- Thầy cô xa cách, cha mẹ thờ ơ hoặc quá chú trọng thành tích, môi trường học tập “thừa mà thiếu”, những áp lực, gánh nặng không biết chia sẻ cùng ai là điều khiến nhiều học sinh chán trường, ngán học...

Những tâm tư của học trò đặt ra tại buổi đối thoại mang tên “Tiếng nói của học sinh THPT TP.HCM lần 4-2012 diễn ra vào sáng 28/3. Gần 150 học sinh (HS) đã tham dự buổi đối thoại giữa lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM với học sinh THPT. 

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Thầy cô là nỗi ám ảnh

“Ở trường, những buổi sinh hoạt của giáo viên chủ nhiệm hiện đang trở thành nỗi ám ảnh của học trò. Hầu như trong các buổi sinh hoạt thầy cô chủ yếu là phê phán, chỉ trích học trò dù chỉ là những lỗi rất nhỏ mà không hề tìm hiểu kỹ nguyên nhân hay lắng nghe HS nói để tìm cách giúp đỡ, động viên các em”, Võ Nguyễn Năng Thức (Lớp 11B4, trường Nguyễn Văn Cừ) chia sẻ trong buổi đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo ngành giáo dục TP.HCM với hơn 200 đại diện từ các trường THPT.
Theo Thức, việc lơ là học tập của các bạn cũng có nhiều nguyên nhân khác nhau. Có khi vì nhà bạn có chuyện buồn hoặc cha mẹ ly hôn nên bạn không có tinh thần học tập. Thay vì chỉ có trách phạt, thầy cô nên tìm hiểu kỹ hơn để hiểu vì sao HS như vậy, các bạn đang buồn việc gì...

Nhiều học sinh cũng đồng tình với quan điểm trên. Các em cho rằng, chính sự vô tâm, thờ ơ của giáo viên đối với học sinh đã khiến thầy cô có nhiều hành động, lời nói gây tổn thương cho học trò của mình. Em Đàm Lê Quỳnh Giao, Trường THPT Trần Quang Khải phản ánh có trường hợp thầy cô dùng lời lẽ xúc phạm HS, lâu ngày khiến không ít bạn bị trầm cảm. Nếu không kịp thời giải tỏa, HS rất chán nản và có những hành động tiêu cực. Võ Thị Quỳnh Như, Trường THPT Lê Quý Đôn tha thiết mong muốn ở trường có những câu lạc bộ hoặc sinh hoạt chuyên đề về lòng yêu thương con người, bởi sự thờ ơ hiện nay của người lớn khiến các em khát khao được yêu thương, sẻ chia. Học sinh cần được bồi dưỡng về tâm hồn, tình yêu thương con người để thấy cuộc sống ngày càng có ý nghĩa hơn.

Cha mẹ chạy theo thành tích

Chuyện phụ huynh “chạy đua” theo thành tích, danh hiệu cũng được các em đưa ra trao đổi, thảo luận. Bên cạnh nỗi ám ảnh về thầy cô, các em còn bị áp lực bởi chính sự kỳ vọng thái quá của cha mẹ. Nhiều người không cần biết năng lực thực sự của con mà chỉ quan tâm tới điểm số, thành tích mà ép con học nhiều tới mức “bội thực” kiến thức.

Các em tha thiết mong người lớn quan tâm, chia sẻ nhiều hơn. (Ảnh SGGT)

Thanh Diệu (lớp 11 trường Nguyễn Hữu Huân, Thủ Đức) lo lắng : “Chúng em cũng bị áp lực từ cha mẹ, lúc nào cũng muốn con phải học giỏi nên bắt học thêm nhiều tới mức bị stress”, Diệu nói. Em đề nghị ngành giáo dục nên có những diễn đàn dành cho phụ huynh về vấn đề học tập của con cái.

Học sinh các trường chia sẻ, các em bị áp lực từ nhiều phía, trong gia đình bị áp lực từ cha mẹ, luôn đòi hỏi con phải học thêm nhiều thứ để theo kịp bạn bè, nhiều khi chỉ vì quá lo lắng về thành tích học của con mà quên đi con mình đang cần gì, các em khát khao được người lớn gần gũi, quan tâm, khuyến khích.

“Đến trường chúng em là cái máy photocopy”

“Một năm bắt đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ nhưng hiện nay việc học đã lấy đi hết thời gian của chúng em, chúng em được giáo dục như một chiếc máy photocopy, thiếu thời gian giải trí, thiếu kỹ năng sống…” - HS Nguyễn Huy Hiệp, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An bày tỏ.

HS Quốc Trí, Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa cho rằng chương trình học hiện nay quá nặng về lý thuyết, không có thời gian để thực hành, việc phân bổ chương trình học chưa phù hợp. Như ở môn Văn, có những bài học được phân ra làm 3 tiết nhưng thực tế phải học gấp đôi thời lượng mới chuyển tải được nội dung, hay ở môn Sử, sự trùng lặp nội dung giữa bậc THCS và THPT quá nhiều. Học Sử quan trọng là giúp HS hiểu được tinh thần lịch sử, trọng tâm của các sự kiện hơn là phải học từ những con số và sự kiện nhỏ như hiện nay. Chính vì học quá nhiều con số, chi tiết vụn vặt nên HS học nhiều nhưng chẳng nắm được bao nhiêu.

Nhiều ý kiến cho rằng, thực tế các môn học không phát huy được tính sáng tạo và giúp HS thể hiện khả năng của mình vì thiếu những câu lạc bộ, phòng thực hành để các em phát huy. Môn Giáo dục công dân quá khô khan, thiếu những câu chuyện thực tế. Môn tiếng Anh thiếu kỹ năng giao tiếp… Học quá nhiều môn học nhưng ít được ứng dụng trong cuộc sống khiến HS không xác định được mục đích của môn học.

Trong khi đó, với học sinh các kỹ năng sống luôn cần thiết và không bao giờ đủ nhưng nhiều thầy cô chưa chú trọng lồng ghép những nội dung này trong giờ học. Làm thế nào để chúng em được trang bị đầy đủ những kỹ năng đó trước khi vào đời?” - là câu hỏi nhiều học sinh thắc mắc.

Giám đốc sở GD-ĐT Lê Hồng Sơn cho biết, đối thoại giữa lãnh đạo ngành giáo dục với học sinh THPT TP.HCM được tổ chức liên tục mỗi năm một lần từ 2009 đến nay. Sở sẽ lắng nghe tất cả các ý kiến của các em, sàng lọc một cách hợp lý để từ đó có hướng chỉ đạo hay đề ra quyết sách cho ngành sát với thực tiễn. Việc đối thoại này cần được làm thường xuyên hơn ở cấp nhà trường, giữa học sinh với ban giám hiệu, hiệu trưởng ít nhất là từng quý hay từng học kỳ.

  • Thu Thảo (tổng hợp từ báo SGGP, SGTT)