Tác động trái chiều của yêu cầu thanh toán bằng đồng Ruble
Sau khi phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây, Tổng thống Nga Putin bắt đầu yêu cầu thanh toán bằng đồng Ruble trong các thương vụ khí đốt bán cho các quốc gia “không thân thiện” từ ngày 31-3.
Điều này một phần là sự khẳng định tầm quan trọng của nguồn cung cấp năng lượng của Nga cho các quốc gia khác và một phần là nỗ lực duy trì giá trị của đồng Ruble khi Nga phải đối mặt với một loạt lệnh trừng phạt kinh tế làm tổn hại tới tài sản của Nga và gây cản trở nghiêm trọng hoạt động ngoại thương của nước này. Sau hai tháng, biện pháp này đã được chứng minh là một công cụ hiệu quả tới mức nào và đồng ruble có thể nổi lên như một sự lựa chọn thay thế mạnh mẽ cho đồng USD hay đồng euro hay không?
Cho đến nay, biện pháp này đã có những tác động trái chiều, xét từ phản ứng của các nước phương Tây. Một số công ty hoặc quốc gia đã phải tuân theo các yêu cầu của Điện Kremlin. Theo đề xuất của Ủy ban châu Âu, các công ty dự kiến sẽ chuyển các khoản thanh toán của họ bằng đồng USD hoặc euro vào tài khoản ngân hàng ở Nga, sau đó số tiền này sẽ được chuyển sang đồng ruble. Các khoản thanh toán sẽ được hoàn tất sau khi ngoại tệ được gửi vào ngân hàng Nga, thay vì sau khi nó được chuyển đổi sang đồng ruble.
Do sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, một số quốc gia từng phản ứng rất gay gắt đối với các hành động của Nga đã phải đi theo con đường này. Ví dụ, Vương quốc Anh đã nhiều lần lên án “cuộc xâm lược” của Nga, một phần là do cuộc khủng hoảng kéo dài rất lâu trong quan hệ Anh-Nga. Tuy nhiên, bất chấp những lời lẽ hùng hồn từ London, Vương quốc Anh vẫn cho phép thanh toán khí đốt cho các ngân hàng Nga bị trừng phạt cho đến ngày 31-5.
Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng có lập trường thiếu dứt khoát như Vương quốc Anh, vì nhiều quốc gia châu Âu đã bắt đầu đi theo các lộ trình thay thế để giúp nhau bác bỏ các yêu cầu của Điện Kremlin. Tuần trước, Phần Lan đã mất đi nguồn cung cấp khí đốt chính của nước này sau khi từ chối thanh toán bằng đồng ruble, nhưng các nguồn cung khí đốt khác vẫn tiếp tục đến được Phần Lan qua đường ống từ Estonia.
Bulgaria và Ba Lan đã từ chối thanh toán bằng đồng ruble vào tháng 4, nhưng Hy Lạp hứa sẽ giúp Bulgaria. Điều này cho thấy tính hiệu quả của các động thái của Nga chỉ có giới hạn và chắc chắn tác động của các biện pháp đó sẽ suy giảm trong dài hạn khi các phản ứng phối hợp như vậy được triển khai nhiều hơn.
Sức mạnh của đồng Ruble
Vào đầu cuộc xung đột Ukraine, giá trị của đồng ruble đã lao dốc - từ khoảng 85 ruble đổi 1 euro hồi năm ngoái xuống còn 140 ruble đổi 1 euro. Tuy nhiên, nhờ có sự can thiệp của Ngân hàng Trung ương Nga, đồng ruble đã phục hồi lên mức 94,1 ruble đổi được 1 euro. Hiện đồng nội tệ của Nga đã tăng lên khoảng 60 ruble đổi 1 euro. Tương tự, vào ngày 9-3, cứ 1 USD đổi được 138 ruble, nhưng đến ngày 23-5 thì 1 USD đổi được xấp xỉ 60 ruble.
Trái với suy nghĩ của nhiều người, vào đầu tháng 5, đồng ruble của Nga đã được công nhận là đồng tiền hoạt động tốt nhất thế giới trong năm 2022, tăng 11% so với đồng USD. Theo dữ liệu do Bloomberg theo dõi, đồng ruble là đồng tiền tăng giá lớn nhất trong số 31 loại tiền tệ chính nhờ một loạt biện pháp kiểm soát vốn được áp dụng ở trong nước để hỗ trợ nền kinh tế và bù đắp cho các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chính giúp đồng Ruble phục hồi là do giá hàng hóa tăng vọt. Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24-2, giá dầu và khí đốt tự nhiên vốn đã cao còn tăng thêm nữa. Nga đang thu về gần 20 tỷ USD/ tháng từ xuất khẩu năng lượng. Kể từ cuối tháng 3, nhiều người mua nước ngoài đã tuân theo yêu cầu thanh toán năng lượng bằng đồng ruble, đẩy giá trị của đồng tiền này lên cao.
Đồng thời, các lệnh trừng phạt của phương Tây và làn sóng doanh nghiệp rời khỏi đất nước đã khiến nhập khẩu giảm. Vào tháng 4, thặng dư tài khoản của Nga - chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu - đã tăng lên mức kỷ lục 37 tỷ USD.
Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Nga cũng đã tìm cách nâng giá đồng ruble bằng các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt khiến việc chuyển đổi đồng ruble sang các loại tiền tệ khác trở nên khó khăn hơn. Các biện pháp đó bao gồm lệnh cấm người nước ngoài sở hữu cổ phiếu và trái phiếu của Nga nhận trả cổ tức ở bên ngoài Nga. Đây từng là một con đường quan trọng để dòng tiền chảy ra khỏi Nga nhưng hiện nay con đường này đã bị đóng lại.
Tất cả những lý do đó đã càng thúc đẩy nhu cầu về đồng ruble, giúp giá trị của đồng tiền này tăng cao hơn nữa. Sức mạnh này rõ ràng có tầm quan trọng mang tính biểu tượng, nhưng cũng có những hạn chế về mặt kinh tế, vì hầu như rất ít nhà đầu tư bên ngoài Nga có thể kiếm được lợi nhuận từ sự tăng giá của đồng ruble. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, đồng ruble đã chứng tỏ được giá trị của nó dựa trên các chỉ số này.
(Theo An Ninh Thế Giới)