Bộ Chính trị mới đây đã ban hành Nghị quyết số 15 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. VietNamNet có cuộc trao đổi với nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị về nội dung này.

Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 15 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ông có đánh giá gì về tầm quan trọng của Nghị quyết này?

Mười năm trước, ngày 6/1/2012, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TƯ “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020”. Vừa qua TP Hà Nội đã có báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết nói trên. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị đã thảo luận, đánh giá toàn diện quá trình thực hiện Nghị quyết, trong đó nêu rõ những thành tích, ưu điểm cùng những hạn chế, yếu kém; chỉ ra phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và phát triển thủ đô Hà Nội trong giai đoạn mới. 

Nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị. Ảnh: Trần Thường

Với vị trí, vai trò là Thủ đô của cả nước, Hiến pháp, Luật Thủ đô và Nghị quyết của Bộ Chính trị một lần nữa khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của thủ đô Hà Nội “là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước”.

Nghị quyết của Bộ Chính trị đã vạch ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần phải thực hiện đối với Đảng bộ và nhân dân TP Hà Nội, với cả hệ thống chính trị nhằm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Đó là mục tiêu lớn, bao trùm đồng thời cũng là những nhiệm vụ không chỉ trước mắt mà lâu dài đối với thủ đô Hà Nội.

Tiềm năng, tiềm lực của Hà Nội có thể thấy là rất lớn, vậy làm thế nào để có thể khơi thông những điểm nghẽn để có thể thực hiện được các mục tiêu như Nghị quyết của Bộ Chính trị đề ra là tầm nhìn đến năm 2045, thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD…?

Qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020”, TP Hà Nội đã đạt được “nhiều thành tựu nổi bật, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (đánh giá của Bộ Chính trị nêu trong Nghị quyết 15-NQ/TƯ).

Tiềm năng, tiềm lực của Thủ đô về mọi mặt hôm nay đều lớn mạnh hơn trước; kinh tế, xã hội, đời sống nhân dân có bước cải thiện khá; diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại. Đó là những thực tế được Đảng và nhân dân cả nước ghi nhận.

Tuy nhiên, như trong Nghị quyết mới của Bộ Chính trị đã chỉ ra, TP Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém: “Nhiều tiềm năng, lợi thế của Thủ đô vẫn chưa được đánh giá, khai thác, phát huy đầy đủ. Tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững”. Bên cạnh đó, trên các lĩnh vực khác cũng tồn tại không ít yếu kém, khuyết điểm.

Có lẽ, ai cũng nhận thấy tiềm năng, lợi thế của Thủ đô trên các phương diện kinh tế, văn hoá, khoa học công nghệ, đất đai, nguồn lực con người… là rất to lớn. Trong đó, có những lĩnh vực không địa phương nào có được. Nhưng những tiềm năng, lợi thế ấy đã không được đánh giá, khai thác và phát huy đầy đủ. 

Nghị quyết cũng đã chỉ ra nguyên nhân của những yếu kém ấy. Trước hết thuộc về trách nhiệm của Đảng bộ và nhân dân TP, đồng thời cũng là của các cấp, các ngành cả trong nhận thức và trong tổ chức thực hiện chưa quan tâm đúng mức, chưa phối hợp chặt chẽ, chưa tạo điều kiện đầy đủ, kịp thời về cơ chế, chính sách, phân cấp, phân quyền để TP chủ động hơn trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra. Vì vậy trong Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này đã chỉ ra những giải pháp cần thiết để khơi thông những điểm nghẽn, khắc phục những yếu kém trong quá trình thực hiện Nghị quyết 11. Đó là yêu cầu sự vào cuộc của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”.

Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị chỉ rõ những việc cần làm, ai phải làm, từ Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, đặc biệt là Đảng bộ và nhân dân Thủ đô. Đó là điểm mới được nhấn mạnh trong Nghị quyết lần này.

Toàn cảnh Hồ Tây. Ảnh: VNN

Là Thủ đô của cả nước, Đảng bộ và nhân dân TP Hà Nội phải có trách nhiệm trước cả nước; đồng thời, cả nước cũng phải vì Thủ đô. Đây không chỉ là tình cảm, tinh thần mà là nghĩa vụ, trách nhiệm, là những công việc cụ thể cả hệ thống chính trị cần phải làm.

Ví dụ, Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này chỉ rõ nhiệm vụ của Đảng đoàn Quốc hội là phải “lãnh đạo sửa Luật Thủ đô và một số luật có liên quan theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho Hà Nội, trong đó lưu ý đến việc chủ động nguồn thu, nhiệm vụ chi nhằm ưu tiên hơn nữa nguồn lực đầu tư cho phát triển, bảo đảm kinh phí cho các dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn thủ đô Hà Nội”. Đó là cách đề cập hết sức rõ ràng của Nghị quyết chỉ ra công việc cho từng cơ quan trong hệ thống chính trị. Sự nhấn mạnh, cụ thể hoá lần này khắc phục được những điểm quy định chung chung của Nghị quyết trước đây. 

Tôi nhớ Quốc hội khoá 13 khi thảo luận, thông qua Luật Thủ đô, không ít ĐBQH không đồng tình, nhất trí trao cho Hà Nội những cơ chế, chính sách đặc thù. Nhiều đại biểu đề nghị ra Luật Đô thị, Hà Nội được cơ chế, chính sách gì, thì các TP khác cũng được như vậy. Điều đó thể hiện nhận thức của mọi người về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, tính đặc thù của thủ đô Hà Nội không phải đều giống nhau.

‘Bao nhiêu huyện trở thành quận tuỳ vào kết quả phấn đấu của Hà Nội’

Trong Nghị quyết có nêu hàng loạt mục tiêu đặt ra với Hà Nội, trong đó nhấn mạnh phấn đấu đến năm 2025 có 3-5 huyện và đến năm 2030 có thêm 1-2 huyện phát triển thành quận. Từng là người đứng đầu Đảng bộ TP, ông nhận thấy điều này có dễ thực hiện không khi các huyện dự kiến lên quận hiện nay vẫn còn thiếu một số tiêu chí? Hà Nội cần có giải pháp cụ thể như thế nào để có thể đạt được như mục tiêu đã đề ra?

Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị đã đề ra hệ thống toàn diện các mục tiêu TP Hà Nội cần phải phấn đấu. Trước hết là các mục tiêu, chỉ tiêu trên các lĩnh vực trọng yếu: kinh tế, văn hoá, xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch; công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ…

Cùng với đó, Nghị quyết đặt ra yêu cầu phấn đấu đến năm 2025 có 3-5 huyện và đến 2030 có thêm 1-2 huyện phát triển thành quận.

Cầu Nhật Tân. Ảnh: Phạm Hải

Tôi nghĩ, việc một số huyện của TP sẽ phát triển, trở thành quận là xu thế tất yếu, khách quan của quá trình phát triển kinh tế, xã hội, đô thị hoá, hiện đại hoá của thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, điều ấy không có nghĩa trong tương lai tất cả các huyện của TP Hà Nội đều trở thành quận.

Trong mấy chục năm tới, thủ đô Hà Nội vẫn có những vùng là nông nghiệp, nông thôn. Nhưng đó cũng là nông nghiệp, nông thôn văn minh, hiện đại. Khi ấy nhiều người trong chúng ta lại có mong muốn được sống trong môi trường nông nghiệp, nông thôn văn minh, hiện đại ấy. Nói như thế để mọi người không phải chỉ đua tranh, nôn nóng phấn đấu để trở thành quận.

Việc những năm tiếp theo có bao nhiêu huyện trở thành quận là tuỳ thuộc vào kết quả phấn đấu thực hiện của TP. Căn cứ vào tình hình, điều kiện hiện tại, theo tôi những mục tiêu trên là khả thi.

Để thực hiện những mục tiêu nêu trong Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, nhân tố con người là một trong những yếu tố cốt yếu, mà trước tiên là đội ngũ cán bộ lãnh đạo phải sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có ý chí vươn lên, khát vọng cống hiến cho sự nghiệp phát triển Thủ đô. Theo ông, cán bộ lãnh đạo Hà Nội phải làm gì trong thời gian tới?

Nhân tố con người – như Nghị quyết của Bộ Chính trị đã nêu rõ: Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; đồng thời phải nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, kỷ luật, kỷ cương; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có năng lực, trình độ cao, chuyên nghiệp, có bản lĩnh, có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có ý chí vươn lên, khát vọng cống hiến cho Thủ đô… Đó là những yêu cầu, đòi hỏi hết sức quan trọng và cần thiết đối với đội ngũ cán bộ TP Hà Nội.

Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này đã chỉ ra rất cụ thể, sát với đòi hỏi, yêu cầu của giai đoạn mới. Đặc điểm, tính chất, môi trường công việc ở Thủ đô đòi hỏi cần phải có đội ngũ cán bộ có đủ những phẩm chất, trình độ, năng lực như vậy. Được làm việc, cống hiến ở Hà Nội, đó không chỉ là vinh dự, đồng thời cũng đòi hỏi phải nâng cao trách nhiệm hàng ngày, hàng giờ trước nhân dân, trước công việc được giao. Đó cũng là môi trường luôn đầy ắp công việc, có nhiều việc lớn, việc khó đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của đội ngũ cán bộ TP.

Để có thể hoàn thành tốt những công việc như vậy, luôn đặt ra những đòi hỏi cao đối với đội ngũ cán bộ, cả về phẩm chất lẫn năng lực. Đồng thời không thể không quan tâm đúng mức việc phải có những cơ chế, chính sách đồng bộ, phù hợp với đặc điểm, vai trò, vị trí của Thủ đô như Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị lần này đã chỉ ra.

Hương Quỳnh

Bộ Chính trị: Phấn đấu đến 2030 Hà Nội có thêm 7 quậnHôm nay (5/5), thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.