Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo ĐH Quốc gia Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn đã gửi lời chúc mừng, ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các thế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ trong suốt 50 năm qua.

{keywords}
“Ngoại ngữ là công cụ sắc bén để mở rộng tầm nhìn ra thế giới”, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ.

Mở đầu phần phát biểu, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn nhắc lại việc ra đời của Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ từ năm cuối của thập kỷ 60 thế kỷ trước, trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt cho thấy tầm nhìn của những người có trách nhiệm lúc bấy giờ về vai trò của ngoại ngữ và tầm quan trọng của giao lưu hợp tác, hội nhập thế giới.

“Với nhiều người, ngoại ngữ đã mở ra những cơ hội học tập và trưởng thành nghề nghiệp ở các bậc học cao hơn, là điều kiện để họ học tập trong môi trường quốc tế từ rất sớm và rất nhiều trong số đó đã trưởng thành, đảm trách nhiều vị trí, vai trò quan trọng trong xã hội”.

Ông Sơn cho rằng, một ngôi trường thành công là trường mà người chưa vào học thì mong mỏi được vào, được vào học rồi thì hài lòng và thỏa mãn phát triển. Người ra trường thì thấy tự hào và luôn quan tâm gắn bó. Người không học ở đó, nhưng nghe thấy tên trường cũng khen ngợi và đánh giá cao. Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ là một ngôi trường như vậy.

{keywords}
 

Ông Sơn nhắn nhủ: “Các học sinh Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ cần tận dụng lợi thế ngoại ngữ, đó là công cụ sắc bén để các em mở rộng tầm nhìn ra thế giới, học hỏi nhiều hơn, đọc và suy ngẫm nhiều hơn và học có phương pháp. Qua đó làm giàu cho mình và giúp công cuộc hội nhập thế giới của đất nước nhanh, chủ động và mạnh hơn. Các dân tộc trên thế giới đều có những kho báu trí tuệ, tri thức và văn hóa riêng, các em có công cụ ngoại ngữ tốt cần đi sâu thâm nhập vào các kho báu vô giá đó của nhân loại. Mỗi một em được làm giàu thêm từ nguồn kho quý ấy, tức là đất nước đã giàu có thêm về văn hóa, nhân loại có thêm những sự giao lưu và tất cả đều được làm phong phú thêm”.

{keywords}
Các cựu học sinh trở về trong ngày kỷ niệm 50 năm thành lập Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (thuộc Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Thanh Hùng 

Tuy nhiên, đề trở thành những công dân toàn cầu, theo ông Sơn, các học sinh vẫn cần phải học tập một cách toàn diện, hài hòa giữa các môn học. Cần phát triển bản thân, phát triển các kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn trong các điều kiện rất khác nhau, kỹ năng tự phát triển, tự học.

“Cần có kỹ năng để có thể học một biết thêm mười và từ mười thâu tóm thành một điều xâu chuỗi. Đó là cách chiếm lĩnh khối tri thức ngày càng khổng lồ”.

{keywords}
Ảnh: Thanh Hùng

Càng giỏi ngoại ngữ, càng cần lưu tâm học tốt tiếng Việt 

Ông Sơn cho rằng, các học sinh cần thật giỏi ngoại ngữ và hiểu biết văn hóa các nước. Nhưng càng học giỏi ngoại ngữ bao nhiêu, thì các em càng cần lưu tâm học tốt môn tiếng Việt và ngữ văn Việt Nam bấy nhiêu. Học tốt tiếng Việt không phải chỉ để có điểm tốt mà để làm một người Việt đầy đủ và để có thể dịch thuật tốt, nghiên cứu tốt khi cần thiết. Học ngoại ngữ tốt để hiểu nhân loại và hội nhập tốt, nhưng ở một chiều khác, các em cũng cần có trách nhiệm đem văn hóa của Việt Nam lan tỏa ra cộng đồng thế giới và để thế giới biết tới chúng ta nhiều hơn, qua đó các em cũng khẳng định được mình nhiều hơn.

Các em cũng cần học tốt môn ngoại ngữ thứ 2. Sẽ tới một ngày, việc dùng tiếng Anh trở nên rất phổ biến ở Việt Nam và mọi người sẽ không còn coi tiếng Anh như một ngoại ngữ nữa. Khi đó, các ngôn ngữ của các dân tộc khác, các khối khác mà các em nắm được sẽ rất có tác dụng và có ưu thế.

{keywords}
 

Với Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, ông Sơn cho hay, một thương hiệu lớn đã được xác lập thì việc giữ gìn và làm rạng rỡ thêm là công việc cũng không hề dễ dàng.

Nhà trường cần phát triển toàn diện để thích ứng và đáp ứng những yêu cầu và đòi hỏi mới, trong bối cảnh mới, kỳ vọng mới, và phải trở thành một nhân tố quan trọng để tham gia vào việc phát triển Trường ĐH Ngoại ngữ nói riêng và ĐH Quốc gia Hà Nội nói chung.

“Cần có tầm nhìn mới, triết lý mới, phương pháp mới và hướng tới chất lượng mới trong giáo dục và đào tạo. Các thầy các cô cần tiếp tục triển khai những phương pháp giảng dạy mới, thậm chí thí điểm, ứng dụng các khoa học dạy ngoại ngữ và giảng dạy học tập nói chung. Chất lượng và chất lượng tốt nhất, đó là chân lý đơn giản của sự tồn tại để vượt qua thách thức và không ngừng lớn mạnh”.

Trường cần triển khai triết lý giáo dục hướng tới phát huy và thích hợp với từng cá nhân người học để không ngừng nâng cao chất lượng. Cùng đó, đúc kết những kinh nghiệm dạy và học ngoại ngữ cho bậc phổ thông để áp dụng nhân rộng cho ngành giáo dục nói chung. Đó vừa là sứ mệnh của trường và cũng là sứ mệnh lớn của toàn ĐH Quốc gia Hà Nội.

Thanh Hùng

Hân hoan ngày trở về 50 năm Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ

Hân hoan ngày trở về 50 năm Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ

- Ngày 9/11, rất đông các thế hệ cựu học sinh của Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (thuộc Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội) đã cùng trở về hội ngộ trong lễ kỷ niệm 50 năm thành lập trường.