Tối nay (11/9), trao đổi với VietNamNet, ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, Nghệ An cho biết, trên địa bàn xã Bảo Nam xuất hiện vết nứt cũ kéo rộng ra sau trận mưa lớn. Vị trí vết nứt sâu gần 1m, dài 20m, rộng hơn 20cm, trong vòng bán kính 50m không có dân cư sinh sống.

“Nhằm đảm bảo tính mạng, tài sản của người dân, ngay sau khi xuất hiện vết nứt, chính quyền địa phương đã di dời toàn bộ 52 hộ dân ở Nam Tiến 2, xã Bảo Nam đến ở tạm tại Trường mầm non Nam Tiến. Hiện đường xá đang bị sụt lún, chia cắt nên huyện Kỳ Sơn chưa thể tiếp cận. Vết nứt lan truyền trên mạng đó là ở chuồng nuôi dê, không phải nhà dân” - ông Rê thông tin.

Vết nứt xuất hiện trong chuồng dê - Ảnh: CTV
Vết nứt kéo dài khoảng 20m - Ảnh: CTV

Trước đó, năm 2018, bản Nam Tiến 2 đã xuất hiện 4 vết nứt lớn kéo dài, 11 hộ dân đã chủ động về nơi ở an toàn, nhưng còn 36 hộ không có điều kiện di dời vẫn phải bám trụ chờ đợi. 

Cùng ngày, UBND tỉnh Nghệ An ban hành công điện hỏa tốc yêu cầu ngành chức năng và các địa phương thực hiện ngay một số việc cấp bách nhằm chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.

Cụ thể, tập trung chỉ đạo rà soát các khu dân cư, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện để hỗ trợ người dân sơ tán ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực bị ngập sâu hoặc có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

Mưa lũ chia cắt, gây thiệt hại tài sản của nhân dân - Ảnh: CTV

Đồng thời, tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi mưa lũ, nhất là những hộ nghèo, khó khăn, gia đình có người bị nạn. Sử dụng lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất nông nghiệp sau lũ.

Một trong những nhiệm vụ cấp bách là theo dõi, cập nhật diễn biến mưa lũ; chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả. Quản lý chặt chẽ và hướng dẫn giao thông ở các bến đò; các tuyến đường giao thông, ngầm, tràn bị ngập, sạt lở, tiến hành cắm tiêu, cử người trực, gác, cấm đường, phân luồng, hướng dẫn giao thông đi lại…

Hướng dẫn người dân về kỹ năng bảo đảm an toàn, hạn chế rủi ro trong mưa lũ; nghiêm cấm người dân vớt củi, đánh bắt cá... trên sông, suối, hạ lưu hồ đập khi đang có mưa lũ để tránh thiệt hại về người.

UBND tỉnh giao Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm. Tổ chức cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu.