Khi sang đến Hà Nội, tôi lại gặp vẻ mặt lạnh lùng. Trước hết, lối vào nhà hành chính của sân bay đóng chặt, khiến chúng tôi phải đứng đợi ngoài mưa một lát.

Lời người dịch: Năm 2006, Terry Borton, TS giáo dục học (Đại học Harvard), nguyên Tổng biên tập Tạp chí The weekly Reader, lần đầu tiên tới Việt Nam và đã ghi lại những ấn tượng mới mẻ*. Người dịch được em gái ông, nhà văn Lady Borton chuyển cho bài viết này.

Sau gần 10 năm, hẳn rằng có những thực tế được đề cập trong bài viết ít nhiều không còn cập nhật. Song về tổng thể, đến nay, cái nhìn khách quan của một du khách phương xa thiết nghĩ vẫn sẽ hữu ích, đáng suy ngẫm với chúng ta. Từ lý do đó, người dịch lựa chọn chuyển ngữ bài viết, để chuyển đến độc giả VN như một góc nhìn tham chiếu.

Là một công dân Mỹ tới Việt Nam lần đầu, tôi đã từ Hà Nội đi thăm ngay các vùng quê miền Bắc. Đến đâu cũng vậy, cả thành thị lẫn nông thôn, tôi đều được đón tiếp nồng nhiệt. Tôi bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp miền quê, bởi người dân lao động cần cù, bởi tốc độ tăng trưởng chóng mặt của đất nước này. Đâu đâu tôi cũng gặp những nụ cười nồng hậu, những tấm lòng rộng mở.

Nhưng tôi xin được mạn phép bày tỏ với những người bạn mới ở Việt Nam của tôi, và với quý bạn đọc rằng, đối với các du khách, bộ mặt đang hướng ngoại Việt Nam lại khác xa với những gì mà người dân trong nước bày tỏ.

Vì vậy xin được mạo muội giải thích và đề xuất một số biện pháp làm cho những ấn tượng đầu tiên về Việt Nam tương thích với những gì tôi nghĩ thực sự là cốt cách của đất nước này. (Và, bởi vì chưa từng nhìn đất nước mình theo góc nhìn của một du khách lần đầu tới Hoa Kỳ, tôi nghĩ rằng những gì mình định góp ý với Việt Nam ở đây cũng có ích cho chính nước Mỹ).

***

Tiếp xúc đầu tiên của tôi với giới chức Việt Nam là tại một sứ quán, nơi tôi đến làm thị thực nhập cảnh. Phòng chờ hoàn toàn trống không, ngoại trừ một tấm bản đồ Việt Nam dùng để trang hoàng. Không có bất kỳ tranh ảnh, sách báo nào được trưng bày. Lặng ngắt, không nhạc điệu, bài ca.

Làm sao đây để sứ quán Việt Nam lôi cuốn được mối quan tâm của du khách về đất nước, con người, về nền văn hoá Việt, mà không gây tốn kém? Nên chăng, treo lên tường những tấm ảnh đẹp của những phóng viên ảnh rực rỡ tài năng của Việt Nam? Bày lên bàn những tập sách mỏng quảng bá về du lịch? Làm đầy thinh không bằng tiếng đàn bầu réo rắt phát đi từ máy ghi âm? Tóm lại, phòng đợi ở sứ quán cần trở thành một "cổng chào" thực thụ của Việt Nam.

(Còn nếu "xông xênh" hơn về kinh phí, có lẽ nên kiến tạo một phòng trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hoặc một góc bày đồ cổ như bảo tàng qui mô nhỏ. Thậm chí, có thể thuê hẳn một chuyên gia Việt Nam về kiến trúc nội thất, để làm cho mọi thứ thực sự "bắt mắt").

***

{keywords}
Sân bay Nội Bài, nơi đón tiếp rất nhiều du khách quốc tế. Ảnh: Ngọc Hà

Các nhân viên phòng lãnh sự hẳn là rất thạo việc, vì họ hoàn thành thủ tục cấp thị thực chỉ mất có một ngày. Nhưng rõ ràng đã không có ai nhắc nhở rằng, còn một phần chức trách nữa của họ, đó chính là làm sứ giả chào đón du khách của Việt Nam. Trông có vẻ ảm đạm và chán chường, các cán bộ sứ quán đã chưa bày tỏ được nụ cười rực sáng và tiếng chào vồn vã đậm chất Việt Nam.

Ở bên Mỹ, thành phố nào cũng có một siêu thị gọi là Wal-Mart. Công ty khổng lồ này còn nhiều điều để phê phán, chê bai. Tuy nhiên, hễ ai sang Hoa Kỳ và bước chân vào một siêu thị Wal-Mart, sẽ gặp ngay một nhân viên  "tiếp tân" tới chào mừng. Trên lưng áo đồng phục màu xanh của người tiếp tân Wal-Mart có dòng chữ lớn: "Tôi có thể giúp ích gì cho bạn?" (How May I Help You?). Nếu bạn cần đến họ, họ sẽ chỉ dẫn ngay, vô cùng ân cần. Các nhân viên này không nhất thiết đã là người thân thiện, bản tính ưa giúp đỡ, chẳng qua họ được huấn luyện kỹ càng để bày tỏ vẻ mặt hiếu khách, nồng nhiệt cho Wal-Mart.

***

Khi sang đến Hà Nội, tôi lại gặp vẻ mặt lạnh lùng. Trước hết, lối vào nhà hành chính của sân bay đóng chặt, khiến chúng tôi phải đứng đợi ngoài mưa một lát. Rồi một công an cửa khẩu mở cửa, nhưng dĩ nhiên, không với vẻ mặt của một  "tiếp tân". Phòng làm thủ tục nhập cảnh cũng khá là khô khan và trơ trụi, với một số công an cửa khẩu đứng ở các góc. Những cảnh tượng thế này diễn ra ở khá nhiều nơi trên thế giới. Có thể đây là liệu pháp tâm lý làm cho những kẻ "không được hoan nghênh" phải tự bộc lộ mình. Nhưng nó cũng khiến mọi người phải cảm thấy ớn lạnh.

Những tờ khai nhập cảnh không được phát khi chúng tôi còn ở trên máy bay, và không có ai tại cửa khẩu làm chức trách chỉ dẫn. Hành khách tự tìm đến các bàn bày đầy những tờ khai. Nhưng chúng đều được ghi bằng tiếng Việt, thứ tiếng tôi không biết đọc. Tôi lọ mọ từ bàn nọ sang bàn kia, lần mò đống tờ khai, nhưng than ôi, tất cả chúng đều được viết bằng tiếng Việt.

Thật may, khi còn ở trên máy bay tôi gặp một thiếu phụ Việt Nam tuyệt vời. Chị lại gần xem tôi làm ăn thế nào, và bắt đầu dịch cho tôi. Rồi chị dịch cho tất cả các hành khách nước ngoài. Nhờ có chị chúng tôi được vào Việt Nam một cách an toàn. Nhưng chúng tôi không mấy phấn khởi về khâu làm thủ tục nhập cảnh.

Giải quyết vấn đề này thì ai cũng biết là vừa dễ, vừa rẻ. In các tờ khai bằng vài thứ tiếng, như các nước khác vẫn làm. Ở đầu trang in thêm "Kính chào quý khách, Welcome, Bienvenue". Và luôn kiểm tra để các tờ khai tiếng Anh luôn có trên các bàn tại nơi làm thủ tục.

Trộm nghĩ, sao không thể có một bóng áo dài tha thướt làm tiếp tân tại phòng đợi nhỉ, với nụ cười Việt say đắm lòng người? Nếu khâu răn đe cần phải có tại cửa khẩu để phát giác các vị khách bất hảo, nên chăng, lồng các khuôn mặt "tiếp tân" vào đây?

***

Đường vào Hà Nội dấy lên trong lòng tôi một nỗi băn khoăn mới. Vì cố ngắm những cánh đồng lúa xanh rì, đan xen những ngôi nhà ba tầng mới xây cất đẹp đẽ, mà không được. Choán lấy tầm mắt tôi là những bảng biển quảng cáo đồ sộ, nghễu ngện đứng sóng đôi cạnh nhau, làm tôi chẳng thể thưởng ngoạn cảnh đồng quê của xứ sở được tới thăm.

Đập vào mắt là vô số sản phẩm ngoài nước được long trọng quảng cáo ở Việt Nam để làm căng hầu bao các công ty quốc tế. Tôi không chống lại đầu tư nước ngoài, vì nó giúp Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn so với việc chỉ xoay xở bằng nội lực. Nhưng Việt Nam rất giàu về vốn văn hoá dân tộc và di sản thiên nhiên, và đang phải quyết liệt tranh đấu để bảo vệ các giá trị này. Việc lối vào Hà Nội được che chắn bởi bức trường thành những tấm biển quảng cáo làm tôi tự vấn: liệu Việt Nam có cưng chiều các công ty nước ngoài hơn những đứa con mình? Phần quốc nội của nền kinh tế thể hiện ở đâu?

Rõ ràng không thể cấm đoán, hay tháo dỡ những bảng quảng cáo, bởi chưng ở bên Mỹ chúng cũng đứng đầy hai bên đường cao tốc. Nhưng nên chăng, cân nhắc kỹ về địa điểm và tương quan, sao cho việc quảng cáo phản ảnh được vị thế của các doanh nghiệp Việt Nam.

Phải chăng nhà nước nên hỗ trợ mạnh hơn việc DN Việt Nam quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình. Và có thể dùng ngay các bức ảnh sẵn có của Việt Nam Thông tấn xã hay Báo Ảnh Việt Nam để tạo dựng cho người nước ngoài hình ảnh đẹp về đất nước, con người, về tiềm năng nền kinh tế Việt Nam.

Thậm chí Việt Nam có thể dấn những bước đi mạnh dạn hơn. Khi Singapore giành được độc lập, quốc gia này còn nghèo hơn Việt Nam bây giờ. Nhưng quyết định ban đầu của nhà nước này là xây dựng một đại lộ có cảnh quan đẹp chạy từ sân bay về trung tâm đô thị này. Chính phủ Singapore muốn dùng con đường đặc biệt này làm cho mỗi du khách phải choáng ngợp bởi viễn cảnh mà quốc đảo này sẽ đạt tới.

Và quả thực như vậy, khi đến Singapore, điều đầu tiên tôi cảm nhận được chính là cái đại lộ diễm lệ này. Phải chăng Việt Nam cũng nên nghĩ tới một tiếp cận như vậy cho lối vào Thủ đô. Còn về lâu về dài, dự án này cần nhân rộng ra. Vì mỗi lần sang Singapore, tôi lại thấy dải xanh của thành phố được lan toả thêm. Nay quốc đảo này đã trở nên một công viên lớn, đầy bóng mát, với môi trường sinh thái được cải thiện.

***

Tôi nhận thấy khi đã ở Việt Nam, tôi được mời uống trà ở mọi nơi tôi tới, từ mái nhà tranh tới những gian đại hội sang trọng. Đây không giống như "nghi lễ thưởng trà" như ở Mỹ, trái lại, nó rất thân mật. Bạn được đón tiếp vồn vã, và còn được mời uống thêm café hay nước giải khát. Dân tộc nào cũng có thuần phong mỹ tục, nhưng tập quán tiếp khách này của người Việt vẫn thật là độc đáo.

Chẳng phải bởi con người bất cứ đâu cũng thấy rằng "tạo ấn tượng ban đầu" luôn rất quan trọng. Và nếu điều đó quan trọng với mỗi cá nhân, thì hẳn nhiên nó càng quan trọng đối với các quốc gia - đại diện cho hàng triệu cá nhân đó.

Vậy phải chăng đã đến lúc Việt Nam "pha trà đãi khách" ngay từ nơi quan khẩu?

Và phải chăng đã đến lúc thể diện của Việt Nam tại các sứ quán và sân bay lấy lại vẻ tươi tắn cởi mở, để đường đến Hà Nội lại đẹp như ngày nào.

Tác giả: Terry Borton - Người dịch: Lê Đỗ Huy

* Tên gốc bài viết của Terry Borton là "Vietnam: Warm Heart, Cold Official Face? - A Visitor's  First Impressions".