Ngày 27/2, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức hội thảo với chủ đề Văn hóa ứng xử của nghệ sĩ với công chúng nhằm tìm ra các giải pháp xây dựng hình ảnh đẹp của nghệ sĩ trong mắt công chúng.
NSND Bùi Thanh Trầm cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, cùng với tính “đa chiều đa diện” của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bên cạnh những điều kiện thuận lợi, không ít nghệ sĩ đang đứng trước thách thức trên con đường nghệ thuật để khẳng định vị thế, hình ảnh, uy tín trước công chúng.
“Thậm chí, một số nghệ sĩ có biểu hiện dao động về tư tưởng chính trị, có những hành vi lệch chuẩn trong giao tiếp, ứng xử; thiếu chuẩn mực trong lối sống”, NSND Bùi Thanh Trầm nói.
Nhà văn Nguyễn Hiếu cho rằng, nghệ sĩ là người của công chúng, là thần tượng của không ít người trẻ. Nhất cử nhất động, lời ăn, tiếng nói trong nghệ thuật và cả đời sống thường nhật đều được công chúng để ý, đánh giá và thậm chí làm theo. Vì vậy, ứng xử của họ trong đời sống tác động đến công chúng ở cả hai chiều tích cực và tiêu cực.
Ông lấy ví dụ: “NSND Hoàng Dũng được khán giả gọi là “bố Phan Quân” (vai diễn trong phim Người phán xử), nhắc nhiều những câu nói ấn tượng của ông trong phim. NSND Minh Hòa từng tâm sự, những trang phục bà mặc trong phim được khá nhiều người khán giả bắt chước mặc theo. Vì vậy, nghệ sĩ luôn ý thức để có hình ảnh, diện mạo chỉn chu, đẹp mắt trước công chúng”.
Nhà văn Nguyễn Hiếu buồn vì không ít nghệ sĩ ứng xử thiếu chuẩn mực ảnh hưởng không tốt đến khán giả, làm xấu đi hình ảnh của nghệ sĩ trong mắt công chúng.
Về việc nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, theo tiến sĩ, nhà lý luận, phê bình sân khấu Cao Ngọc, đây là hành vi vi phạm trách nhiệm của người nghệ sĩ với cộng đồng, lợi dụng sự tin tưởng, tình cảm của công chúng dành cho họ. Họ đã thiếu trách nhiệm, trục lợi bất chấp, gây ra những hậu quả như tổn hại sức khỏe, tinh thần, niềm tin, tiền bạc của công chúng. Những nghệ sĩ này đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức công dân, đạo đức nghề nghiệp, gây ra những lỗi lớn trong ứng xử văn hóa với số đông.
“Họ đã vi phạm quy tắc ứng xử có văn hóa vốn rất cần thiết của những gương mặt đại diện cho văn hóa, nghệ thuật nước nhà”, bà Cao Ngọc nhấn mạnh.
Chính vì vậy, bà Cao Ngọc đề nghị cần có chế tài nghiêm khắc và mạnh mẽ hơn để các nghệ sĩ thấu hiểu và có trách nhiệm trước các hành vi của mình.
Trong khi đó, đạo diễn Đường Minh Giang cho rằng: "Hai từ nghệ sĩ rất lớn lao, tự hào và đáng được trân trọng, nhưng nó dễ làm nghệ sĩ chúng ta ảo tưởng, nếu như chính nghệ sĩ không biết tôn trọng và bảo vệ thành quả nghệ thuật".
Bàn về những giải pháp nâng cao trách nhiệm xã hội đối với nghệ sĩ, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội NSND Trần Quốc Chiêm đề xuất nghệ sĩ cần ý thức sâu sắc về sứ mệnh, thiên chức nghệ thuật cao cả thiêng liêng đang đảm trách, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, nâng cao trình độ tay nghề, năng lực chuyên môn.
Cùng với đó, các bộ, ngành, cơ quan trực tiếp quản lý hoạt động sáng tạo nghệ thuật, các cấp hội văn học nghệ thuật ở Trung ương và địa phương cần làm tốt công tác giáo dục, định hướng tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trách nhiệm nghề nghiệp, ý thức công dân cho đội ngũ văn nghệ sĩ; phát hiện kịp thời những tư tưởng, hành vi lệch chuẩn, vi phạm thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội, chuẩn mực nghề nghiệp của một số nghệ sĩ để uốn nắn, chấn chỉnh và nghiêm khắc xử lý, tránh những hiện tượng, vụ việc đáng tiếc xảy ra.
Nghệ sĩ Ngọc Dương (Nhà hát Chèo Việt Nam) cho rằng, có nhiều cách để nghệ sĩ xây dựng hình ảnh đẹp, ghi lại dấu ấn trong lòng khán giả. Nghệ sĩ nên trau dồi nghề nghiệp, tận dụng không gian biểu diễn để sáng tạo những tác phẩm, vai diễn để công chúng yêu quý, nhớ đến.