Jamie Lin, doanh nhân 37 tuổi người Đài Loan, người đang điều hành quỹ appWorks trị giá 11 triệu USD chuyên đầu tư cho các công ty khởi nghiệp tại Đài Loan, đã có buổi nói chuyện tại Diễn đàn công nghệ số Việt Nam – Đài Loan hôm 7/7/2015 tại TP.HCM.

Theo ông Jamie, appWorks đang điều hành một “trường” huấn luyện những người khởi nghiệp, đào tạo gần 250 nhóm khởi nghiệp trong 5 năm qua, trị giá của những công ty khởi nghiệp này khoảng 484 triệu USD. appWorks tổ chức mỗi khóa học (batch) khoảng 6 tháng, lấy 25 học viên, mỗi học viên được các huấn luyện viên (mentor) - là những doanh nhân đã thành đạt – giúp đỡ suốt quá trình học. Trong buổi “lễ tốt nghiệp” (demo day), các startup sẽ trình bày ý tưởng của mình trước các nhà đầu tư để có cơ hội tìm vốn khởi sự kinh doanh. Theo Jamie, các trường dạy khởi nghiệp dạng này đã được triển khai tại Mỹ, với các công ty lớn như Y-Combinator (tổng giá trị các công ty khởi nghiệp từng “tốt nghiệp” trường này là 30 tỷ USD), TechStars (42 tỷ USD), 500Startups (hơn 1 tỷ USD). Jamie đã có cuộc trao đổi ngắn với PV ICTnews.

Ông đến Việt Nam lần này để mở trường dạy khởi nghiệp?

Thực ra hôm nay tôi đến để tìm hiểu về sự phát triển kinh tế ở đây; về internet và thương mại điện tử. Tôi cũng tìm hiểu về những người đang khởi nghiệp xem họ có cần giúp đỡ gì không. Tôi thực sự vẫn chưa có ý định làm gì tại đây. Tôi đang tìm kiếm các vấn đề trước khi đưa ra giải pháp.

Vậy ông đã biết được gì về Việt Nam?

Tôi nghĩ Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của phát triển internet và thương mại điện tử. Mặc dù có tốc độ phát triển rất nhanh nhưng cơ sở hạ tầng và các hệ sinh thái vẫn chưa phát triển mạnh như Trung Quốc hay Mỹ chẳng hạn. Tôi cũng mới chỉ nói chuyện với một vài công ty khởi nghiệp nên muốn sẽ gặp tiếp nhiều công ty nữa để xem họ có gặp khó khăn gì và tôi có thể giúp gì không.

Ông thấy có sự tương đồng nào giữa người Việt và người Đài Loan không?

Tôi có nhiều bạn Việt Nam khi còn học ở Mỹ. Tôi nghĩ Việt Nam và Đài Loan bị ảnh hưởng mạnh bởi văn hóa Trung Quốc. Chúng ta khiêm tốn, nhã nhặn, nghĩ nhiều về người khác thay vì đặt mình là trung tâm. Những người bạn Việt tôi biết ở Mỹ là kỹ sư, họ giỏi tìm ra vấn đề và giải quyết vấn đề, rất giống với các bạn Đài Loan của tôi. Tôi nghĩ có nhiều điểm tương đồng giữa người Việt và người Đài Loan do vấn đề ảnh hưởng văn hóa của chúng ta.

Theo ông, văn hóa hay nghĩ cho người khác là điểm mạnh hay điểm yếu khi kinh doanh?

Tôi nghĩ đó là điểm mạnh, vì nếu mọi người chỉ nghĩ cho mình thì rất khó để chúng ta phát triển cùng nhau. Nếu mọi người đều nghĩ cho người khác thì niềm tin sẽ tăng lên, dễ dàng cùng nhau làm việc hơn là mất thời gian tự bảo vệ bản thân. Tôi hoàn toàn cho rằng đó là điểm mạnh trong xã hội ngày nay.

Ông có nói rằng mỗi học viên khởi nghiệp tại appWorks có một huấn luyện viên kèm cặp?

Mỗi học kỳ chúng tôi tập trung 6 tháng và chọn ra 25 học viên. Mỗi học viên được hướng dẫn bởi 3-4 mentor, là những doanh nhân đã từng qua khởi nghiệp, nên tổng cộng sẽ có khoảng 75-80 mentor tham gia. Các mentor này sẽ giúp đỡ học viên trong quá trình học tập, theo sát các dự án của học viên, và mentor nào có hứng thú với dự án của học viên thì có thể dành nhiều thời gian hơn cho học viên đó. Tất cả những mentor này dành cho học viên khoảng 2 giờ mỗi tuần hoặc mỗi tháng, và họ không lấy tiền.

Những người độ tuổi nào thường tham gia học khởi nghiệp?

Thường trên dưới 31 tuổi, khi họ đã đi làm vài năm và muốn khởi sự một công ty riêng, và họ muốn tìm kiếm một môi trường đào tạo “nghề” khởi nghiệp.

Theo ông, độ tuổi nào người ta thường khởi nghiệp và thành công?

Có hai mốc mà người ta hay khởi nghiệp. Đó là quãng 20-30 tuổi. Khi đó họ còn trẻ, thích phiêu lưu, chưa chịu những gánh nặng tài chính về gia đình, con cái. Mốc thứ hai là khoảng 40 tuổi, khi đó họ đã có gia đình ổn định, có vốn và các mối quan hệ để khởi sự kinh doanh.

Đào tạo doanh nhân, những người được cho là mạnh mẽ, táo bạo, thì điều gì là khó nhất?

Doanh nhân thường có máu nghệ sĩ, vì nếu họ lý trí quá thì đã đi làm thuê ổn định ở các công ty. Mở một công ty tỷ lệ thàn công chỉ khoảng 2-3%, như vậy bạn có đến hơn 95% nguy cơ trắng tay. Việc này như mua xổ số, những người đầu óc thực tế hiếm khi mua, do đó những người mua xổ số là những người mơ mộng, lãng mạn. Vì vậy để huấn luyện những người mơ mộng đó về thực tế cuộc sống là phần khó nhất.

Theo ông, yếu tố nào làm nên một doanh nhân thành công?

Quan trọng nhất là động lực. Động lực để làm việc nhiều hơn nữa, thành công nhiều hơn nữa nếu không sẽ bị đối thủ vượt qua. Những người thành công luôn có một động lực để thức dậy mỗi sáng, làm việc cật lực cả ngày bất kể họ đang thành công như thế nào. Như vậy điều gì đã tạo ra động lực đó? Có lẽ là do những biến cố trong cuộc sống, ví dụ một người sinh ra trong gia đình nghèo khó, từ nhỏ bị cười chê bởi hàng xóm hoặc người thân. Những thứ kiểu như vậy sẽ làm cho họ có động lực để tiến lên, thể hiện mình. Dù thành công thế nào họ vẫn cho rằng chưa thể hiện đủ. Vì thế chúng tôi tìm những người có quá khứ kiểu như thế để hướng dẫn họ con đường thành công. Đây là yếu tố quan trọng nhất khi chúng tôi tìm kiếm startup.

Vậy ông có từng trải qua những giai đoạn khó khăn như thế?

Tôi thì không nhưng cũng gần như thế. Cả nhà tôi đều làm bác sĩ, chỉ mình tôi chọn kinh doanh. Và vì thế tôi phải luôn chứng minh là mình đã đi đúng con đường. Tôi luôn sợ khi thất bại thì mọi người sẽ nói: Đấy, đã cảnh báo nên làm bác sĩ chứ đừng làm kinh doanh mà không nghe! Đó chính là động lực của tôi.

Xin cảm ơn ông.