Em sinh 1 bé vào ngày 7/11/2013, thời gian nghỉ thai sản của em theo hồ sơ đăng ký với BHXH quận là ngày 01/10/2013. Em tính từ ngày 01/10/2013 đến 31/03/14 là em đủ 6 tháng thai sản.

TIN BÀI KHÁC

Ngày 1/4/2014 em làm hồ sơ dưỡng sức sau thai sản, hồ sơ được BHXH quận duyệt và đã thanh toán tiền cho em rồi. Em cũng làm đơn lên công ty xin được nghỉ 3 tháng (T4; T5; T6) không lương vì sức khoẻ em còn yếu và bé còn nhỏ. Tháng 7 này em đi làm và báo tăng lao động, đồng thời đóng bảo hiểm luôn. Em nghỉ 3 tháng không lương mà hưởng dưỡng sức có đúng với luật BHXH không?

{keywords}
(ảnh minh họa)

Luật sư tư vấn:

Theo quy định tại K1, K2 và K3 - Điều 157 BLLĐ 2012, lao động nữ sau khi nghỉ hết thời gian nghỉ thai sản nếu có nhu cầu nghỉ thêm không hưởng lương thì có thể thỏa thuận với NSDLĐ, cụ thể: Điều 157. Nghỉ thai sản

3. Hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương theo thoả thuận với người sử dụng lao động.

Bên cạnh đó, tại Điều 37 Luật BHXH 2006 như sau: 1. Lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 30, khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 31 của Luật này mà sức khoẻ còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ năm ngày đến mười ngày trong một năm.

2. Mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại gia đình; bằng 40% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại cơ sở tập trung.

Nghị định 156/2006 ngày 22/12/2006 hướng dẫn một số điều về BHXH bắt buộc Điều 17: Dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản theo khoản 1 Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

1. Lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ khi sinh con quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội mà sức khoẻ còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

2. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong một năm tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần, ngày đi và về nếu nghỉ tại cơ sở tập trung. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời quyết định, cụ thể như sau:

a) Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ 2 con trở lên;

b) Tối đa 7 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;

c) Bằng 5 ngày đối với các trường hợp khác.

3. Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe một ngày:

a) Bằng 25% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại gia đình;

b) Bằng 40% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại cơ sở tập trung, mức hưởng này tính cả tiền đi lại, tiền ăn và ở.

Như vậy, căn cứ vào các quy định trên, việc bạn xin Công ty nghỉ 3 tháng không hưởng lương và đã được Công ty đồng ý là đúng với quy định của BLLĐ 2012.

Tuy nhiên, thời gian nghỉ dưỡng sức hưởng trợ cấp BHXH sau thai sản 3 tháng là chưa phù hợp với điều 37 luật BHXH là từ 5 ngày đến 10 ngày trong một năm.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Hà Nội

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).