Ngay lúc này, hàng triệu người và tổ chức trên thế giới đang cùng hưởng ứng "Tháng Bảy không bao bì nhựa" (Plastic Free July) – một chiến dịch nhằm thúc đẩy các chính phủ, cộng đồng và doanh nghiệp hành động nhằm giảm thiểu rác thải nhựa.
Ngày nay túi nilon được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi, nhưng với nhu cầu và cách sử dụng tràn lan của con người, túi nilon đã và đang ảnh hưởng xấu đến môi trường đất, nước và đại dương.
Thực tế, sản lượng nhựa hằng năm, trong đó có túi nylon, đã tăng hơn gấp đôi trong 20 năm, lên 460 triệu tấn và đang trên đà tăng gấp 3 trong vòng 4 thập kỷ.
Lượng rác thải nhựa dự kiến sẽ tăng gấp đôi và ô nhiễm nhựa trong đại dương tăng gấp 4 lần vào năm 2040. Chỉ có 9% được tái chế và theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), "đóng góp" của nhựa vào hiện tượng nóng lên toàn cầu có thể tăng hơn gấp đôi vào năm 2060 - chiếm 3,4% lượng khí thải toàn cầu của năm 2019.
Tại các đô thị, lượng túi nylon được tiêu thụ khoảng 10,48-52,4 tấn/ngày, trong số này chỉ khoảng 17% được thường xuyên tái sử dụng.
Trước nguy cơ đó, năm 2009, Sáng kiến Thế giới không dùng túi nylon (Bag Free World) đã chính thức chọn ngày 3/7 hằng năm là Ngày Quốc tế không sử dụng túi nylon, với mục đích khuyến khích người tiêu dùng giảm sử dụng mặt hàng này, qua đó thúc đẩy các giải pháp thân thiện với môi trường trên toàn thế giới.
Sau 11 năm triển khai (khởi nguồn từ Australia, với 40 người), chiến dịch này hiện đã thu hút khoảng 140 triệu người từ 190 quốc gia trên thế giới.