Từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra một số ổ dịch cúm gia cầm, gây thiệt hại đến ngành chăn nuôi. Nguyên nhân chủ yếu do đàn vật nuôi chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh.
Tại Nghệ An, chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ chiếm 85%. Vì vậy, công tác tiêm phòng vắcxin cho đàn vật nuôi gặp không ít khó khăn.
Đảm bảo đàn gia cầm được tiêm đúng, tiêm đủ vắc-xin. |
Tiêm phòng vắc xin là giải pháp hiệu quả giúp ngăn chặn và khống chế dịch cúm gia cầm. Thời gian qua, với sự nỗ lực, quyết tâm của chính quyền các cấp, các ngành liên quan, công tác tiêm phòng đã đạt được kết quả tích cực.
Ngành chuyên môn luôn chủ động tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm chấp hành công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm. Chủ động theo dõi lịch tiêm phòng của các thôn, xóm để hỗ trợ tiêm phòng bảo đảm cho đàn gia cầm được tiêm đúng, tiêm đủ vắc xin theo quy định.
Chi cục Thú y và chăn nuôi Nghệ An cùng các địa phương đang tập trung cho công tác tiêm phòng vụ thu đông năm 2021 nhằm đảm bảo an toàn cho đàn gia cầm, góp phần ổn định ngành chăn nuôi của tỉnh nói chung và phục vụ thực phẩm cho người dân trong các tháng cuối năm.
Thời gian tiêm theo kế hoạch chung của tỉnh từ ngày 15/9 - 15/10/2021. Ngoài đợt tiêm phòng chính, sẽ tổ chức tiêm bổ sung cho gia cầm chưa được tiêm, nuôi mới hoặc hết thời gian miễn dịch.
Chi cục Thú y và chăn nuôi đã chuẩn bị đầy đủ các loại vắc xin phục vụ tiêm phòng; Chi cục cũng đã ban hành văn bản về việc tập trung chỉ đạo công tác tiêm phòng, trong đó yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã đăng ký vắc xin tiêm phòng về Chi cục trước ngày 20/8/2021 song đến nay số lượng đăng ký vắc xin của các huyện, thị, thành rất thấp. Do đó, các địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa; chủ động các giải pháp để triển khai tiêm phòng đạt kết quả cao.
Đối với các địa phương được Nhà nước hỗ trợ vắc xin, trường hợp số lượng các loại vắc xin hỗ trợ không đủ, UBND huyện, thị, thành cần chủ động bố trí kinh phí hoặc chỉ đạo người chăn nuôi mua thêm vắc xin để tiêm phòng đạt tỷ lệ bảo hộ.
Bích Hạnh