Thực hiện theo Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới và trên tinh thần Thông tư về việc hướng dẫn tổ chức Đại lễ Phật đản PL. 2564 – DL. 2020 của Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) ngày 5/5, Ban trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Lễ Phật đản với nghi thức tắm Phật tại chùa Hoa Yên, Yên Tử. Tuy không đông người và không rộn ràng như mọi năm nhưng vẫn giữ được sự trang nghiêm thành kính hướng về ngày Đức Thế Tôn thị hiện nơi đời để "khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến".

{keywords}
Lễ Phật đản được tổ chức trang nghiêm tại chùa Hoa Yên, Yên Tử, Quảng Ninh. 

Sau ba hồi chuông trống bát nhã cung nghinh chư tôn đức tăng, ni quang lâm lễ đài cử hành chương trình Phật đản. Tiếng xướng lễ ngân vang trong bầu không gian trang nghiêm thanh tịnh càng khiến cho tất cả mọi người thành kính nhất, dâng trọn tấm lòng lên cúng dường đức Phật. Trong khoảnh khắc thiêng liêng đó, toàn thể Ban trị sự và khách mời chắp tay nguyện cầu hạnh lành, bình an trong ánh từ quang của mười phương chư Phật. 

{keywords}
Để thực hiện Lễ tắm Phật, các tự viện thường bài trí bàn thờ với đầy đủ hương hoa, thỉnh tôn tượng Phật sơ sinh để trong chậu hoặc thau lớn tinh sạch.

Trong quan niệm của Phật giáo Nam tông, có một sự màu nhiệm liên quan đến những sự kiện trong cuộc đời Đức Phật đó là Đản sinh, thành đạo, và Niết bàn đều diễn ra vào đêm trăng tròn, tức đêm rằm của tháng Tư theo đúng ý nguyện của Đức Phật. Cho nên các hàng phật tử tại gia và xuất gia đều lấy ngày rằm tháng Tư làm ngày lễ cúng dường Đức Phật. Và cũng chính vì lí do đó, năm 1999, tại phiên họp thứ 54, Đại Hội đồng Liên Hợp quốc đã quyết nghị công nhận ngày Tam hợp Đức Phật (đản sinh, thành đạo, Niết bàn) vào rằm tháng Tư là lễ hội văn hóa tôn giáo thế giới, tên đầy đủ là Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc.

Ngày lễ Phật đản đã trở thành một ngày lễ quan trọng của giới phật tử, không chỉ như một việc làm tri ân công đức của Đức Bổn sư Như Lai mà còn nhắc nhở mỗi chúng sinh luôn hướng về những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, xây dựng một xã hội hoà bình, hạnh phúc, an lạc đúng như ý nguyện lúc đản sinh của Đức Phật, để khắp nhân gian đều an bình, hòa hợp trong chính pháp của Đức Như Lai.

{keywords}
Diễu hành qua nhiễu tháp. 

Thượng toạ Thích Đạo Hiển, Phó Ban trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh chia sẻ tại Việt Nam, lễ Phật đản là lễ hội lớn nhất của tín đồ phật tử trong năm. Vào những ngày này, các tự viện thường tổ chức các sự kiện lớn kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh, ôn lại truyền thống lịch sử của Đức Phật cũng như nhắc nhở chúng sinh về đại hạnh xuất gia cứu cánh của đức Bổn sư Như lai. Đặc biệt, trong dịp này, các tự viện thường tổ chức lễ tắm Phật. 

“Xuất phát từ sự tích khi Đức Phật đản sinh có chín con rồng xuống phun mưa tắm cho Ngài. Sự gột rửa đó vừa là để xóa đi những ô trọc trên cơ thể đồng thời còn truyền tải một thông điệp về việc tẩy trừ mọi phiền não, sân si đang vướng bận trong lòng để hướng về sự thanh tịnh tinh khiết trong mỗi con người.

Để thực hiện Lễ tắm Phật, các tự viện thường bài trí bàn thờ với đầy đủ hương hoa, thỉnh tôn tượng Phật sơ sinh để trong chậu hoặc thau lớn tinh sạch. Chuẩn bị nguyên liệu nấu nước thơm tắm Phật. Ở nước ta, các phật tử thường nấu nước với hoa lài, hoa cúc, quế… chờ nước nguội đổ vào chậu và rải thêm hoa lài vào nước tắm Phật. Có nơi giản tiện thì dùng nước mưa, nước lọc tinh sạch. Nước tắm Phật phải là nước thanh tịnh, vì vậy người chuẩn bị nước cần phải thành tâm, tin tưởng trọn vẹn vào công đức tắm Phật mới thành tựu như nguyện", Thượng toạ Thích Đạo Hiển chia sẻ.

{keywords}
 
{keywords}
 

Cũng theo Thượng toạ Thích Đạo Hiển, đến giờ hành lễ, đạo tràng trì tụng kinh sám theo nghi thức Lễ tắm Phật. Đến đoạn tắm Phật, mọi người đồng tụng kệ rồi tuần tự đi đến lễ đài tôn trí tượng Phật sơ sinh chắp tay thành kính, múc nước nhẹ nhàng tưới lên hai vai của Ngài. Trong lúc tắm Phật, mỗi người cần lắng lòng thanh tịnh quán tưởng dòng nước cam lộ tinh sạch này sẽ gội nhuần tâm tư. Những tâm niệm tham lam, sân hận và si mê của bản thân nhờ công đức này mà được tẩy sạch. Những suy nghĩ, lời nói và việc làm xấu ác cũng được xóa tan. Thân tâm trở nên thanh tịnh, mát mẻ, nhẹ nhàng.

{keywords}
Ban trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh trao quà cho các gia đình nghèo và cận nghèo tại Xã Thượng Yên Công. 

Cùng ngày, Ban trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh cũng trao quà cho các hộ gia đình nghèo và cận nghèo của xã Thượng Yên Công (Quảng Ninh) 150 suất quà bao gồm tiền mặt và các nhu yếu phẩm như gạo, mì tôm, dầu ăn... để cùng nhau vượt qua khó khăn khi dịch Covid-19.

Tình Lê

Ảnh: LAD

Thông điệp ý nghĩa của Phật đản 2020

Thông điệp ý nghĩa của Phật đản 2020

Đại lễ Phật đản, Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ GHPGVN truyền đi thông điệp nói về tinh thần đoàn kết, nhấn mạnh về đồng thuận xã hội.