- “Đưa con đi học thêm, tôi tiện ghé phòng khám lấy kết quả xét nghiệm. Kết luận bị ung thư, khi ấy tôi lao ra đường đứng khóc, định lao đầu vào xe tải…”, Đó là những chia sẻ xé lòng của chị Đào Thị Huyền, một bệnh nhân ung thư vú tại TP.HCM.
Thói quen ăn uống có hại dễ dẫn đến bệnh ung thư vú
Phải sống vì những người thân yêu
Sáng 9/5, Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư của Bộ Y tế đã kết hợp với Hội ung thư Việt Nam và Bệnh viện Ung bướu TP.HCM tổ chức một diễn đàn Người bệnh ung thư vú.
Tại diễn đàn này, lần đầu tiên các phụ nữ bị ung thư vú được gặp gỡ, chia sẻ những khó khăn, kinh nghiệm chống chọi bệnh tật với nhau. Trong bối cảnh Bệnh viện Ung bướu TP.HCM quá tải như hiện nay, buổi trò chuyện như vậy là cơ hội tốt để bệnh nhân và bác sĩ thấu hiểu nhau hơn, trao đổi được nhiều hơn thông tin về bệnh tật.
Một nữ bệnh nhân tên Đào Thị Huyền, 49 tuổi, ngụ tại đường Điện Biên Phủ, quận 10, TP.HCM như được cởi tấm lòng với những người cùng cảnh ngộ và các y bác sĩ. Theo chị Huyền, đó là những tâm sự không thể bộc bạch với người thân bởi: “Dù thương mình đến mấy họ vẫn không hình dung nổi nỗi đau đớn, trống trải mà mỗi bệnh nhân ung thư phải trải qua lớn lao đến nhường nào.”
Chị Huyền bật khóc khi kể về ngày đầu nhận kết quả ung thư. Ảnh: Thanh Huyền. |
Chị Huyền nhớ như in ngày mình cầm trên tay án tử cách đây 4 tháng, đó là chiều thứ 3, khi chị đưa con trai đi học.
“Đưa cháu tới lớp, trong lúc chờ con học, tôi quay ra tranh thủ lấy kết quả xét nghiệm. Cảm giác cầm kết luận mình bị ung thư trên tay lúc đó có lẽ suốt cuộc đời này tôi không bao giờ quên. Tôi cố gắng kìm lại nhưng nước mắt cứ thế ùa ra, tôi chạy ra đường, khóc rất to trước mặt bao người. Ý nghĩ đầu tiên trong đầu là tôi sẽ kiếm một chiếc xe tải để lao đầu vào, kết liễu cuộc đời…”, chị Huyền xúc động kể.
Đưa tay gạt đi những giọt nước mắt, người phụ nữ tiếp tục tâm sự: “Thế mà trong tích tắc tôi đã trấn tĩnh kịp. Tôi tự hỏi, mình chết rồi lát ai sẽ đón con, bố mẹ mình già rồi, sẽ thế nào khi biết con gái hành động vậy?”
Nhận ra cuộc sống của mình không chỉ do mình định đoạt, bản thân còn có ý nghĩa quan trọng với bao người thân yêu khác. Thế là tối hôm đó chị Huyền lại đón con, trở về nhà, lặng lẽ chẳng kể với ai một lời.
Suốt một thời gian dài sau đó, người phụ nữ ấy cứ một mình vò võ ra vào bệnh viện, một mình vò võ, gặm nhấm nỗi đau. Chỉ tới khi bác sĩ yêu cầu phải nhập viện để chuẩn bị phẫu thuật, khi ấy chị mới gọi điện về báo cho gia đình biết.
Chồng, con, cha mẹ chị Huyền nghe tin sét đánh, bàng hoàng lo sợ, thậm chí còn cuống hơn người trong cuộc. Khoảng thời gian chờ đợi trước khi phẫu thuật tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM là khoảnh khắc chị Huyền sợ hãi, hoang mang nhất bởi bệnh viện quá đông.
Tuy nhiên, khi nói chuyện, chứng kiến những người đồng cảnh ngộ, chị nhận ra mình còn may mắn hơn nhiều người.
Bác sĩ nói bệnh của chị Huyền ở giai đoạn sớm, tiên lượng rất tốt. Tới nay chị đã trải qua 4 tháng điều trị, tinh thần và sức khỏe khả quan hơn rất nhiều.
Những nỗi đau chỉ người đồng cảnh mới hiểu
Dù mạnh mẽ nhưng chị Huyền vẫn không tránh khỏi giây phút lạc lõng, yếu lòng:“Tôi đi làm, trước mặt người thân tôi phải tỏ ra mạnh mẽ, vui vẻ để con cái không sợ, cha mẹ già bớt lo lắng. Thế nhưng khi còn lại một mình tôi không tránh khỏi cảm giác cô đơn, trống trải. Cảm giác đó chồng, con tôi không thể hiểu nổi. Mỗi lần thế tôi lại gọi điện cho các chị em cũng bị bệnh giống mình (quen được trong bệnh viện). Chúng tôi người ở tận Lâm Đồng, người ở Nha Trang, Bình Dương, ai cũng từng trải qua sự đau đớn, cú sốc tinh thần nên dễ thông cảm, động viên nhau cùng cố gắng.”
Rất nhiều phụ nữ bị ung thư vú đang kiên trì chống chọi và sống tốt. Ảnh: Thanh Huyền. |
Chị Lê Thị Hồng Nhung, sinh năm 1958, ngụ tại quận Gò Vấp cũng đã và đang trải qua đau đớn khi điều trị căn bệnh ung thư vú. Theo chị, đó là nỗi đau mà chỉ chia sẻ cùng các người đồng cảnh ngộ mới thấu hiểu và làm vơi đi bớt.
“Tác dụng phụ của thuốc khủng khiếp lắm. da tôi bóng, xám lại, tóc rụng xuống từng mảng, móng tay và móng chân nứt ra, chảy máu. Mỗi sáng thức dậy, vệ sinh cá nhân tôi phải đeo găng tay để hạn chế tiếp xúc với nước, bằng không sẽ rất xót. Khi hóa trị tôi không thể ăn được gì, nôn ói liên tục.”, chị Nhung kể.
Chị Nhung phát hiện bệnh ung thư vú từ năm 2007. 8 năm qua, nhờ kiên trì điều trị và thường xuyên giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với những chị em cùng cảnh ngộ, chị đã sống khá tốt.
“Tôi đã truyền 17 toa thuốc, trải qua 15 đợt xạ trị. Quan niệm ung thư là án tử có lẽ chưa hẳn lúc nào cũng đúng. Nếu phát hiện và điều trị sớm chúng ta sẽ có nhiều cơ hội.”, chị Nhung nhắn nhủ.
Kể về những trường hợp kiên cường chống chọi với căn bệnh ung thư vú phải nói đến cô giáo Trương Ngọc Bích của trường PTTH Kim Liên (Hà Nội).
Cô Bích phát hiện ung thư vú từ năm 1989, sau đó bệnh di căn thành ung thư cổ tử cung. Cô Bích phải nhập viên cấp cứu nhiều lần vì cổ tử cung ra máu xối xả.
Ông Nguyễn Huy Thanh, chồng cô Bích cứ ngỡ lúc nào cũng có thể mất vợ nên luôn giành những khoảng thời gian riêng tư nhất cho hai vợ chồng. Thế mà vợ chồng cô Bích đã ở bên nhau suốt 40 năm qua. Hiện cô Bích vẫn khỏe mạnh và hạnh phúc.
Theo GS – BS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam, ung thư vú là căn bệnh gây tử vong và thường gặp thứ 2 trên thế giới.
Tuy nhiên, ung thư không có nghĩa là chấm hết nếu được phát hiện sớm và kiên trì điều trị. Hiện có 33 triệu phụ nữ trên thế giới bị ung thư vú đang điều trị và sống tốt. Tại Việt Nam, số liệu năm 2012 cho thấy 33 ngàn phụ nữ ung thư vú điều trị sống trên 5 năm.
Thanh Huyền