Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang ở Myanmar với nỗ lực tìm cách làm dịu căng thẳng ở Biển Đông do tranh chấp giữa TQ và các nước láng giềng.

Trong bối cảnh quan ngại gia tăng vì những hành động khiêu khích gần đây của TQ ở khu vực tranh chấp thuộc Biển Đông, ông Kerry đã có các cuộc hội đàm với những người đồng cấp và quan chức cấp cao Đông Nam Á tại diễn đàn an ninh khu vực diễn ra ở Myanmar. Xung đột tuyên bố chủ quyền sẽ là tâm điểm chương trình nghị sự diễn đàn.

{keywords}
Mô tảNgoại trưởng Mỹ John Kerry. Ảnh: businessinsider


TQ hồi đầu tháng 5 đã đơn phương hạ đặt giàn khoan trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN. Washington mới đây cho hay, mặc dù TQ đã rút giàn khoan từ giữa tháng 7 nhưng để lại sự hoài nghi của láng giềng về chiến lược lâu dài của TQ.

Theo quan chức Mỹ, ông Kerry sẽ thúc giục TQ và những nước tuyên bố chủ quyền khác tự nguyện thực hiện các biện pháp giảm bớt bất hòa trong khi tiếp tục đẩy mạnh làm việc về một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Mỹ và nhiều nước khác lo ngại căng thẳng leo thang có thể ảnh hưởng tới các hải lộ quốc tế quan trọng trong vùng biển, thậm chí dẫn tới xung đột. Washington luôn khẳng định duy trì hòa bình ở Biển Đông là một lợi ích quốc gia của Mỹ.

Hiện Mỹ đang kêu gọi đóng băng các hành động làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông như chiếm giữ các đảo không có người ở hay tiến hành cải tạo đảo.

Washington nói có quan điểm trung lập trong tranh chấp. Một quan chức cấp cao Mỹ cho biết, Ngoại trưởng Kerry “không tìm cách thách thức” TQ, rằng, vấn đề không phải là “cuộc chiến của các siêu cường”. 

Tuy nhiên, Bắc Kinh luôn phản ứng tiêu cực với bất kỳ sự liên quan nào của Mỹ. Quan chức TQ tuyên bố rõ rằng họ không ủng hộ đề xuất “đóng băng” nói trên của Mỹ.

Đầu tuần này, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á Daniel Russel nói với báo giới: "TQ với tư cách một quốc gia lớn và hùng mạnh có trách nhiệm đặc biệt phải thể hiện sự kiềm chế". 

Mỹ khẳng định, tất cả các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cần nỗ lực nhiều hơn để làm sáng tỏ những gì mà họ cho rằng tuyên bố chủ quyền của mình phù hợp với luật pháp quốc tế, và nhanh chóng tiến tới hoàn tất bộ quy tắc ứng xử bị trì hoãn bấy lâu nay.

Tại Myanmar, ông Kerry cũng sẽ đề cập tới vấn đề nhân quyền, về cuộc bầu cử 2015 của Myanmar. Ngoại trưởng Mỹ dự kiến nêu racác vấn đề trong những cuộc gặp riêng với Tổng thống Myanmar Thein Sein cuối ngày hôm nay và sau đó là với bà Aung San Suu Kyi trong ngày mai.

Sau Myanmar, ông Kerry sẽ tới Australia để cùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và các quan chức Australia hội đàm an ninh.

Thái An (theo abcnews)