Tổng thống vừa nhậm chức của Nga là Vladimir Putin không còn lạ gì tranh cãi và các thách thức. Tuy nhiên, câu hỏi là liệu một chính trị gia dày dạn như ông có thể nào tự điều chỉnh mình để thích nghi với bối cảnh chính trị đang thay đổi cả trong và ngoài nước.


Tổng thống Vladimir Putin

Cũng giống như hồi ông bắt đầu nhiệm kỳ năm 2000, Putin hiểu rằng ông đang bị hàng loạt kẻ thù vây quanh. Còn lần này, các nguy cơ không liên quan gì tới nhóm phiến quân ở Capcaz, hay là các tài phiệt đã bị Kremlin hạ bệ. Thực tế, vấn đề Cheznya chưa bao giờ khá hơn, còn kinh doanh tại Nga không còn nhiều rủi ro như trước.

Ngày nay, Mỹ và NATO đang thử thách lòng kiên nhẫn của Nga và giải pháp mang tính xây dựng cho lá chắn tên lửa phòng thủ trên các quốc gia thuộc khối Hiệp ước Va-xa-va cũ. Các nhà phân tích quân sự cho rằng hệ thống này có khả năng chôn vùi hệ thống tên lửa hạt nhân đánh chặn của Nga, và khiến Nga dễ dàng bị tấn công.

Điều quan trọng hơn trong thời gian trước mắt, đó là tình hình chính trị trong nước. Bất kể những gì Putin đã làm được cho nước Nga suốt hai nhiệm kỳ tổng thống trước đó, nhiều người dân cảm thấy tù túng với tính bộc trực của Putin. Nhưng những người cố gắng đặt sự ổn định ngang hàng với tính công bằng, họ đã quên mất rằng chính Putin là người đã thổi sức sống cho nền kinh tế Nga những năm gần đây. Và thực tế, nếu có ai đó biết cách vực dậy nền kinh tế Nga, thì đó chỉ là Putin.

Một số người lại cho rằng Putin chỉ nhờ Medvedev giữ chỗ trong suốt 4 năm qua cho tới khi ông có thể chính thức trở lại ghế Tổng thống. Nhưng thực tế lại phức tạp hơn nhiều. Bản thân ông Medvedev cũng là một chính trị gia thành công, với một loạt các sáng kiến về cải cách và mở cửa.

Ngày nay, tất cả các chính trị gia cùng với các thành viên trong gia đình họ phải báo cáo nguồn gốc tài sản cho các cơ quan thuế vụ. Còn cảnh sát thì phải báo cáo các sát hạch hàng năm. Nhờ có những nỗ lực này mà nạn tham nhũng hoành hành tại Nga cũng đang giảm dần. Và với việc lưu tâm hơn tới nguyện vọng dân chủ của người dân Nga, cũng như các thăm dò dư luận, Medvedev đã lui sang một bước để Putin trở lại cuộc đua Tổng thống. Chỉ riêng quyết định này thôi cũng chứng tỏ phẩm chất lãnh đạo của một cựu Tổng thống.

Trong cương lĩnh tranh cử của mình, Putin vạch ra một kế hoạch tham vọng để tái thiết lại các mặt trận xã hội, kinh tế và chính trị của Nga. Trong cả bản danh sách dài dằng dặc những việc cần làm, Putin nhấn mạnh vào việc nền kinh tế cần phải tạo ra “25 triệu việc làm mới, các công việc trả lương cao cho người dân có trình độ học vấn cao”, trong khi tăng lương cho các giáo viên, bác sĩ và các ngành nghề khác. Ông cũng dành nhiều thời lượng để nói về điều kiện dân chủ trong nước.

Với việc nền kinh tế toàn cầu đi xuống và làn sóng chống đối dâng cao, phe chính trị đối lập chắc chắn sẽ theo sát từng bước Tổng thống Putin thực hiện lời hứa tranh cử của mình như thế nào. Dựa trên tinh thần bi quan của người dân trên khắp thế giới, không riêng gì nước Nga, thì ông Putin có thể lường trước việc sẽ phải nghe thêm nhiều chỉ trích khi ông bước vào nhiệm kỳ Tổng thống thứ 3 này.

Thách thức quốc tế

Một lãnh đạo thực dụng và cứng rắn như Putin cũng sẽ buộc phải xem xét lại quan hệ Nga – Mỹ, hiện đang rơi vào căng thẳng do Washington muốn lắp đặt lá chắn phòng thủ tên lửa ở Đông Âu, chỉ cách biên giới Nga vài dặm.

Phía NATO và Mỹ không muốn cam kết giấy trắng mực đen với Nga về tính an toàn của hệ thống này, mà chỉ nói miệng rằng lá chắn này không nhằm vào Nga, và cũng không gây nguy hại cho họ.

Đối với Nga, hệ thống tên lửa phòng thủ này có “bản chất bất ổn”, và Nga sẽ phải cân nhắc đưa ra quyết định có tấn công phủ đầu các khu vực phòng thủ tên lửa của châu Âu hay không, trong “các tình huống xấu”.

Tất nhiên, lúc này cả Moscow và Washington đều không có ý định làm hỏng các nỗ lực ‘tái thiết’ giữa hai bên. Vẫn còn hy vọng cho đôi bên để hâm nóng lại quan hệ, đặc biệt là trong trường hợp Tổng thống Barack Obama có khả năng tái đắc cử nhiệm kỳ tới.

Và trong một vụ ‘lỡ lời’ quên tắt mic gần đây giữa ông Obama và ông Medvedev, ông Obama cũng nói rằng chính quyền của ông sẽ ‘cởi mở hơn’ về vấn đề tên lửa phòng thủ sau kỳ bầu cử vào tháng 11 tới.

Tuy nhiên, chỉ cần một bước ‘sảy chân’ trong quan hệ giữa Moscow và Washington chắc chắn sẽ làm thay đổi tính toán về địa chính trị khi Nga chờ đợi từ người đồng minh ‘tin cẩn’ của mình. Do đó, Putin đã có một ‘đại kế hoạch châu Á’ trong thời gian tới. Theo đó, ông sẽ củng cố quan hệ song phương với Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác.

Bất kể mọi việc sẽ theo chiều hướng nào, Putin sẽ có sự chuẩn bị trước cho mọi hành động của mình. Tất cả chỉ để chứng tỏ rằng: ông là người đàn ông thích hợp, xuất hiện đúng lúc nước Nga đối mặt với hàng loạt các thách thức nghiêm trọng.

Lê Thu (theo RT)