Các hành động gần đây của Trung Quốc khi "đơn phương" khẳng định quyền kiểm soát ở các vùng lãnh thổ tranh chấp thuộc Biển Đông có thể vi phạm luật pháp quốc tế, một thượng nghị sĩ Mỹ cho biết.
Thượng nghị sĩ Jim Web. Ảnh: AP |
Thượng nghị sĩ Jim Webb đã thúc giục Bộ Ngoại giao Mỹ làm rõ tình hình này với Bắc Kinh và báo cáo lại cho quốc hội. "Với sự trỗi dậy của một phe nhóm nào đó ở Trung Quốc có quan hệ với giới quân sự, Bắc Kinh đang ngày càng gây hấn hơn", ông phát biểu trước Thượng viện Mỹ hôm qua (26/7).
Trước sự lấn lướt của Trung Quốc trong yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, hôm nay, Chủ tịch UB Quốc phòng Hạ viện Philippines Rodolfo Biazon tuyên bố đây có thể là lúc Philippines đề nghị LHQ triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình để ngăn chặn xung đột vũ trang giữa hai nước ở khu vực tranh chấp. |
Ông cũng cáo buộc Trung Quốc "đưa dân" và "lập đơn vị đồn trú" trên hòn đảo nằm trong khu vực tranh chấp lãnh thổ. Ông Webb nằm trong nhóm nghị sĩ đã đưa ra nghị quyết được Thượng viện Mỹ phê chuẩn tháng 6/2011 về giải quyết tranh chấp Biển Đông. Ông đã lên án Trung Quốc "từ chối" giải quyết vấn đề ở một diễn đàn đa phương.
Thượng nghị sĩ Webb còn chỉ trích việc Trung Quốc sử dụng sức mạnh trong khu vực và kêu gọi giải pháp hòa bình, đa phương trong các tranh chấp hàng hải ở châu Á.
"Họ yêu sách vấn đề này chỉ nên giải quyết song phương. Tại sao lại thế? Vì họ có thể lấn át bất kỳ nước nào trong khu vực này. Đó là sự vi phạm luật pháp quốc tế". Ông Webb cho rằng, quan điểm của Trung Quốc "đi ngược lại" với tuyên bố sẵn sàng làm việc với ASEAN để phát triển một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
"Vấn đề rất phức tạp, tôi sẽ thúc giục Bộ Ngoại giao làm rõ tình hình này với Trung Quốc cũng như với cơ quan của chúng ta ngay lập tức", ông Webb yêu cầu.
Một ngày trước đó, thượng nghị sĩ John McCain đã mô tả quyết định triển khai quân đội của Trung Quốc ra hòn đảo trong khu vực tranh chấp ở BIển Đông là "hành động khiêu khích không cần thiết". Ông nói, quan điểm của Trung Quốc đã củng cố "mối lo ngại ngày càng lớn" trong nhiều quốc gia châu Á khi các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ngày càng mở rộng của Bắc Kinh không hề có cơ sở theo luật pháp quốc tế.
Thái An (theo bhaskar)