W-IMG_5408 cảng biển (used).jpg
Thừa Thiên Huế tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, phát triển đồng bộ hạ tầng cảng biển góp phần phát triển bền vững kinh tê biển. Ảnh: Hải Yến

Theo báo cáo của Thừa Thiên Huế về tình hình, định hướng quy hoạch và đầu tư phát triển cảng biển, tỉnh sẽ xây dựng khu bến Phong Điền đến năm 2030 có quy mô phát triển từ 8 – 12 cầu cảng với tổng chiều dài từ 1.250 - 2.620m, năng lực thông qua từ 6 - 11 triệu tấn.

Đối với khu bến Thuận An, đến năm 2030 vẫn giữ nguyên 2 cầu cảng và tổng chiều dài 185m, năng lực thông qua khoảng 1 triệu tấn; chiều dài luồng 5,3km.

Còn khu bến Chân Mây, về bến cảng container sẽ có quy mô phát triển từ 8 đến 10 cầu cảng với tổng chiều dài từ 2.431 - 3.231m, năng lực thông qua từ 16,1 - 23 triệu tấn và từ 324.100 -  345.000 lượt khách.

Với mục tiêu phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại ngang tầm với khu vực và thế giới, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung đầu tư, đưa vào khai thác nhiều công trình, dự án quan trọng, phát huy hiệu quả, có sức lan tỏa, phát triển liên vùng như: Dự án đê chắn sóng, 3 cầu cảng có chiều dài 910m và đê chắn sóng cảng Chân Mây dài 750m. 

Mới đây, dự án Đầu tư xây dựng bến tổng hợp - container số 4 và số 5 cảng Vsico Chân Mây cũng đã được khởi công. Dự án sẽ xây dựng 2 cầu cảng liên hoàn dài 540m, đảm bảo khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp đến 70.000 DWT, tàu container đến 4.000 TEU.

Với tiềm năng, lợi thế, hạ tầng sẵn có, sau khi xây dựng hoàn thành Bến số 4 và số 5 sẽ nâng tổng chiều dài các cầu cảng tại Chân Mây lên 1.450m; hoàn thành giai đoạn 2 dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây với chiều dài 750m sẽ đảm bảo các điều kiện để tiếp nhận đồng thời các loại tàu hàng, tàu container, tàu khách cỡ lớn và hiện đại trên thế giới, tăng thời gian khai thác tàu trong năm; tạo động lực và khí thế mới cho Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

Với mục tiêu đẩy mạnh xây dựng, phát triển đồng bộ hạ tầng cảng biển, trong thời gian qua, tỉnh đã tập trung nguồn lực để đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông đối nội, đối ngoại tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa lưu thông đến cảng Chân Mây.

Đồng thời, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án logistics tại khu vực KT1, KT2 cảng Chân Mây với quy mô khoảng 43,6ha và một số dự án hạ tầng kho bãi, logistics khác nhằm hoàn thiện hệ thống kho bãi, các công trình hạ tầng kỹ thuật liên quan phục vụ cho việc phát triển cảng Chân Mây theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của các hãng tàu, nhu cầu của doanh nghiệp.

Chính vì vậy, thời gian qua, công tác quản lý hạ tầng, vận tải, quy hoạch và đầu tư phát triển cảng biển của tỉnh được đánh giá đã có những chuyển biến tích cực. Theo đó, tỉnh đã có những định hướng nhằm phát triển các khu bến thuộc cảng biển Thừa Thiên Huế phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, khai thác tiềm năng và lợi thế sẵn có nhằm nâng cao năng lực hiệu quả khai thác các bến cảng, đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải, đáp ứng khai thác hiệu quả luồng tàu, vũng quay tàu, hiệu quả khai thác, kinh doanh của các chủ tàu, doanh nghiệp cảng.

PV