1. Lễ kỉ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam được tổ chức lần đầu vào năm nào?

  • 20/11/1957
  • 20/11/1958
  • 20/11/1976
  • 20/11/1982
Chính xác

Ngày “Quốc tế hiến chương các nhà giáo” được xem là dịp nêu cao mục tiêu đấu tranh nhằm xây dựng nền giáo dục tiến bộ, chống áp bức, thể hiện trách nhiệm và quyền lợi của giáo giới. Lần đầu tiên ngày “Quốc tế hiến chương các nhà giáo” được tổ chức tại Việt Nam là vào năm 1958, ở miền Bắc.

Khi Việt Nam thống nhất, ngày này trở thành ngày truyền thống của ngành giáo dục Việt Nam. Vào ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định thiết lập ngày 20/11 hàng năm là ngày lễ mang tên “Ngày Nhà giáo Việt Nam”.

Ngày 20/11/1982, lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức trọng thể trên cả nước nhằm tôn vinh những người làm công tác giáo dục.

2. Trước khi ra đi tìm đường cứu nước Bác Hồ từng dạy học ở đâu?

  • Hà Nội
  • Phan Thiết
  • Huế
  • Sài Gòn
Chính xác

Trường Dục Thanh được xây dựng năm 1907 do ông Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quý Anh là hai người con của nhà thơ, nhà văn yêu nước Nguyễn Thông khởi xướng. Ngôi trường nằm ở làng Thành Đức (nay ở Phan Thiết, Bình Thuận) nhằm mục đích dạy cho con em người yêu nước và lao động nghèo theo nội dung yêu nước và tiến bộ.

Đây cũng là ngôi trường thầy giáo Nguyễn Tất Thành – thầy giáo trẻ nhất bấy giờ - dạy học vào năm 1910, khi Bác mới chỉ 20 tuổi. Tại đây, Bác dạy chữ Quốc ngữ, chữ Hán và cả thể dục thể thao... Đến năm 1911, Bác rời trường, ra nước ngoài tìm đường cứu nước.

3. Nhà giáo được tôn là tiên tri số 1 Việt Nam?

  • Nguyễn Đình Chiểu
  • Lê Quý Đôn
  • Nguyễn Bỉnh Khiêm
  • Nguyễn Khuyến
Chính xác

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491–1585), hiệu là Bạch Vân am cư sĩ, được các môn sinh tôn là Tuyết Giang phu tử. Ông là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam trong thế kỷ XVI.

Ông được biết đến nhiều vì tư cách đạo đức, tài thơ văn của một nhà giáo có tiếng thời kỳ Nam-Bắc triều (Lê-Mạc phân tranh) cũng như tài tiên tri các tiến triển của lịch sử Việt Nam. Ông để lại cho hậu thế 487 câu sấm ký gọi là “Sấm Trạng Trình” cách đây đã trên 500 năm. Lạ kỳ, không ít sự kiện lịch sử Việt Nam và thế giới đã xảy ra trong suốt 500 năm qua có không ít điều “ứng” vào các câu ghi trong “Sấm Trạng Trình".

Trong Sấm Ký, Trạng ghi rõ về những biến thiên trong lịch sử Việt Nam từ thời Hồng Bàng cho đến hôm nay. Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng được xem là người đầu tiên trong lịch sử nhắc đến hai chữ Việt Nam thông qua câu Sấm “Việt Nam khởi tổ gầy nên”. Tên nước lúc ông tiên tri là Đại Việt, 300 năm sau đổi thành Nam Việt và sau đó trở thành Việt Nam như hiện nay.

4. Khi nhắc đến nhà giáo Lê Quý Đôn, người ta thường nói: “Thiên hạ vô tri vấn ... Đôn”. Từ trong dấu “…” là gì?

  • Trạng
  • Bảng
  • Giáo
  • Thần
Chính xác

Lê Quý Đôn là nhà bác học nổi tiếng của Việt Nam thế kỉ XVIII. Sinh thời, ông từng được người đời ca tụng: “Thiên hạ vô tri vấn Bảng Đôn”, có nghĩa là mọi người trong thiên hạ ai không hiểu việc gì, muốn hỏi thì gặp Bảng nhãn Lê Quý Đôn.

Tác giả Văn Tân trong cuốn “Trí thức Việt Nam xưa và nay” đã nói: “Lê Quý Đôn là nhà bác học lớn nhất của nước Việt Nam thời phong kiến. Suốt đời ông  tỏ ra là một người đọc sách không biết mệt mỏi…”. Nhà sử học Phan Huy Chú viết: “Ông tư chất khác đời, thông minh hơn người mà giữ tính nết hiền hậu, lại chăm học không biết mỏi. Tuy đỗ đạt vinh hiển, tay vẫn không rời quyển sách”.

5. Câu thơ “Thà đui mà giữ đạo nhà/Còn hơn có mắt ông cha không thờ” là của nhà giáo nào?

  • Cao Bá Quát
  • Nguyễn Văn Siêu
  • Nguyễn Đình Chiểu
  • Phan Bội Châu
Chính xác

Nhà giáo, nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888) từng có bài thơ “Thà đui” nổi tiếng về tính triết lý nhân văn, trong đó có câu: “Thà đui mà giữ đạo nhà/ Còn hơn có mắt ông cha không thờ”.

Ông là người tài năng, đức độ, được GS Nguyễn Khắc Thuần ở Hội Nhà văn TP.HCM đánh giá: “Người mắt sáng dạy học đã khó nhưng người mắt mù dạy học thì còn khó vạn lần hơn thế. Vậy mà bằng tất cả ý chí, bằng tất cả thiện cảm với người đi học và quan trọng hơn bằng tất cả kinh nghiệm mà ông tích lũy trong quá trình tiếp xúc đó đây, Nguyễn Đình Chiểu đã sớm trở thành một nhà giáo tuy còn trẻ nhưng mà giàu uy tín.

Nhiều người đã gửi con tới cho Nguyễn Đình Chiểu dạy bảo bởi vì ông ấy dạy học nhưng mà đỗ tú tài cho nên dân Miền Nam lúc bấy giờ vẫn trìu mến gọi ông là Đồ Chiểu, cụ Đồ Chiểu, thầy Đồ Chiểu”.