W-PS kinh tế biển (ảnh 1).jpg
Bờ biển của Nghệ An dài 82km bờ biển với diện tích vùng biển lên tới 761.000km2.

Nghệ An là một tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ có vùng biển lớn với nhiều loại thủy, hải sản phong phú, đa dạng, sản lượng khai thác lớn; dọc bờ biển Nghệ An có 3.500 ha diện tích mặt nước lợ sử dụng cho việc nuôi trồng thủy sản…, là tiềm năng và thế mạnh để Nghệ An đẩy mạnh phát triển kinh tế biển.

Việc phát triển kinh tế biển không những tạo động lực cho kinh tế Nghệ An phát triển mà còn góp phần củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. 

Bãi biển Cửa Lò.jpg
Du lịch và dịch vụ vùng ven biển là một trong những lĩnh vực tỉnh tập trung phát triển mạnh góp phần thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển.

Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 36 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành kế hoạch nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Với mục tiêu đến năm 2030, kinh tế của vùng ven biển của tỉnh chiếm khoảng 57-60% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) và bình quân tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 12,5-13,5%/năm, Nghệ An sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế biển và ven biển theo hướng chú trọng phát huy lợi thế của tỉnh với các địa phương khác. Trong đó, sẽ tập trung vào các lĩnh vực: Phát triển cơ cấu hạ tầng và công nghiệp ven biển; kinh tế biển và các ngành kinh tế biển mới; du lịch và dịch vụ vùng ven biển; và khai thác khoáng sản vùng ven biển.

W-biển Nghệ An.jpg
Nghệ An đưa ra mục tiêu, năm 2030, kinh tế vùng ven biển của tỉnh chiếm khoảng 57-60% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) và bình quân tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 12,5-13,5%/năm.

Tại cuộc họp thường kỳ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An vào đầu tháng 2/2023, ông Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, cho biết, để thúc đẩy kinh tế biển, tỉnh sẽ tập trung 4 thứ tự ưu tiên, đó là: Phát triển hạ tầng đồng bộ; thu hút đầu tư; phát triển du lịch ven biển; và phát triển nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản.

Theo đó, để đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng và công nghiệp ven biển, tỉnh kêu gọi thu hút đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối với các cảng biển nhằm mở rộng không gian biển. Tập trung ưu tiên việc hoàn thiện đồng bộ hạ tầng các công trình, dự án, như: Cảng biển nước sâu, Cảng Hàng không quốc tế Vinh, đường ven biển, đường kết nối Vinh - Cửa Lò, các đường trục ngang. Đồng thời, nâng cấp mở rộng các khu neo đậu, tránh, trú bão tại khu vực bến cảng đảm bảo điều kiện, nhu cầu cho các tàu của ngư dân và các tàu có công suất lớn, qua đó giải quyết tình trạng quá tải trong mùa mưa lũ.

W-dự án đường ven biển chạy qua thị xã Hoàng Mai (ảnh 2).jpg
Dự án Đường ven biển đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An nằm trong tổng thể quy hoạch đường bộ ven biển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ giúp tỉnh mở toang cánh cửa hướng ra biển; mở rộng không gian phát triển kinh tế biển trong tương lai.

Một trong số các dự án đang được tỉnh triển khai đồng bộ quyết liệt nhằm kết nối hướng ra biển, đó là dự án Đường ven biển của tỉnh nối từ thị xã Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hoá) đến thị xã Cửa Lò (Nghệ An) đang được tỉnh Nghệ An thi công. Tuyến đường ven biển đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An nằm trong tổng thể quy hoạch đường bộ ven biển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông của tỉnh, giảm lưu thông trên Quốc lộ 1A, mở toang cánh cửa hướng ra biển; mở rộng không gian phát triển cho công nghiệp du lịch, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản

W-dự án đường ven biển qua Quỳnh Lưu (ảnh 3).jpg
Hiện nay, tuyến đường ven biển đang được triển khai xây dựng qua 2 thị xã Hoàng Mai, Cửa Lò và các huyện: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc. 

Song song với việc đầu tư hạ tầng, Nghệ An cũng tập trung phát triển du lịch và dịch vụ vùng ven biển, phấn đấu đến năm 2030, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, trong đó có du lịch biển. 

Hiện nay, tỉnh đã đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch cho các địa bàn trọng điểm du lịch biển, hải đảo. Đồng thời, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, các khu du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao tại các vùng ven biển. 

Du lịch biển Cửa Lò (ảnh 4).jpg
Biển Cửa Lò, một trong những điểm đến nổi tiếng về du lịch biển của Nghệ An.

Với những bãi biển đẹp, cảnh quan hoang sơ, các bãi biển như: Cửa Lò, Bãi Lữ…, hiện nay nhiều khu du lịch mới đã được hình thành và được khách du lịch đón nhận như Diễn Thành, biển Quỳnh, đền Cờn… sẽ giúp Nghệ An thực hiện quyết tâm đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ và là điểm đến hấp dẫn của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. 

vỉa hè biển Cửa Lò.jpg
Vào cuối năm 2022, thị xã Cửa Lò đã hoàn thành việc tháo dỡ hơn 200 ki ốt dịch vụ ăn uống dọc bãi biển phía đông đường Bình Minh, tạo ra một không gian du lịch biển mới. 

Đối với lĩnh vực phát triển khai thác thủy sản, tỉnh sẽ tập trung phát triển các đội tàu khai thác hải sản xa bờ với các nghề chọn lọc, có giá trị kinh tế cao và thân thiện với môi trường. Khuyến khích các chủ tàu cá chuyển đổi các nghề khai thác ven bờ, vùng lộng chuyển đổi sang các nghề có giá trị kinh tế cao, thân thiện với môi trường. 

Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao vào ngành nuôi trồng thuỷ sản, một trong số đó là việc ban hành Đề án hỗ trợ phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên lòng hồ và lồng bè, nhằm từng bước chuyển dịch, cơ cấu lại ngành nghề thuỷ sản, giảm phụ thuốc vào khai thác.

Hiện Nghệ An là một trong những tỉnh có các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại vào nuôi tôm thâm canh. 

tàu neo đậu tại cảng cá Quỳnh Phương.jpg
Nghệ An hiện có số lượng tàu cá ước tính đạt 3.336 chiếc, trong đó tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên hoạt động dài ngày trên biển là 1.089 chiếc, chiếm 32,64%. 

Số liệu của Chi cục Thuỷ sản và Kiểm ngư cho biết, năm 2023, sản lượng thuỷ sản của Nghệ An đạt gần 278.000 tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khai thác hải sản đạt hơn 199.000 tấn; sản lượng nuôi trồng thuỷ sản đạt 63.000 tấn, tăng 6,14% so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị kinh tế của thuỷ sản ước đạt 5.000 tỷ đồng.

W-Chợ bến cá Ngư Thuỷ Cửa Lò (ảnh 6).jpg
Chợ hải sản Nghi Thuỷ (thị xã Cửa Lò) được coi là một trong những chợ hải sản lớn nhất Nghệ An.

Quý 1/2024, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh ước đạt 56.156,1 tấn. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản từ đầu năm 2024 đến nay đạt 18.595,5 ha, tăng 3,02 % so với cùng kỳ năm trước.

W-IMG_5262 nuôi trồng thuỷ sản.jpg
Nghệ An đang từng bước chuyển dịch, cơ cấu lại ngành nghề thuỷ sản, tăng nuôi trồng và giảm phụ thuốc vào khai thác.

Cùng với phát triển nghề cá, đến nay, Nghệ An đã có 4 cảng cá được Nhà nước đầu tư xây dựng, gồm cảng cá Quỳnh Phương, cảng cá Lạch Quèn, cảng cá Lạch Vạn và cảng cá Cửa Hội. Trong số các cảng cá này, có 3 cảng cá được công bố là cảng cá chỉ định, có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác. 

W-Cảng cá Quỳnh Phương.jpg
Cảng cá Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai) đã được đầu tư xây dựng và được trang bị đầy đủ các dịch vụ hậu cần nghề cá.

Theo quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt, toàn tỉnh được quy hoạch 5 khu neo đậu tránh, trú bão với tổng sức chứa cho tàu cá vào tránh trú bão là 3.100 chiếc; trong đó có 1 khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng và 4 khu neo đậu tránh trú bão cấp tỉnh. 

Đến nay, cả 5 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn tỉnh đều đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố đủ điều kiện hoạt động với tổng sức chứa đạt 2.000 tàu thuyền các loại, bằng 65% công suất neo đậu so với quy hoạch... 

W-làng nghề biển Tiến Thuỷ.jpg
Khu neo đậu tàu thuyền ở xã Tiến Thuỷ (huyện Quỳnh Lưu).

Với sự ưu tiên tập trung đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng và lợi thế của tỉnh sẽ giúp Nghệ An từng bước mở rộng không gian biển, phát triển mạnh về biển.

Bài, ảnh: Hải Yến