Nghệ An có hơn 80km bờ biển, ngư trường hơn 76.000km2. Hàng năm, đánh bắt thủy hải sản mang lại việc làm lao động cho hơn 16 nghìn lao động và hơn 25 nghìn người lao động trên bờ liên quan tới nghề cá. Tuy nhiên, tàu khai thác cá khu vực Nghệ An đều là tàu khai thác gần bờ. Khi thực hiện các quy định về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) nhiều tàu cá tại Nghệ An đã bị xử phạt. Hoạt động khai thác hải sản không còn hiệu quả nên nhiều lao động đi biển đã lên bờ chuyển đổi sang nghề khác.

Tại xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu, Nghệ An trước đâu có khoảng 250 tàu đi biển và 1000 lao động đi biển thì hiện nay số người đi biển đã giảm một nửa. Cả xã chỉ còn 131 tàu đi biển và khoảng 500 lao động. Số còn lại mọi người chuyển đổi nghề, đi xuất khẩu lao động.

Tương tự xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, trước đây toàn xã có khoảng 90 tàu nghề vây hải sản nhưng hiện tại chỉ còn 40 tàu với 800 lao động. Số lao động nghỉ đi biển đi xuất khẩu lao động hoặc đi tàu vận tải. Mặc dù chuyển đổi nghề, một số người sẽ có thu nhập thấp hơn đi biển nhưng với họ yên tâm, công việc bền vững hơn đi đánh bắt cá.

nghe an.png
Nghệ An chuyển đổi nghề cho lao động đi biển lên bờ. 

Tại Nghệ An, số lao động khai thác đánh bắt gần bờ, vùng lộng đã chuyển đổi nghề sang đi xuất khẩu lao động hoặc tìm công việc khác. Những công việc hậu cần nghề cá như chế biến hải sản, chượp nước mắm cũng thu hẹp dần. Nghề khai thác và làm công việc liên quan tới đánh bắt hải sản đang ở giai đoạn khó khăn. Lao động đi biển đã lên bờ hơn 1 nửa, nhu cầu việc làm của người dân rất lớn.

Từ mười năm nay, Nghệ An đã hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề, xóa nghề đánh bắt tận diệt thủy sản ven bờ nhưng do nguồn lực hỗ trợ còn ít và nhiều vướng mắc nên ngư dân không tiếp cận được. 

Thực hiện các quy định về Luật Thủy sản năm 2017, thực hiện “gỡ thẻ vàng” IUU, tỉnh Nghệ An đã có nhiều giải pháp phát triển thủy sản bền vững. Thực hiện Quyết định số 208 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch 914 vào tháng 11/2023 để triển khai các hoạt động trên tỉnh. 

Theo đó, từ nay đến năm 2025, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển thủy sản,đảm bảo thống nhất từ cấp tỉnh – huyện – xã; Tập huấn và tuyên truyền cho ngư dân phát huy vai trò của Tổ đồng quản lý, cộng đồng dân cư trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Đánh giá trữ lượng thủy sản vùng ven bờ và vùng lộng.

Đến hết năm 2025, cắt giảm 184 tàu cá đang hoạt động,còn lại 3.209 chiếc trong đó cắt giảm vùng khơi 40 chiếc, vùng ven bờ và vùng lộng 144 chiếc; Chuyển đổi nghề khai thác khảo sát các mô hình chuyển đổi lưới kéo sang câu, rê có tính chọn lọc cao, phù hợp với phát triển thực tế tại địa phương. 

Đến năm 2030 ngoài cắt giảm tàu đang hoạt động, Nghệ An cũng tập trung chuyển đổi nghề, tập huấn cho 3.000 ngư dân có tàu cá chuyển đổi nghề phù hợp. 

UBND tỉnh cũng đã đưa ra các giải pháp thực hiện nghiêm việc quản lý hạn ngạch khai thác theo nghề, kiểm soát tốt hoạt động thống kê sản lượng lên bến và hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành thủy sản đảm bảo đồng bộ với kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh. Tăng cường phối hợp giữa các lực lượng Kiểm ngư, Công an, Bộ đội Biên phòng, UBND cấp huyện, cấp xã, các đơn vị liên quan và các cơ quan truyền thông.

Nguồn kinh phí thực hiện kế hoạch bao gồm ngân sách nhà nước bố trí theo phân cấp quản lý, lồng ghép các chính sách,chương trình, đề án,dự án đầu tư công từ nay tới năm 2030. Ngoài ra, nguồn kinh phí huy động từ các nguồn xã hội hóa khác. 

Thanh Nga và nhóm PV, BTV