Sau 2 năm thực hiện Quyết định 149 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030, Kế hoạch hành động số 569 của UBND tỉnh về thực hiện các nội dung về chiến lược tài chính toàn diện, Nghệ An đã lồng ghép các mục tiêu vào các chương trình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và hằng năm của tỉnh. Đồng thời lồng ghép vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Về việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh, đến nay, hạ tầng dịch vụ ngân hàng đã phát triển đầy đủ, rộng khắp các địa phương, tạo điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng đến các tổ chức, cá nhân. Trong đó, có một số chỉ tiêu đạt và vượt so với toàn quốc như: Tỷ lệ xã/thị trấn có điểm cung ứng dịch vụ tài chính/Tổng số xã, thị trấn trên địa bàn đến hết năm 2021 là 33,41% (Tỷ lệ này của cả nước là 32,13%); Tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản giao dịch ngân hàng đến 30/6/2022 là 75% (trong khi tỷ lệ này toàn quốc là 68,44%); Tỷ lệ dư nợ tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn là 45% (cả nước là 25%)…

Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 2,13 triệu thẻ ngân hàng lưu hành, 2.643 đơn vị trả lương qua tài khoản; 87% tổng số tiền thanh toán tiền điện qua ngân hàng; 47,6% tổng số tiền thanh toán tiền nước qua ngân hàng; 87% cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán qua ngân hàng; có 40,3% số cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị đã chấp nhận thanh toán học phí qua ngân hàng…

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 5 chi nhánh của tổ chức tài chính vi mô TYM; 1 chương trình tài chính vi mô VietED; hoạt động của tài chính vi mô của Quỹ hỗ trợ thanh niên lập nghiệp. Hoạt động của các tổ chức, chương trình này đã góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh.

Việc tuyên truyền, giáo dục về tài chính toàn diện được quan tâm, chú trọng; Minh bạch hoá cơ cấu phí và các loại phí dịch vụ đối với người tiêu dùng tài chính; các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng tài chính.

Tại cuộc họp, Nghệ An đã kiến nghị, đề xuất một số vấn đề: Đề nghị ngành ngân hàng cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện về chiến lược chuyển đổi số quốc gia; Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư để thúc đẩy và phát triển tài chính toàn diện; Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với ngân hàng và các bộ, ngành liên quan nhằm tích hợp dữ liệu công dân với căn cước công dân và tài khoản ngân hàng để người dân tiện sử dụng.

Thảo Hiền, Hà Sơn, Quốc Tiến, Bích Hạnh, Anh Dũng