Một điểm mạnh trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đa chiều ở thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) là sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các cơ quan, đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội từ thị xã đến cơ sở. Điều này thể hiện ở sự chủ động, chi tiết và trách nhiệm trong xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai đồng bộ thực hiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ dịch vụ xã hội cho hộ nghèo, cận nghèo.
Thị xã Nghĩa Lộ cũng huy động tối đa mọi nguồn lực để thực hiện kịp thời các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo bền vững, chú trọng công tác trợ giúp đột xuất khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, nhằm đạt mục tiêu đảm bảo người dân nghèo, cận nghèo được tiếp cận đa chiều các dịch vụ xã hội cơ bản, từng bước thoát nghèo bền vững, tránh tái nghèo.
Mới đây, Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Nghĩa Lộ đã phát động cán bộ, công chức, người lao động của đơn vị hưởng ứng, ủng hộ mỗi người 1 ngày lương, đồng thời trực tiếp đến nơi ở của 3 hộ nghèo để thăm hỏi, khảo sát nhu cầu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các hộ nghèo để có biện pháp hỗ trợ thiết thực.
Cuối tháng 5, gia đình ông Lò Văn Phương và ông Hà Văn Phương thôn Quân, xã Phù Nham được Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Nghĩa Lộ hỗ trợ mỗi hộ 15 con gà mái đẻ kèm thức ăn chăn nuôi. Cơ quan này cũng hỗ trợ cho hộ ông Lò Văn Ơn tivi cùng bộ đầu chảo thu tín hiệu vệ tinh.
Hoạt động thiết thực trên của Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Nghĩa Lộ góp phần thực hiện tốt phong trào chung tay vì người nghèo, góp sức cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, đồng thời phát huy tinh thần tương thân tương ái của dân tộc ta.
Truyền thống đoàn kết, chung tay giúp người nghèo của thị xã Nghĩa Lộ giúp thúc đẩy tiến trình giảm nghèo của địa phương này. Năm 2024, thị xã Nghĩa Lộ quyết tâm giảm thêm 3,9% hộ nghèo, tương đương với 724 hộ; giảm 5,5% hộ cận nghèo so với năm 2023 tương đương với 166 hộ; giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số toàn thị xã là 5,3% (giảm 638 hộ). Đặc biệt, thị xã lựa chọn, xây dựng thôn, bản, tổ dân phố, không có hộ nghèo trong năm 2024.
Nghĩa Lộ cũng chăm lo đến giáo dục cho người nghèo, phấn đấu tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt trên 98%; Tập trung đào tạo các ngành nghề phù hợp trình độ từ sơ cấp trở lên cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo để có việc làm ổn định, tăng thu nhập.
Năm nay, thị xã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Đặc biệt, với nhóm người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thị xã phấn đấu đào tạo nghề cho 295 người; tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho trên 1.000 người; giải quyết việc làm 615 người và chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp cho 120 lao động. Phấn đấu đến cuối năm, địa phương nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 71,31%.
Trao sinh kế, tạo việc làm, thị xã Nghĩa Lộ dự kiến hỗ trợ cho khoảng 700 hộ nghèo, hộ cận nghèo từ các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp từ nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Cùng đó, nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất sẽ trao cho khoảng 500 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay.
Đặc biệt, chăm lo chiều thiếu hụt về nhà ở cho người nghèo, cận nghèo, năm nay, thị xã Nghĩa Lộ đa dạng hoá nguồn lực, hỗ trợ làm mới nhà ở cho 85 hộ nghèo thiếu hụt về nhà ở; hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh và tăng số hộ được sử dụng nước sạch để giảm chiều thiếu hụt về nước sinh hoạt và vệ sinh. Lãnh đạo thị xã yêu cầu việc làm nhà ở hoàn thành trước ngày 30/10; hoàn thành việc thanh toán kinh phí cho các các hộ gia đình làm xong nhà trước ngày 30/11.
Trên toàn tỉnh Yên Bái, theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đến giữa tháng 8, toàn tỉnh đã khởi công 1.286/1.424 nhà đạt 90,3% kế hoạch năm. Hơn một nửa số nhà đã hoàn thành; trong đó, thị xã Nghĩa Lộ đã hoàn thành 35 nhà.
Việc hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn nhằm kịp thời giảm bớt khó khăn, ổn định và nâng cao đời sống, tạo điều kiện nâng cao chất lượng nhà ở. Đây cũng là giải pháp có tác dụng kép, giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo giải quyết các thiếu hụt về nhà ở và vệ sinh, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.