- Theo đơn tố cáo từ một số giảng viên, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, bà Mai Thị Thanh, hiện là Trưởng khoa Lý luận chính trị có hành vi sao chép đề tài nghiên cứu khoa học, biến đề tài của nhóm thành của riêng.

Sao chép, biến đề tài của nhóm tác giả thành của riêng?

Đề tài “Phát huy vai trò chủ thể nhận thức của sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội trong học tập môn Triết học Mác – Lê nin hiện nay” do nhóm tác giả 6 người thực hiện vào năm 2005, trong đó bà Mai Thị Thanh làm chủ nhiệm.

Theo nội dung tố cáo, bà Thanh sau đó đã nhiều lần sao chép, biến công trình nghiên cứu của nhóm tác giả thành các công trình của riêng mình. Trong đó, có 2 công trình được ghi danh vào hồ sơ thi thăng hạng giảng viên cao cấp.

9 năm sau khi đề tài được nhóm tác giả 6 người hoàn thành, bà Mai Thị Thanh thực hiện đề tài có tên “Giải pháp nâng cao vai trò chủ thể nhận thức trong học tập các môn lý luận chính trị của sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội” do bà chủ biên và đứng tên độc lập.

2 đề tài theo phản ánh của nhóm giảng viên, có sự trùng lặp khoảng trên 60%. Tuy nhiên, trong phần “tình hình nghiên cứu có liên quan đến đề tài” cũng như trong danh mục tài liệu tham khảo của đề tài sau không hề nhắc đến sự tồn tại của đề tài trước.

Cả hai công trình này sau đó đã được nghiệm thu và được Trường ĐH Bách khoa Hà Nội ghi danh vào hồ sơ thi thăng hạng giảng viên cao cấp của bà Thanh.

Cũng theo nội dung tố cáo, cuối năm 2015, bà Thanh phát hành lần lượt 2 cuốn sách, trong đó có phần nội dung tiếp tục trùng lặp với hai đề tài kể trên.

Tháng 6/2015, Khoa Lý luận chính trị tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng giảng dạy các môn học lý luận chính trị trong các trường đại học không chuyên ngành Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Bà Thanh là 1 trong 31 tác giả tham gia viết bài, gửi báo cáo.

Tuy vậy, ngày 20/11/2015, bà Thanh đã phát hành rộng rãi cho các đại biểu và các giảng viên 1 cuốn sách có tên “Nâng cao chất lượng dạy, học các môn lý luận chính trị trong trường đại học khối ngành kỹ thuật: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” do bà đứng tên chủ biên.

Cuối tháng 12/2015, bà Thanh lại phát hành tiếp cuốn “Kỷ yếu hội thảo – Nâng cao chất lượng giảng dạy các môn học lý luận chính trị trong các trường ĐH không chuyên ngành Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Nhưng lần này do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đứng tên chủ biên.

Cả hai cuốn sách đều là tuyển tập 31 bài viết của 31 tác giả gửi hội thảo. Điều này cũng làm nhiều tác giả có báo cáo gửi hội thảo phản đối vì không được sự cho phép, chấp thuận của tác giả.

{keywords}
Cuốn sách in bà Mai Thị Thanh chủ biên sau đó được thu hồi để phát hành cuốn Kỷ yếu hội thảo.

VietNamNet đã liên hệ tới Trường ĐH Bách khoa Hà Nội để làm rõ thông tin về sự việc.

Ngày 20/6, căn cứ kết quả xác minh ý kiến phản ánh từ tháng 8/2016 và kết luận xác minh giải quyết đơn tố cáo ngày 12/6/2018 liên quan đến vấn đề này, nhà trường đã có thông tin phản hồi.

Ông Huỳnh Trung Hải, Trưởng phòng Khoa học - Công nghệ, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết TS Mai Thị Thanh là chủ nhiệm của 2 đề tài cấp trường, kinh phí từ ngân sách của trường là:

Đề tài 1: “Phát huy vai trò chủ thể nhận thức của sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội trong học tập môn Triết học Mác-Lênin hiện nay”, 12/2005, mã số T2005-57;

Đề tài 2: “Giải pháp nâng cao vai trò chủ thể nhận thức trong học tập các môn lý luận chính trị của sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội”, 12/2014, mã số T2014-134.

Theo ông Hải, đề tài nghiên cứu là một nhiệm vụ khoa học và công nghệ, cần có sự kế thừa và phát triển trên nền tảng các kết quả trước (của tác giả hoặc của các tác giả khác). Đề tài 2 của TS Mai Thị Thanh đã mở rộng phạm vi nghiên cứu so với đề tài 1 (trước kia các môn lý luận chính trị bao gồm 5 môn trong đó có Triết học Mác-Lênin) và do bà cùng làm chủ nhiệm. Theo Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ: “Sao chép là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc lưu trữ thường xuyên hoặc tạm thời tác phẩm dưới hình thức điện tử”.

Do vậy, đại diện Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng không thể nói đề tài 2 “sao chép” đề tài 1.

Theo ông Hải, kết quả thực hiện đề tài thể hiện ở các phát hiện mới và các giải pháp đề xuất, được trình bày thành Báo cáo tổng kết làm cơ sở để Hội đồng nghiệm thu đánh giá. Báo cáo tổng kết đề tài là báo cáo nội bộ ở cấp trường, không phải một công bố khoa học trên các tạp chí hay hội nghị khoa học.

“Báo cáo tổng kết của đề tài 2 sử dụng nội dung đã trình bày ở Báo cáo tổng kết của đề tài 1 gồm phần phân tích quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin về chủ thể và khách thể nhận thức và mối quan hệ của chúng, đây là nội dung kinh điển và do cùng một chủ nhiệm đề tài tổng hợp và biên soạn nên được diễn đạt giống nhau. Kết quả chính của đề tài 2 là 11 giải pháp, trong đó kế thừa và phát triển 4 giải pháp của đề tài 1. Với hàm lượng như vậy, đề tài 2 đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá là hoàn thành tốt. Trong quá trình xác minh, nhà trường đã mời 2 chuyên gia độc lập trong ngành thẩm định và cả 2 chuyên gia cũng đã khẳng định kết quả hai đề tài không trùng lặp”, ông Hải cho hay.

Tuy nhiên, phía Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng nhìn nhận bà Mai Thị Thanh đã có khuyết điểm là không đưa Báo cáo tổng kết đề tài 1 vào danh mục tài liệu tham khảo ở Báo cáo tổng kết đề tài 2. Mặc dù vậy không thể gọi là “sao chép”. 

Về việc in và phát hành Kỷ yếu Hội thảo “Nâng cao chất lượng giảng dạy các môn học lý luận chính trị trong các trường đại học không chuyên ngành Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”, trong bản in lần đầu TS Thanh đã có sai sót là không ghi trên trang bìa 1 đúng tên sách là Kỷ yếu Hội thảo “Nâng cao chất lượng giảng dạy các môn học lý luận chính trị trong các trường đại học không chuyên ngành Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Đồng thời đã đứng tên là chủ biên khi chưa có sự thống nhất trong Ban tổ chức hội thảo. Tuy nhiên, nội dung trong sách vẫn gồm đầy đủ các báo cáo tại hội thảo với đầy đủ tên từng tác giả.

Khi nhận thức được sai sót này, TS Mai Thị Thanh đã làm việc với nhà xuất bản Lý luận chính trị để sửa chữa sai sót là in lại cuốn kỷ yếu với  các thông tin chính xác về tên chủ sở hữu bản thảo là Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và tên Kỷ yếu Hội thảo trên bìa 1 cuốn sách. Đồng thời thực hiện thu hồi lại các sách đã in lần 1”, ông Hải cho hay. 

Theo ông Hải, đối với các nhà khoa học, sau khi thực hiện đề tài nghiên cứu thì việc công bố kết quả nghiên cứu tại các hội nghị, hội thảo, tạp chí khoa học là điều cần thiết. “Cần nhắc lại, báo cáo tổng kết đề tài nghiên cứu khoa học trong nội bộ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chưa được coi là một công bố khoa học, nên một tác giả có thể sử dụng nội dung báo cáo tổng kết đề tài của mình để viết thành một bài báo cáo trình bày tại hội nghị, hội thảo hoặc một bài báo gửi đăng trên các tạp chí khoa học. TS Mai Thị Thanh đã sử dụng kết quả thực hiện đề tài 2 của mình để viết một bài báo cáo trình bày tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng giảng dạy các môn học lý luận chính trị trong các trường ĐH không chuyên ngành Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” được tổ chức vào tháng 6/2015 do Khoa Lý luận chính trị tổ chức, sau đó báo cáo này đã được in trong kỷ yếu hội thảo cùng với các báo cáo khác. Vì vậy việc này không thể coi là sao chép”, đại diện nhà trường nhấn mạnh.

Thanh Hùng

Hội đồng ngành chưa kết luận được nghi vấn "thầy đạo văn trò"

Hội đồng ngành chưa kết luận được nghi vấn "thầy đạo văn trò"

Sáng 13/6, Hội đồng chức danh giáo sư ngành Ngôn ngữ học đã tổ chức cuộc họp bàn về nghi vấn đạo văn của GS. Nguyễn Đức Tồn.

Chương trình phổ thông mới dạy học sinh tránh đạo văn từ lớp 4

Chương trình phổ thông mới dạy học sinh tránh đạo văn từ lớp 4

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chú trọng dạy học sinh cách tôn trọng bản quyền của người khác, tránh đạo văn.

Xôn xao nghi vấn thầy "đạo văn" trò để làm hồ sơ công nhận giáo sư: Người trong cuộc nói gì?

Xôn xao nghi vấn thầy "đạo văn" trò để làm hồ sơ công nhận giáo sư: Người trong cuộc nói gì?

Những ngày gần đây, giới nghiên cứu đang xôn xao về một nghi vấn đạo văn đã từng được đặt ra hàng chục năm trước