Hiện nay, tại tỉnh Nghệ An, số lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom hàng ngày đang ngày càng nhiều và chưa được phân loại tại nguồn; các hộ cá nhân còn để lẫn chất thải nguy hại và chất thải xây dựng cùng với chất thải rắn sinh hoạt. 

Mặt khác, nhiều hộ gia đình vẫn còn thói quen đổ rác bừa bãi ra vườn, ven đường giao thông, ao, hồ, sông, suối… dẫn đến lượng rác sinh hoạt thải ra môi trường ngày càng nhiều gây khó khăn cho công tác thu gom, xử lý, gây ô nhiễm môi trường.

anh 17s.jpg
Nhiều hộ gia đình vẫn còn thói quen đổ rác bừa bãi ra đường gây khó khăn cho việc thu gom, xử lý.

Qua thống kê của ngành chức năng tỉnh Nghệ An cho thấy, hiện lượng chất thải rắn sinh hoạt trên toàn tỉnh này phát sinh khoảng 1.741,78 tấn/ngày. Riêng ở khu vực đô thị có trên 1.000 tấn/ngày và khu vực nông thôn trên 700 tấn/ngày.

Với số lượng rác thải sinh hoạt “khủng” như vậy hiện địa phương mới chỉ thu gom được khoảng hơn 1.400 tấn/ngày, đạt 81% so với thực tế đặt ra. Đây cũng là vấn đề khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày một gia tăng do lượng rác thải không thể thu gom, đưa đi xử lý tập trung một cách triệt để. Thậm chí, nhiều nơi còn xử lý tạm theo kiểu chôn lấp bằng phương pháp thủ công khiến nguy cơ ô nhiễm gia tăng, để lại nhiều hệ luỵ xấu cho môi trường sống.

Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 15 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã được đầu tư xây dựng và đang hoạt động. Trong đó, 9 khu xử lý chất thải rắn được xây dựng theo đúng quy hoạch; 4 khu xử lý đầu tư xây dựng chưa đồng bộ, sử dụng phương pháp chôn lấp/bán chôn lấp hoặc đốt tự phát; 2 khu xử lý chất thải rắn được xây dựng theo quy hoạch nông thôn mới. 

Bên cạnh đó, hiện đang có 2 dự án được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đầu tư mới. Song, con số này chưa đáp ứng đủ nhu cầu thu gom, xử lý hàng ngày lượng rác thải sinh hoạt thải ra môi trường, nhất là khu vực nông thôn.

Để khắc phục vấn đề này, mới đây UBND tỉnh Nghệ An đã có Công văn giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng và các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát, tổ chức thực hiện các nội dung theo hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường đối với nội dung quy hoạch các khu xử lý chất thải.

Theo đó, tại Công văn số 1617/BTNMT-KSONMT về việc thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường đối với nội dung quy hoạch các khu xử lý chất thải, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, đánh giá các cơ sở xử lý chất thải nguy hại hiện đang hoạt động theo quy định của pháp luật trên địa bàn để đưa vào trong nội dung quy hoạch tỉnh.

UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chức năng trong quá trình xây dựng quy hoạch tỉnh có phân tích, đánh giá cụ thể về các cơ sở, khu xử lý chất thải hiện có trên địa bàn và xác định phương án phát triển các cơ sở, khu xử lý chất thải tập trung phù hợp. 

Đối với quy hoạch các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, phải bảo đảm thực hiện yêu cầu giảm dần tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp. Đồng thời, đưa ra các quy định về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với yêu cầu phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn địa phương.

Bên cạnh việc rà soát các khu xử lý chất thải, trong thời gian tới, tỉnh Nghệ An cũng sẽ tổ chức tốt việc kiểm soát nguồn ô nhiễm, quản lý các nguồn thải, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường. 

Trong đó, quan tâm xây dựng kế hoạch tổng thể nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; có phương án xử lý rác thải xây dựng; hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại đô thị, khu dân cư, cụm dân cư nông thôn, các cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề, cụm công nghiệp, cơ sở khám chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

Đồng thời, tập trung xử lý dứt điểm các điểm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật; giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tồn đọng kéo dài như tại bãi rác Đông Vinh, Bệnh viện Ung bướu (cơ sở 1) và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường khác…

Diệu Thúy và nhóm PV, BTV