Với thủ đoạn giả danh người của cơ quan pháp luật, các đối tượng gọi vào số điện thoại bàn, vu cho chủ thuê bao có liên quan đến một đường dây tội phạm mà hắn đang điều tra. 3 nạn nhân mới nhất sập bẫy trò lừa đảo này xảy ra ở Nam Định, với số tiền bị lừa gần 800 triệu đồng.

Nạn nhân gần đây nhất của mánh khóe lừa chuyển tiền qua điện thoại này là bà N.T.N, trú tại phường Văn Miếu, TP Nam Định. Theo trình báo của bà N.T.N, khoảng 8h sáng ngày 4-4-2016, có người xưng là nhân viên bưu điện điện thoại đến số điện thoại bàn nhà bà N thông báo số tiền điện thoại nhà bà là 8,93 triệu đồng và yêu cầu phải thanh toán ngay nếu không sẽ xóa số điện thoại.

“Nhân viên bưu điện” này còn cho bà N biết có một người trú tại phường Hải Yên, TP Móng Cái đã lấy được chứng minh thư của bà và sử dụng để mở một tài khoản ngân hàng. Người này vừa bị công an bắt và khai cùng bà N thực hiện hoạt động rửa tiền.

Sau đó “nhân viên bưu điện” hướng dẫn bà N gọi điện thoại cho một "cán bộ công an", một "cán bộ VKSND" tỉnh Quảng Ninh để được minh oan không liên quan đến hành vi rửa tiền!?.

{keywords}

Công an TP Nam Định kiểm tra tang vật thu giữ của các đối tượng lừa chuyển tiền qua điện thoại.

Theo hướng dẫn, bà N liền gọi điện cho vị “cán bộ công an và cán bộ VKSND Quảng Ninh” mà “nhân viên bưu điện” vừa cung cấp thì được bọn chúng yêu cầu gửi 468 triệu đồng tiền tiết kiệm của gia đình vào tài khoản của Lục Hữu Chiến tại ngân hàng Agribank Phục Hòa, Cao Bằng để khẳng định sự vô tội.

Bà N. liền khẳng định bản thân không làm gì phạm pháp và kiên quyết không chuyển tiền. Lập tức “vị cán bộ" liền đe dọa sẽ bắt tạm giam bà 2 tháng để điều tra. Nghe đến đây, bà N. hoảng loạn, sau đó ra ngân hàng chuyển 468 triệu đồng tiền tiết kiệm của gia đình vào tài khoản mang tên Lục Hữu Chiến với hứa hẹn của vị “cán bộ viện kiểm sát “nếu bà thực sự vô tội thì sẽ trả lại tiền cho bà trong vòng 24h”.

Chuyển tiền xong, bà N. mới bừng tỉnh, kiểm tra tài khoản thì biết toàn bộ số tiền đã bị rút hết. Cũng với thủ đoạn tương tự, tại thành phố Nam Định còn có một nam nạn nhân bị lừa 100 triệu đồng và một nam nạn nhân nữa ở huyện Xuân Trường bị lừa 160 triệu đồng.

Ngay khi tiếp nhận thông tin trình báo của bị hại, Ban giám đốc Công an tỉnh Nam Định đã chỉ đạo Đội Cảnh sát hình sự, Công an TP Nam Định khẩn trương thu thập thông tin, làm rõ chân tướng vụ việc để trấn an dư luận cũng như nâng cao cảnh giác cho người dân.

{keywords}

Một nạn nhân đến Công an tỉnh Nam Định trình báo.

Các đối tượng trong đường dây trú tại huyện Cao Bằng dần lộ dạng. Tuy nhiên, đây chỉ là những người dân bị các đối tượng lừa đảo hỏi mượn tài khoản ngân hàng làm khâu trung gian chuyển tiền. Họ cho biết, được một đối tượng người nước ngoài nhờ số tài khoản để chuyển tiền.

Khi có tiền, đối tượng người nước ngoài này sẽ điện thoại nhờ họ rút tiền, sau đó chuyển tiền vào một số tài khoản khác hoặc giao trực tiếp cho đối tượng. Mỗi lần chuyển tiền, họ được đối tượng trả công 1 triệu đồng. Hiện Công an tỉnh Nam Định đang khẩn trương truy tìm cũng như xác định chính xác danh tính của các đối tượng chủ mưu cầm đầu.

Cảnh giác để không bị "sập bẫy" đối tượng lừa đảo

Để giúp người dân chủ động phòng ngừa, không “mắc bẫy” các đối tượng lừa đảo qua điện thoại, Cơ quan công an khuyến cáo người dân cần thận trọng khi nhận điện thoại từ người lạ. Trường hợp có người tự xưng là công an thì người dân cần đề nghị trực tiếp liên hệ cùng công an địa phương gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập đến trụ sở làm việc, không làm việc qua điện thoại.

Người dân không cung cấp số điện thoại riêng, thông tin cá nhân, số chứng minh thư, thẻ tín dụng, số tài khoản cho bất kỳ ai khi chưa biết rõ họ là ai và sử dụng vào mục đích gì; không mua bán, cho mượn giấy chứng minh nhân dân và không đưa thông tin đời tư lên các trang mạng xã hội. Khi nhận được các cuộc gọi lạ, có dấu hiệu nghi vấn, người dân hãy thông báo ngay đến cơ quan công an; không nên tự giải quyết vì sẽ sập bẫy hành vi lừa đảo của tội phạm

(Theo CAND)