi đó, chỉ số tỉ lệ cây xanh/người của các thành phố hiện đại trên thế giới phổ biến từ 20-25 m2/người.

Còn Bộ TN&MT cho biết hiện nay tỉ lệ cây xanh ở đô thị chưa đạt tiêu chuẩn về độ che phủ cũng như cân bằng hệ sinh thái. Hệ thống cây xanh mới hình thành và tập trung tại các đô thị lớn và trung bình, còn tại các đô thị nhỏ, cây xanh chiếm diện tích không đáng kể.

Nhiều khu đô thị mới đã và đang được xây dựng còn thiếu các không gian công cộng như quảng trường, vườn hoa, công viên... Diện tích cây xanh, mặt nước đã không được khai thác, sử dụng hợp lý làm cho chất lượng môi trường sống suy giảm. 

Đơn cử như tại Hà Nội vốn là thành phố nhiều cây xanh nhưng giờ đây tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số tăng nhanh chóng đã khiến tỷ lệ cây xanh đạt quá thấp (chỉ khoảng 2 m2/người, theo quy hoạch đến năm 2030, tỉ lệ cây xanh của Thủ đô Hà Nội mới được nâng lên thành 10-12 m2/người)…

Từ những phân tích về vai trò của cây xanh trong bảo vệ môi trường cũng như xa hơn là phát triển bền vững cho thấy trồng và bảo vệ rừng đang trở thành một trong những nhiệm vụ cấp thiết.

Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang phấn đấu tạo nền tảng để đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại hướng tới phát triển bền vững. Để thực hiện mục tiêu đó, trong những năm tới, tăng trưởng kinh tế nước ta sẽ đạt được ở mức cao hơn. Điều này cũng sẽ kéo theo một khối lượng lớn tài nguyên rừng được khai thác phục vụ công nghiệp chế biến, sản xuất và tiêu dùng. Do đó sẽ đặt ra những thách thức mới về các vấn đề trồng và bảo vệ rừng.

Chính vì vậy, thực hiện các dự án về trồng rừng, bảo vệ rừng, xây dựng vườn quốc gia, khu rừng cấm, trồng cây xanh, giữ gìn đa dạng sinh học. Phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái, từng bước nâng cao chất lượng rừng và bảo tồn các nguồn gen di truyền quý hiếm của rừng nước ta.

Quyết định số 524/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 1/4/2021 đã chỉ rõ, đến hết năm 2025, cả nước trồng được 1 tỷ cây xanh, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Anh Duy